Nhằm giải quyết nhu cầu đỗ xe tĩnh cho người dân, liên ngành GTVT-CATP Hà Nội sẽ rà soát 87 tuyến phố có đủ điều kiện để cho phép trông giữ xe dưới lòng đường.
Hiện nay, Hà Nội mới chỉ có một số tuyến phố đang được cho phép trông giữ xe dưới lòng đường thuộc quận Hoàn Kiếm như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Dã Tượng, Nguyễn Gia Thiều,... Để đáp ứng phần nào nhu cầu đỗ xe tĩnh, trong bối cảnh đất dành cho bãi xe còn hạn chế, chủ trương cho phép trông giữ xe dưới lòng đường ở các tuyến phố đủ điều kiện được đánh giá là cần thiết.
Nhu cầu ngày một tăng
Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, với 237 điểm trông giữ được cấp phép, tổng diện tích giao thông tĩnh trên địa chỉ mới đáp ứng được 8-10% nhu cầu đỗ xe. Thành phố hiện có khoảng 5,5 triệu phương tiện, mỗi năm tăng thêm 17% số ô tô, 11% xe máy.
Hà Nội sẽ rà soát cấp phép trông giữ xe dưới lòng đường tại 87 tuyến phố |
Trong khi đó, đến nay trên địa bàn thành phố vẫn chưa có bãi đỗ xe tĩnh quy mô lớn, hiện đại, mới chỉ dừng lại ở một vài mô hình thí điểm giàn đỗ xe thép cao tầng tự động, nhưng số lượng chỗ đỗ xe chưa nổi 100 xe. Bởi vậy, nếu không sớm có những giải pháp hữu hiệu cho vấn đề đỗ xe tĩnh thì chỉ trong thời gian ngắn nữa Hà Nội sẽ rơi vào tình trạng “khủng hoảng” chỗ đỗ xe.
Bên cạnh những giải pháp chiến lược, lâu dài như xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe áp dụng công nghệ hiện đại, vừa qua Ban Chỉ đạo 197 thành phố và Phòng CSGT- CATP Hà Nội đã đề xuất Sở GTVT nghiên cứu cấp phép cho trông giữ xe dưới lòng đường tại 87 tuyến phố có mặt cắt từ 7,5m trở lên để giải quyết nhu cầu đỗ xe trước mắt cho người dân. Trong đó, 35 tuyến phố có thể trông giữ xe 2 bên đường, 52 tuyến phố có thể tổ chức trông giữ xe 1 bên đường.
Ông Vũ Ngọc Thắng, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội |
“Trong khi thành phố đang thiếu các bãi trông giữ xe quy mô, hiện đại, các tòa nhà cao tầng không có chỗ để xe cho người dân thì giải pháp tình thế cho phép trông giữ xe dưới lòng đường tại những tuyến phố đủ tiêu chuẩn là cần thiết” |
Trao đổi về đề xuất này, Phó Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Hà Nội Vũ Ngọc Thắng cho biết, đây mới chỉ là ý tưởng của Ban chỉ đạo 197 và Phòng CSGT Hà Nội, nhưng giải pháp này là cần thiết và có tính khả thi cao.
Theo ông Vũ Ngọc Thắng, Thông tư 04/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định, đối với đường 1 chiều, lòng đường tối thiểu 7,5m thì cho phép đỗ xe bên phải phần xe chạy; đường 2 chiều, lòng đường tối thiểu 10,5m thì cho phép đỗ xe 1 bên; đường 2 chiều, lòng đường tối thiểu 14m thì cho phép đỗ xe 2 bên.
Khu vực nội thành hiện có nhiều tuyến phố đáp ứng tiêu chí này như: Bà Triệu, Phan Chu Trinh, Trần Phú, Nam Đồng, Phố Huế, Ô Chợ Dừa, Hoàng Cầu...
Hà Nội thiếu trầm trọng chỗ đỗ xe |
Thêm được 300 điểm đỗ xe?
Theo rà soát sơ bộ của Sở GTVT, với 87 tuyến phố này sẽ có thêm khoảng 300 điểm đỗ xe. Nếu được UBND TP Hà Nội thông qua, Sở GTVT sẽ tổ chức cấp phép cho các đơn vị đủ điều kiện triển khai.
Ông Đinh Quốc Thái, Sở QH-KT Hà Nội nhìn nhận, việc cho phép đỗ xe trên lòng đường 87 tuyến phố có mặt cắt đáp ứng các quy định là phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của Hà Nội.
“Giao thông tĩnh không chỉ là nhu cầu mà nó còn là tác nhân ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đô thị Hà Nội. Trong hệ thống văn bản pháp quy cũng đã nêu rõ tiêu chuẩn cho phép đỗ xe trên lòng đường đối với các tuyến phố. Không nên chần chừ mà cần phải xem xét thực hiện ngay, đây không chỉ là giải pháp tình thế mà nếu quản lý tốt còn là giải pháp lâu dài cho giao thông tĩnh của Hà Nội”, ông Đinh Quốc Thái nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Quốc Thái, trong 87 tuyến phố được Ban chỉ đạo 197 đề xuất, liên ngành cần rà soát kỹ càng, không nên cấp phép dừng đỗ xe trên các tuyến phố là trục chính, đường xuyên tâm vì áp lực phương tiện.
Ông Vũ Ngọc Thắng cũng cho biết, qua rà soát sơ bộ của Sở GTVT, có một số tuyến phố có thể không đáp ứng được tiêu chí và hiện có 30/87 tuyến phố đang nằm trong danh mục cấm đỗ xe. Nếu muốn cấp phép sẽ cần nghiên cứu kỹ phương án, ưu tiên cao nhất là phải đảm bảo trật tự, ATGT.
(Theo ANTĐ)