Tại Hội nghị về tuyên truyền về tác hại của buôn bán, vận chuyển và tàng trữ thuốc lá nhập lậu được Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang và Tây Ninh tổ chức tại An Giang và Tây Ninh trong các ngày 12 và 14 tháng 9 vừa qua.
Nhập lậu thuốc lá diễn biến phức tạp
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, thời gian qua tình hình buôn lậu thuốc lá trên địa bàn biên giới tỉnh An Giang chưa có chiều hướng giảm, vẫn diễn biến phức tạp.
Thuốc lá được tập kết gần biên giới đợi thời cơ đêm tối, ngày nghỉ, giờ nghỉ, những nơi xa sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng để vận chuyển qua biên giới.
Dẫn chứng về vấn đề này, đại diện Ban chỉ đạo 389 tỉnh Tây Ninh nêu, hồi tháng 3 vừa qua, tại khu vực ấp An Thới, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động Công an tỉnh Tây Ninh tiến hành bắt giữ đối tượng Cao Văn Mè, sinh năm 1972, ngụ tại tỉnh Tây Ninh đang có hành vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. Tang vật, phương tiện tạm giữ gồm 6.000 gói thuốc lá điều ngoại hiệu Hero, 1 xuồng nhựa và 1 máy chạy ghe..
Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Nam Hồng Sơn - Phó Trưởng Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh Tây Ninh có địa hình khá đặc thù, với đường biên giới dài trên 240 km, tiếp giáp với Campuchia và gần với TP.HCM - trung tâm thương mại lớn ở phía Nam, đây được xem là địa bàn thuận lợi để các đối tượng buôn lậu tận dụng vận chuyển hàng hóa về tiêu thụ tại các tỉnh lân cận.
Cũng theo ông Sơn, Tây Ninh có nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới, thuận lợi cho việc thông thương qua các cửa khẩu và trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân hai bên biên giới. “Các đối tượng thường tập kết thuốc lá ngoại với số lượng lớn trên biên giới phía Campuchia, lợi dụng lực lượng kiểm soát mỏng, địa bàn rộng, thuê người vận chuyển nhỏ lẻ vào Việt Nam bằng xe gắn máy, xuồng máy chạy với tốc độ cao, sau đó tập kết và chuyển về TP.HCM và các tỉnh lân cận tiêu thụ”, ông Sơn chia sẻ về phương thức hoạt động của đối tượng buôn lậu.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Tây Ninh cho biết: tình hình vận chuyển, buôn bán tàng trữ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vẫn còn diễn biến phức tạp, các đối tượng hoạt động tinh vi hơn, luôn thay đổi phương thức thủ đoạn, tuyến đường, địa bàn hoạt động, chúng tổ chức nhiều điểm tập kết thuốc lá ngoại trên biên giới Campuchia tiếp giáp địa bàn các huyện biên giới để tìm cách vận chuyển tiêu thụ trong tỉnh và đưa đi các tỉnh lân cận như TP.HCM, Bình Dương.
Siêu lợi nhuận
Đưa ra nguyên nhân khiến tình trạng thuốc lá buôn lậu gia tăng, ông Nguyễn Triết - Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, do sự không thống nhất trong các văn bản pháp lý xử lý tội danh buôn lậu thuốc lá, nên tình trạng buôn lậu thuốc lá điếu có chiều hướng gia tăng mạnh và diễn biến hết sức phức tạp.
“Buôn lậu vì thuốc lá có sức hấp dẫn do gọn nhẹ, dễ vận chuyển, lợi nhuận cao, trốn tất cả các loại thuế gồm thuế tiêu thụ đặc biệt 70%, đóng góp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%, thuế giá trị gia tăng 10% và thuế nhập khẩu 135%. Buôn lậu thuốc lá đang thu siêu lợi nhuận chỉ sau ma túy”, ông Nguyễn Triết cho hay.
Trong khi đó, đối tượng buôn lậu chủ yếu là nhóm cư dân buôn giới không có việc làm ổn định, thông thạo ngôn ngữ, địa bàn để tham gia vận chuyển thuê hàng lậu, xuyên qua lại biên giới... khi bị lực lượng chức năng bắt giữ sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để cướp hàng.
Theo thống kê của Hiệp hội thuốc Thuốc lá Việt Nam, trung bình 6 tháng, lượng thuốc lá ngoại nhập lậu được tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh miền Tây lên đến 225 triệu bao.
Trong khi đó, báo cáo 6 tháng đầu năm 2017 của An Giang và Long An, hai tỉnh có hoạt động buôn lậu thuốc lá rầm rộ nhất tại biên giới Tây Nam, số thuốc lá lậu thu giữ được chưa tới 2 triệu bao.
Xâm nhập sâu vào địa bàn tỉnh An Giang, phóng viên phát hiện: Dù đã bị lập biên bản, tịch thu, tiêu hủy và phạt hành chính vì buôn bán thuốc lá lậu nhiều lần, nhưng vì mặt hàng này đem lại mức chênh lệch cao gấp 4,5 lần so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại, nên nhiều gian thương sẵn sàng bất chấp tất cả để kinh doanh mặt hàng có thể khiến họ thu về mức lợi nhuận chỉ sau ma túy.
Box: Ngày 20-6, Quốc hội đã thông qua sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó sửa đổi Điều 190, Điều 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với các trường hợp buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu từ 1.500 bao đến 3000 bao; phạt tù từ 5-10 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; và phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên…
Phạm Huyền