Vụ công chức quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Định vốn là dân buôn lậu, đã từng bị truy nã, chịu án phạt tù và chưa được xóa án tích với tội danh buôn lậu, được tuyển dụng vào làm việc tại Chi cục QLTT tỉnh Bình Định đang gây bức xúc trong dư luận.
Và liệu còn bao nhiêu công chức QLTT được tuyển dụng khuất tất, chất lượng công chức ngành này ra sao?
Đâu phải “lấy độc trị độc”
Đó là trường hợp của bà Vũ Thị Thu Hương (SN 1976), kiểm soát viên thị trường Đội QLTT số 7, Chi cục QLTT tỉnh Bình Định. Được biết, đầu năm 1997, khi tham gia buôn lậu thuốc lá tại TP.Quy Nhơn, bà Hương bị bắt giữ và đã bị Toà án nhân dân tỉnh Bình Định tuyên phạt 12 tháng tù giam. Không chấp hành án phạt tù, bà Hương đã bỏ trốn khỏi địa phương và đã bị truy nã toàn quốc để thực hiện thi hành án.
Chi cục Quản lý thị trường Bình Định tuyển người từng bị truy nã vì tội danh buôn lậu vào làm công chức. |
Năm 2007, bà Hương xin việc tại Chi cục QLTT tỉnh Bình Định với bản lý lịch trình độ văn hóa lớp 9/12. Tại thời điểm đó, Chi cục QLTT đã ký hợp đồng lao động cho bà Hương làm tạp vụ. Khi bà Hương có thêm tấm bằng bổ túc văn hóa và trung cấp kế toán thì lãnh đạo Chi cục QLTT chuyển bà Hương sang làm công tác văn thư rồi làm nhân viên kế toán. Tháng 4.2013, bà Hương tham dự kỳ thi tuyển công chức QLTT do UBND tỉnh Bình Định tổ chức và đã trúng tuyển. Ngày 13.9.2013, bà Hương được về làm kiểm soát viên tại Đội QLTT số 7 tỉnh Bình Định.
Lãnh đạo Chi cục QLTT tỉnh Bình Định không phải không biết bà Hương có tiền án về tội buôn lậu. “Phòng Tổ chức - Hành chính đã có khuyết điểm trong việc xem xét hồ sơ trước khi đề nghị lãnh đạo cơ quan nhận bà Hương vào làm hợp đồng, rồi sau đó đề nghị vào danh sách dự tuyển công chức” - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Định - ông Mai Xuân Hoàng - thừa nhận.
Thi tuyển công chức mà… không kết quả
Không chỉ riêng chuyện thi tuyển công chức QLTT của tỉnh Bình Định mới có tiêu cực, mà ngay tại Cục QLTT Bộ Công thương cũng đang có khuất tất trong việc thi tuyển công chức. Trong các ngày 5-6.10.2013, Cục QLTT đã tổ chức kỳ thi tuyển công chức để chọn nhân sự cho 10 chỉ tiêu vào cơ quan này. Hàng trăm thí sinh nộp đơn tham gia cuộc thi. Ngày 31.10.2013, Cục QLTT đã công bố điểm thi của các thí sinh trên website của Cục QLTT.
Nhưng cũng lúc này, đã có đơn khiếu nại, một đơn kiến nghị và một đơn tố cáo khẩn cấp do Thanh Tra Bộ Công thương gửi đến phản ánh những tiêu cực trong đợt thi tuyển này. Lập tức vụ việc “rơi vào im lặng” kéo dài. Ngày 13.3.2014, đã có người nhà thí sinh có điểm đỗ cao trong kỳ thi tuyển nêu trên đến Cục QLTT thắc mắc về việc tại sao con nhận được thông báo đỗ mà hơn 5 tháng vẫn không thấy giấy gọi?
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục QLTT - ông Trương Quang Hoài Nam - Chủ tịch hội đồng thi tuyển và ông Trịnh Văn Ngọc - Phó Chủ tịch hội đồng thi tuyển - đã chấm thi xong từ lâu. Cục QLTT đã có công văn gửi lãnh đạo Bộ Công thương xin phê duyệt kết quả thi nói trên, nhưng lãnh đạo Bộ Công thương vẫn để kết quả thi tuyển trong “bí mật”, mặc dù theo quy định chỉ trong thời gian không quá 45 ngày sau khi tổ chức thi tuyển công chức, phải công bố kết quả trúng tuyển. Dư luận đang đặt ra câu hỏi: Có điều gì “khuất tất” đằng sau việc thi tuyển công chức ở Cục QLTT Bộ Công thương mà việc công khai kết quả thi tuyển phải bưng bít như vậy?
Chỉ có mấy chức danh công chức QLTT thi tuyển công khai mà đã có những chuyện phức tạp như đã nêu. Nếu chủ trương xin thêm 1.000 chỉ tiêu biên chế QLTT của Bộ trưởng Bộ Công thương được “thông đồng bén giọt”, thì còn có những điều gì phát sinh?
(Theo Lao động)