Thị trường xuất hiện một vài trường hợp măng ngâm hóa chất làm nhiều người hoang mang. Sau đây là một số cách nhận biết đơn giản để người tiêu dùng tránh phải măng ngâm hóa chất.

Thời gian gần đây cơ quan chức năng bắt quả tang nhiều vụ măng ngâm hóa chất. Điều này làm nhiều người dân hoang mang vì đây là loại thực phẩm khá phổ biến trong bữa ăn hằng ngày của nhiều gia đình. Vì lợi nhuận nhiều người bán bất chấp sức khỏe của người dân để cho hóa chất vào măng nhằm làm măng bảo quản được lâu hơn. Nếu ăn phải măng có hóa chất người tiêu dùng có thể bị tiêu chảy, nôn, ảnh hưởng đến gan và thận và thậm chí có thể bị ung thư.

“Vì măng là loại thực phẩm chế biến được nhiều món ăn nên chợ nào cũng có nhiều sạp bán, khó biết được nguồn gốc của họ lấy từ đâu và chất lượng ra sao. Với kinh nghiệm buôn bán, khi người tiêu dùng đi mua nên chú ý, măng ngâm hóa chất thường có độ giòn, dễ bẻ còn măng tự nhiên khó bẻ gãy, dai hơn. Nên chú ý thêm phần mùi của măng, nếu bị ngâm hóa chất thì mùi của hóa chất có thể còn trong măng, măng tự nhiên sẽ có mùi đặc trưng của nó và thường măng tự tự nhiên không có mùi mốc” - anh Nguyễn Văn Hưng, một người bán măng, cho biết.

{keywords}

Măng có hóa chất thường có màu vàng đậm, nhìn bóng hơn măng tự nhiên.

“Măng ngâm hóa chất thường có màu trắng phau hoặc màu vàng đậm, nhìn rất bóng và bắt mắt, còn với măng tự nhiên thường có màu vàng nhạt, có thể hơi thâm đen vì ngâm trong muối, nhìn không bóng và sợi măng to nhỏ không đều” - một chủ tiểu thương khác cho biết.

{keywords}

Măng tự nhiên thường có màu vàng nhạt hơn măng có hóa chất.

Các chuyên gia về công nghệ thực phẩm cho biết nhận biết măng có ngâm hóa chất hay không chúng ta có thể chú ý vào một số điểm, măng không ngâm hóa chất thường có màu sậm, mùi đặc trưng của măng, vì có độ dai nên dùng tay bấm vào không bị mủn. Còn với măng có ngâm hóa chất sẽ có màu trắng nhợt nhạt hoặc vàng sẫm do được nhuộm màu, nhìn bắt mắt và giòn hơn măng tự nhiên.

Để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng khi mua măng về nên chế biến kỹ, cần rửa qua nước nhiều lần, sau đó luộc qua rồi mới chế biến.

(Theo Pháp luật TP.HCM)