Năm nay, xuất khẩu nông lâm thủy sản có thể đạt 36 tỷ USD với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Song, có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ thông tin này tại Hội nghị toàn thể chương trình hỗ trợ quốc tế 2017 (ISG 2017) với chủ đề “Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: An toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản”.
Trong 30 năm đổi mới, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc trong sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực. Nông sản Việt Nam hiện xuất khẩu đến 180 nước trên thế giới và luôn nằm trong top 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất. Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 32 tỷ USD (năm 2016) và năm nay có thể đạt 36 tỷ USD, với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù được coi là một “cường quốc” về xuất khẩu nông sản, song có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị thấp. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trong năm 2017 (ảnh: Minh Dũng) |
Bộ trưởng chỉ ra hàng loạt những yếu kém trong ngành nông nghiệp như: trong khâu sản xuất, ngoài những hạn chế về qui mô sản xuất manh mún, ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như việc sử dụng vật tư đầu vào và tài nguyên chưa hợp lý, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao còn hạn chế,...
Công nghiệp chế biến phát triển chậm, chỉ khoảng 25% đến 30% doanh nghiệp chế biến có áp dụng dây chuyền chế biến hiện đại (trong khi mức trung bình các nước ASEAN là 50%);
Trong khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn vệ sinh để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế là điểm đặc biệt cần được lưu tâm.
“Đây cũng là rào cản lớn nhất mà các nước sẽ dựng lên nhằm ngăn cản nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”. Bộ trưởng Cường nói, khâu chế biến và phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho nông sản Việt Nam còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường.
Bộ trưởng chia sẻ, trong kế hoạch tái cơ cấu lại ngành giai đoạn 2017-2020, Bộ NN-PTNT cũng đã xác định rõ, cần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
B.Hân