Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống không chỉ góp phần khôi phục và phát triển mở rộng sản xuất, tăng giá trị sản phẩm mà còn đảm bảo sự bình đẳng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề truyền thống vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Nhiều rào cản

Khó khăn lớn nhất của các làng nghề là về nguồn vốn đầu tư, nhất là về mẫu mã và giá cả. Sản xuất của làng nghề truyền thống nói chung thường có quy mô nhỏ nên gặp khó khăn trong tiêu thụ. Hiện việc tiêu thụ sản phẩm từ các cơ sở sản xuất truyền thống chủ yếu dựa vào khách hàng truyền thống.

Hơn thế nữa, việc nhập nguyên liệu theo quy mô nhỏ lẻ dẫn đến giá thành đầu vào tăng, cũng khiến các sản phẩm của làng nghề truyền thống khó cạnh tranh hơn so với các sản phẩm công nghiệp.

Đơn cử như sản phẩm nước mắm, khắp Việt Nam có hàng loạt thương hiệu nước mắm nhỏ lẻ sản xuất nước mắm bằng phương pháp thủ công truyền thống. Để có đủ nguyên liệu phục vụ cho sản xuất nước mắm quanh năm, người sản xuất truyền thống phải mua cá nguyên liệu từ tháng Giêng đến tháng Năm hằng năm để dự trữ, vì sau thời gian này nguyên liệu cá tươi thường có chất lượng kém hơn. Tuy nhiên để mua được lượng nguyên liệu dự trữ cho cả năm thì người sản xuất lại gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư.

{keywords}
Làng nghề nước mắm ở Quảng Bình

Quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún, thiếu vốn khiến cho công nghệ thiết bị ở các làng nghề lạc hậu. Mẫu mã sản phẩm đơn giản, độ tinh xảo của sản phẩm thấp cũng khiến sản phẩm thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.

Một rào cản nữa trong xây dựng thương hiệu cho các làng nghề là việc chính người trong cuộc chẳng mấy mặn mà bởi tâm lý "dựa dẫm truyền thống" của chính những người làm nghề. Theo họ, vì đã có truyền thống lâu đời nên sẽ có nhiều người biết đến sản phẩm của làng nghề mình, do đó việc xây dựng thương hiệu là... thừa.

Để thương hiệu đồng hành cùng các làng nghề

Theo đánh giá của giới chuyên môn, để tạo sức cạnh tranh cao trên thị trường thì việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề là điều vô cùng cần thiết. Việc không có thương hiệu không những không tạo được niềm tin ở người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm mà làng nghề còn chịu nhiều thiệt thòi về giá cả.

Muốn xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề, trước mắt cần nâng cao nhận thức của làng nghề về tầm quan trọng của thương hiệu. Làng nghề cần xác định thương hiệu là vũ khí cạnh tranh của sản phẩm. Xây dựng thương hiệu trước tiên là sự đầu tư để mang lại những sản phẩm có chất lượng, thể hiện uy tín của đơn vị sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó là sự thay đổi tư duy của làng nghề trong việc định vị, xây dựng chiến lược, đăng ký bảo hộ thương hiệu.

Nhà nước, các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng cần hỗ trợ các làng nghề khắc phục tình trạng khó khăn về vốn, sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ và tạo tư cách pháp nhân cho các hộ sản xuất, các doanh nghiệp mở rộng giao thương hàng hóa, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá sản phẩm qua các hội chợ, các sự kiện văn hóa du lịch, triển lãm…. Có như vậy mới nâng cao được tính cạnh tranh-chìa khóa tăng trưởng của sản phẩm làng nghề trong bối cảnh hội nhập kinh tế.

Vân Anh