Mới đây, thông tin ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Chủ tịch Tập đoàn ThaiGroup quyết định bắt tay với Tập đoàn khách sạn nổi tiếng thế giới Hyatt khiến dư luận, đặc biệt là giới địa ốc đặc biệt quan tâm.
Có thể thấy, chỉ riêng hai thương vụ này cũng đủ cho thấy tiềm lực của tập đoàn đến từ Ninh Bình này.
ThaiGroup tiền thân là Hợp tác xã xây dựng Bình Minh thành lập năm 1976 tại xã Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Hà Nam Ninh do ông Nguyễn Xuân Thành, cha của bầu Thụy làm chủ nhiệm.
Đến cuối năm 1992, hợp tác xã này chuyển đổi mô hình hoạt động để trở thành Xí nghiệp Xây dựng và Cung ứng vật liệu Xuân Thành.
Thế mạnh của tập đoàn là trong lĩnh vực xây dựng. Doanh nghiệp này dành được rất nhiều dự án xây dựng các khu đô thị mới, nhà cao tầng, các hạng mục về xây dựng, giao thông thủy lợi, các đường hầm .....
Đến năm 2007, ông Thụy chính thức thay cha trở thành Chủ tịch tập đoàn. Hiện, ThaiGroup có tới 11 công ty thành viên, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực như cảng nước sâu, xây dựng, taxi, bất động sản, bảo hiểm, xi măng, khoáng sản, thủy điện, vận tải...
Năm 2008, một năm sau khi bầu Thụy nhậm chức, Khoáng sản Xuân Thành tại Lào Cai ra đời. Năm 2010, dự án Nhà máy Xi măng Thạnh Mỹ (Quảng Nam) có công suất 2 triệu tấn/năm được khởi công. Sau 4 năm xây dựng, nhà máy này đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên vào năm ngoái.
Tập đoàn cũng đã thi công quy hoạch khu tái định cư cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); thi công xây dựng cảng số 4 Vũng Áng…
Đây cũng chính là đơn vị đã tham gia dự án đầu tư hạ tầng để tạo động lực xây dựng, phát triển thành phố mới du lịch và sinh thái Nam Hội An từ bờ Nam sông Thu Bồn đến Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) trên diện tích 4.000 ha; đầu tư xây dựng khu Resort vui chơi giải trí Thác Đa, Ba Vì (Hà Nội)…
Đến năm 2011, bầu Thụy tiếp tục chi ra 5.200 tỉ đồng để đầu tư thêm Nhà máy Xi măng Xuân Thành tại Hà Nam với công suất 3,6 triệu tấn/năm. Ông tiếp tục theo đuổi lĩnh vực xi măng với dự án nhà máy có công suất lớn nhất Đông Nam Á mới được khởi công gần đây. Nếu tính cả dự án này, tổng công suất tiềm năng của các nhà máy xi măng do bầu Thụy đầu tư đã lên tới gần 10 triệu tấn/năm, vượt qua Xi măng Hà Tiên 1 với công suất hiện tại chỉ 7,3 triệu tấn/năm.
Ngoài bất động sản, khoáng sản, xi măng, ThaiGroup còn tham gia trong các lĩnh vực như bảo hiểm với Tổng Công ty Bảo hiểm Xuân Thành, vận tải, taxi với hãng taxi Xuân Thành.
Trong lĩnh vực thủy điện, ThaiGroup đã xây dựng một loạt các công trình lớn như nhà máy Thủy điện Bắc Yên (Sơn La) có tổng đầu tư trên 3.000 tỷ đồng với 6 tổ máy công suất 120 MW, 9 cụm thủy điện (9 tổ máy) tại tỉnh Yên Bái, với tổng đầu tư 6.500 tỷ đồng, công suất 220 MW và đặc biệt là dự án Thủy điện tích năng Đông Phù Yên (Sơn La), với tổng đầu tư lên tới 3,5 tỷ USD.
Do không niêm yết nên các chỉ số tài chính của ThaiGroup không được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng mỗi năm cũng có thể hiểu doanh thu lợi nhuận của tập đoàn này không hề nhỏ.
Mặc dù đạt được một số thành tựu lớn nhưng công việc làm ăn của đại gia Ninh Bình không phải lúc nào cũng "xuôi chèo mát mái". Năm 2011, ngoài "chiếc áo" doanh nhân, ông Thụy quyết định khoác thêm một "chiếc áo mới" - ông bầu bóng đá khi mua lại suất hạng Nhất của V&V Hòa Phát và đổi tên đội này thành Sài Gòn Xuân Thành.
Là đội bóng mới của giải hạng Nhất nhưng ông chủ Sài Gòn Xuân Thành đã không giấu diếm tham vọng đứng đầu khi không tiếc chi hàng chục tỷ nâng cấp đội bóng, bao gồm chiêu mộ những cầu thủ giỏi, mời huấn luyện viên tốt... Tuy nhiên, đội bóng này không kéo dài được bao lâu khi ông bầu này quyết định giải tán 2 năm sau đó. Có lẽ, một điều vớt vát được từ thương vụ đầu tư trăm tỷ này của đại gia này chính là cái danh "bầu Thụy" đã đi liền với ông từ đó, ngay cả khi bóng đá không còn là một cái nghiệp.
Một thương vụ "đáng quên" khác của ông Thụy chính là vụ đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán. Năm 2011, đại gia này quyết định chi hàng trăm tỷ đồng để thâu tóm 81,5% cổ phần của Công ty Chứng khoán VIX và đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành. Thương vụ này giúp ông đứng trong top 50 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán thời điểm ấy.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán lao dốc cùng kết quả kinh doanh thua lỗ đã khiến tài sản của bầu Thụy "bốc hơi" một cách chóng vánh. Cổ phiếu VIX liên tục giảm giá khiến bầu Thụy quyết định tháo chạy khỏi chứng khoán khi đăng ký bán sạch hơn 24 triệu cổ phiếu VIX vào tháng 4/2013. Thế nhưng, việc rút chân hoàn toàn khỏi lĩnh vực kinh doanh đầy rủi ro này của đại gia chỉ thành công 1 năm sau đó.
Theo VTC