Vùng đồng quê chiêm trũng huyện Yên Thành (Nghệ An) là vựa lươn nổi tiếng nhất miền Trung. Con “đặc sản” này đã tạo nghề cho người dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập ngoài lúa.

Lươn xóa đói, giảm nghèo

Chẳng ai biết được nghề bắt lươn có từ khi nào, nhưng ở Yên Thành nó phổ biến hầu khắp các làng quê, thu hút rất nhiều người tham gia.

Đặc biệt, thời gian gần đây lươn được tôn lên hàng đặc sản, có mặt trong thực đơn hầu hết các nhà hàng, khách sạn thì nghề này phát triển một cách rầm rộ.

Anh Quý, một tay trúm quê xã Long Thành tâm sự: Hiện nay là mùa chính để bắt lươn, trên một cánh đồng có hơn 10 tay trúm, mỗi tay ít nhất cũng từ 200 - 300 ống trúm.

{keywords}
Học sinh tranh thủ đi trả trúm lươn

Theo anh Quý thì, mặc dù trúm đặt nhiều vậy nhưng qua mỗi đêm, người nào cũng bắt được rất nhiều lươn, riêng anh mỗi đêm với 400 ống trúm cũng bắt được 10 - 15 kg, giá nhập cho thương lái 70 ngàn đồng/1kg, vị chi được trên dưới 1 triệu đồng.

“Nhờ nghề ni mà tui tậu được xe máy, cất ngôi nhà mái Thái và nuôi được 5 đứa con ăn học. Chính vì có thu nhập nên nhiều người đã sắm đồ nghề, cứ chiều đến là chở trúm đi khắp các cánh đồng để bẩy lươn.

Bây giờ làng mô cũng có người bắt lươn. Xóm tui có hơn 500 nhân khẩu nhưng có hơn 200 người đi bắt lươn.

Lươn ở Yên Thành nhiều lắm, nơi nào có nước là ở đó có lươn, chúng sinh sản rất nhanh.” - anh Quý cho biết.

{keywords}

Với chiếc trúm đơn giản, mỗi ngày, 1 người dân Yên Thành có thể bắt được từ 5 - 7kg lươn sạch. Ảnh: Việt Phương.

Theo những người thợ bắt lươn ở Yên Thành, thì có nhiều cách để bắt. Thứ nhất là thả trúm, cách này không đòi hỏi vốn liếng nhưng vất vả và lắm công phu.

Ban ngày đi đào giun, nhái, cua băm làm mồi đặt trúm lươn. Buổi chiều, dành thời gian đi thị sát địa điểm tìm nơi thả trúm.

Trúm có thể thả quanh năm, vì lươn ban đêm ra khỏi lỗ đi tìm mồi, nghe mùi tanh là rúc vào trúm ngay. Thứ 2 là bắt bằng tay không, độc chiêu này chỉ có người dân xã Long Thành mới có.

Họ đi trên cánh đồng, hoặc ao đầm, nhìn thấy “mà” lươn chỉ cần thọc hai tay xuống kiểu gì họ cũng túm được con lươn bỏ vào giỏ. Nhưng, muốn bắt được lươn to, bán được nhiều tiền hơn thì chỉ có đi câu.

Anh Bình, một cần thủ cho biết: Vào đầu tháng hai, cuối tháng 7 là mùa sinh sản của lươn, khi đó lươn ngoài ruộng sẽ di chuyển vào bờ để làm lỗ đẻ trứng và nở con.

Đây là hai tháng người thợ câu lươn có thể mang lại thu nhập tốt nhất trong năm. Lươn đặt trúm khoảng 70ngàn đồng/kg, nhưng lươn câu giá bán 100 ngàn/1kg.

Nhiều người thành triệu phú

Hiện nay ở Yên Thành hầu như làng nào cũng có những lái lươn “cắm làng” để thu mua rồi nhập cho các đại lý để kiếm lời.

Những đại lý lươn này thu gom rồi đưa đi các thành phố lớn để tiêu thụ. Chính trên bước đường “du” lươn này, một số người nhanh nhạy, nắm bắt thị trường đã mở cơ sở chế biến lươn đông lạnh thu lãi lớn.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (SN1980) – chủ một cơ sở chế biến lươn ở xóm Rú Đất, xã Long Thành cho biết:

“Tôi lúc đầu cũng chỉ là lái lươn thu gom rồi chở đi Vinh nhập cho các nhà hàng, nhưng thấy nhu cầu tiêu thụ lớn, mà hầu hết các nhà hàng đều phải thuê người làm rất vất vả.

Vậy là tôi nghĩ ra cách chế biến lươn sạch thành phẩm đông lạnh rồi đưa đi nhập. Tôi làm bao nhiêu, tiêu thụ hết bấy nhiêu.

Lúc đầu chỉ người nhà làm nhưng sau này tôi phải thuê nhiều người làm. Nhờ Nghề này mà tôi cất được nhà 2 tầng và sắm được con xe tải để chở lươn”.

{keywords}

Lươn được thu gom sau một đêm thả trúm.

Hiện nay cơ sở của chị Nguyệt mỗi ngày thu mua và chế biến khoảng hơn 2 tấn lươn thành phẩm chở đi nhập ở các thành phố lớn, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 nhân công có thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay tại xã Long Thành có trên 15 cơ sở chế biến lươn đông lạnh, đồng nghĩa với việc có trên 15 tỷ phú lươn. Những cơ sở này cũng đã thu hút hàng trăm lao động địa phương.

{keywords}

Lươn đồng đặt trúm ở Yên Thành thơm ngon, nổi tiếng sạch, khác nhiều so với lươn nuôi. Ảnh: Việt Phương.

Một tín hiệu vui đối với nghề lươn Yên Thành nói chung và các cơ sở chế biến lươn tại xã Long Thành nói riêng là hiện nay, có nhiều đơn đặt hàng của một số đại lý lớn ở ngoại tỉnh để gom lươn đông lạnh xuất ngoại sang thị trường Thái Lan, Xanh ga po, Lào, Trung Quốc...

Mức tiêu thụ lươn lớn nên có nhiều gia đình ở Yên Thành đã nắm bắt thời cơ mở trang trại nuôi lươn cho lãi lớn như trang trại anh Trọng xã Long Thành, Anh Phú xã Nam Thành, Anh Chung xã Mỹ Thành…

Mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Chính nhờ nghề lươn mà rất nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu và trở thành những tỷ phú làm thay đổi diện mạo nhiều làng quê.

Chị Phạm Thị Phúc – cán bộ Hội Phụ nữ xã Long Thành, huyện Yên Thành cho biết:

Xã chúng tôi, thuộc vùng trũng của huyện Yên Thành, nắng thì hạn mà mưa thì ngập úng, người dân thu nhập từ cây lúa chẳng đáng là bao nên nghề bắt lươn, chế biến lươn đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương, chủ yếu là chị em phụ nữ.

Những lúc nông nhàn, chị em đi làm ở cơ sở chế biến lươn có mức lương 3 - 4 triệu đồng/tháng . Mấy năm trở lại nay, kinh tế của các hộ dân trong xóm phát triển đồng đều cũng nhờ nghề chế biến lươn.

Theo báo Nghệ An