- Các doanh nghiệp tính toán hàng loạt phương án để đối phó với những biến động về tỷ giá, từ việc trả nợ trước hạn, tăng giá bán,... để bù đắp những rủi ro do đồng bạc xanh gây ra.

Rủi ro từ đồng bạc xanh

Báo cáo tài chính bán niên soát xét của CTCP Tập đoàn Masan (MSN) cho thấy DN này đã trả trước 1 năm khoản nợ 175 triệu USD gồm cả lãi vay và các chi phí liên quan khác cho JP Morgan để giảm rủi ro tỷ giá. MSN lý giải, cứ tăng 1% lãi suất có thể khiến chi phí tài chính của công ty tăng thêm 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn còn các khoản vay ngắn hạn bằng ngoại tệ và phải chịu rủi ro tỷ giá. Masan có thể chứng kiến lợi nhuận bị ăn mòn nếu đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá so với đồng nội tệ.

Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ước tính năm nay chi phí sản xuất sẽ tăng khoảng 2 ngàn tỷ đồng do tỷ giá tăng. Tính trong dài hạn, chênh lệch tỷ giá có thể lên tới trên 12 ngàn tỷ đồng.

Nhiều DN nhập khẩu cũng đang phải đối mặt với những khoản lỗ không nhỏ khi chi phí nhập khẩu tăng liên tục tăng lên trong 9 tháng đầu năm. Với mức tăng khoảng 4% từ đầu năm tới nay, nhiều DN buộc phải giảm nhập khẩu, tăng giá bán hoặc chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí thua lỗ. 

{keywords} 

Ngay đầu tháng 10, hãng xe Toyota vừa quyết định tăng giá bán lẻ với nhiều mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng mạnh, tới hàng trăm triệu đồng.

Đại diện Công ty S.N.S chuyên nhập khẩu thiết bị kiểm nghiệm phục vụ các DN trong ngành đồ uống, thực phẩm như bia rượu tại Hà Nội, kêu ca gần đây phải co lại do thị trường gặp khó và tỷ giá tăng mạnh kể từ đầu năm. Tuy nhiên, DN này chưa thể tăng giá trong các gói thầu gần đây bởi vấp phải sự cạnh tranh dữ dội từ nhiều đối thủ trong ngành.

Một DN chuyên nhập khẩu ắc quy từ Hàn Quốc cũng cho biết nhiều khả năng sẽ phải tăng giá bán do giá nhập khẩu quy ra tiền Việt tăng thêm 3-5% trong nửa năm qua. Chi phí đầu vào tăng do tỷ giá cũng đang là gánh nặng với một số DN sản xuất nhựa và xây dựng.

Xuất khẩu cũng khó

Vua tôm Minh Phú là một trong những DN xuất khẩu gặp bất lợi lớn do biến động tỷ giá. Thay vì lãi to như dự báo đầu năm, Minh Phú đã lỗ trong quý II.

MPC ngấm đòn tỷ giá theo một cách khác. Là một DN xuất khẩu, Minh Phú bị ảnh hưởng nặng nề do tốc độ phá giá đồng tiền của nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia,... quá mạnh so với VND của Việt Nam, khiến xuất khẩu chậm lại, giá tôm trên thế giới tụt giảm.

Điều này buộc Minh Phú phải giảm xuất khẩu trong khi vẫn phải mua nguyên liệu. Vì thế, hàng tồn kho của công ty trong 6 tháng đầu năm đã tăng vọt từ 4,4 ngàn tỷ lên gần 6,2 ngàn tỷ đồng.

Không ít DN đối mặt với rủi ro thua lỗ do tỷ giá. Trong báo cáo mới đây của BVSC, trong quý III nhiều DN có thể sẽ lỗ tỷ giá do vay nợ ngoại tệ lớn. Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch (NT2) nằm trong số này.

Một cựu thứ trưởng tài chính Nhật Bản gần đây cho rằng, kỷ nguyên đồng yên yếu sắp kết thúc và đồng nội tệ Nhật Bản sẽ tăng lên 115 yên/USD. Với diễn biến tăng giá gần đây của đồng yên, Nhiệt điện Phả Lại có thể phải ghi nhận khoản lỗ hàng trăm tỷ đồng, thay vì lãi do yên xuống giá trong các năm trước đó.

Sự hồi phục của đồng euro có thể khiến Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch lỗ hàng trăm tỷ đồng trong quý III.

USD thế giới vẫn trên đà tăng giá, theo kế hoạch tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Điều này gây áp lực lên đồng VND, tạo ra nguy cơ lãi suất tăng trở lại trong năm tới khi mà lạm phát được ADB dự báo lên tới 4%, so với mức 0,9% cho 2015.

Lãi suất tăng sẽ khiến rất nhiều DN Việt gặp khó khăn do tỷ lệ vay vốn ngân hàng lớn. Nhóm lo lắng nhất có lẽ là DN BĐS do hầu hết đều vay nợ rất lớn. Tuy nhiên, với quyết định giảm lãi suất đồng USD của NHNN hôm 28/9, nhiều DN đã yên tâm hơn.

Việc duy trì ổn định tỷ giá là rất cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới biến động khôn lường thì các chính sách tài chính tiền tệ của Việt Nam cũng cần điều chỉnh thích hợp để đảm bảo nền kinh tế cạnh tranh.

Trong bối cảnh nhiều đồng tiền giảm giá tới 15-20% một năm qua, việc điều chỉnh 3-5% tỷ giá USD/VND có lẽ không quá lớn. Hơn thế, trong một thế giới phẳng như hiện nay, các DN đều phải tính đến rủi ro tỷ giá và sử dụng các biện pháp để bảo vệ. Những lợi nhuận đến từ việc tỷ giá giảm phải được dành để bù đắp cho thiệt hại khi tỷ giá tăng hoặc dành để chi phí cho các hợp đồng bảo đảm tỷ giá với ngân hàng. Quyết định tăng giá bán có lẽ là giải pháp cuối cùng.

M. Hà