Rất nhiều bạn đọc thắc mắc liên quan đến việc có được truy lãnh lương hưu, trợ cấp BHXH khi tăng lương cơ sở, cách tính chế độ BHXH một lần và quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ khi nghỉ việc trái luật.
Có được truy lãnh lương hưu?
Nhiều bạn đọc hỏi, vừa qua, Nhà nước đã tăng lương cơ sở từ 1.7.2017. Chúng tôi đã nghỉ đang hưởng lương hưu, đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động (TNLĐ) hàng tháng thì có được tăng lương hưu, trợ cấp không?
- Theo Điều 1, Nghị định số 76/2017/NĐ-CP quy định: Nghị định này điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng sau đây: 1. Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và NLĐ (kể cả người có thời gian tham gia BHXH tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ BHXH nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng. 2. Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng. 3.
Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg, Quyết định số 613/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng… 8. Người đang hưởng trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.
Điều 2 Nghị định 76/2017/NĐ-CP quy định: Từ ngày 1.7.2017, tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6.2017 đối với các đối tượng quy định tại điều 1 Nghị định này. Điều 5 Nghị định 76/2017/NĐ-CP quy định, nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15.8.2017. Các chế độ quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 1.7.2017. Như vậy, các bạn sẽ được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp TNLĐ.
NLĐ có chưa đến 20 năm đóng BHXH thì được hưởng BHXH một lần sau khi nghỉ việc 12 tháng mà không tham gia BHXH nữa. |
Điều kiện hưởng, cách tính BHXH một lần
Theo Điều 8, Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định: 1. NLĐ quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH;c) Ra nước ngoài để định cư; d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
2. Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; b) 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;
c) Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. 3. Mức hưởng BHXH một lần thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 1 điều này.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, điều 19, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì mức hưởng BHXH một lần của NLĐ có thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Căn cứ vào các quy định trên, các bạn có thể tính được số tiền BHXH một lần mình sẽ hưởng tùy thuộc vào thời gian đã tham gia BHXH.
Đóng BHXH 5 năm mà chết, thân nhân hưởng gì?
Do người chết mới đóng BHXH được 5 năm, và nếu không chết vì lý do chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, thì thân nhân của họ không được hưởng trợ cấp hàng tháng mà chỉ được nhận trợ cấp một lần theo quy định tại khoản 1, điều 69 Luật BHXH 2014.Khoản 1, điều 70 Luật BHXH 2014 quy định: Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của NLĐ đang tham gia BHXH hoặc NLĐ đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi; mức thấp nhất bằng 3 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH làm căn cứ tính trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định tại điều 62 của luật này. Ngoài ra, người lo mai táng cho người đã chết còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở theo quy định tại điều 66 Luật BHXH.
Có được cấn trừ phép năm vào ngày vi phạm báo trước không?
Điều 114, BLLĐ 2012 quy định về thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ như sau: 1. NLĐ do thôi việc, bị mất làm hoặc vì các lý do khác mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được thanh toán bằng tiền những ngày chưa nghỉ. 2. NLĐ có dưới 12 tháng làm việc thì thời gian nghỉ hằng năm được tính theo tỷ lệ tương ứng với số thời gian làm việc. Trường hợp không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền.Do đó, những ngày bạn được nghỉ phép nhưng chưa nghỉ, Cty sẽ trả tiền lương cho bạn trong những ngày này. Do bạn nghỉ việc trái luật nên có nghĩa vụ trả cho Cty ½ tháng lương và khoản tiền tương đương số ngày vi phạm báo trước theo quy định tại điều 43 BLLĐ 2012. Việc bạn có được dùng ngày nghỉ phép chưa nghỉ để cấn trừ cho những ngày vi phạm báo trước hay không phụ thuộc vào thỏa thuận giữa bạn và Cty.
(Theo Lao Động)