- Môi trường đầu tư kinh tế Việt Nam đang ngày càng cải thiện, nhưng không ít số liệu chỉ tiêu trong năm 2017 cho thấy nền kinh tế nước ta vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn trước mắt trên chặng đường phát triển kinh tế theo định hướng bền vững.

Năm 2017 và quý I/2018 qua các con số – thành tựu từ những khoản đầu tư “cũ”

Kinh tế Việt Nam năm 2017 đã đạt những kết quả rất toàn diện, đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, trong đó tăng trưởng GDP đạt 6,81% – mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, đây cũng được coi “năm của những kỉ lục” khi vốn đầu tư nước ngoài đạt được gần 36 tỉ USD, vốn giải ngân đạt 17 tỉ USD; số lượng doanh nghiệp thành lập mới nâng lên tới con số 126.859 doanh nghiệp; kim ngạch xuất nhập khẩu chạm ngưỡng 400 tỉ USD; đặc biệt lạm phát cả năm chạm mốc 3,53% là mức thấp hơn mục tiêu đã đề ra.

Căn cứ thực tế năm 2017 và quý I năm 2018, có thể thấy sự đóng góp quan trọng từ một số ngành trọng điểm. Với dịch vụ, đó là là các ngành thương mại, vận tải, kho bãi và dịch vụ ăn uống lưu trú (liên quan đến du lịch) có tốc độ tăng trưởng khoảng 8 - 9%/năm, hơn mức bình quân 7 - 7,5%/năm của toàn ngành dịch vụ. Với công nghiệp, mặc dù ngành khai khoáng đang dần phục hồi nhưng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang nổi lên liên quan tới lĩnh vực xuất khẩu (như điện tử, máy tính...) tăng 13 - 17%/năm, có phân ngành còn cao hơn và ngành năng lượng tăng trên 9%/năm, vì đảm bảo cho sự tăng trưởng chung, trong khi công nghiệp tăng 8 - 9%/năm. Với nông nghiệp, các ngành thủy sản và chế biến gỗ có tốc độ tăng khá, khoảng 5 - 6%/năm so với tốc độ chung toàn ngành khoảng 3%/năm, do liên quan đến các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và sạch, có khả năng xuất khẩu. Đặc biệt, tuy đóng góp vào cơ cấu kinh tế đang giảm dần, song nông nghiệp vẫn đem lại tổng giá trị đạt 33,7 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017, con số này tăng gấp ba lần so với 10 năm trước...

Những thành công kể trên không chỉ là nỗ lực của tất cả các thành phần tham gia vào nền kinh tế trong năm 2017 và đặc biệt là nửa cuối năm, mà còn phải kể tới các khoản đầu tư từ vài năm trước, bởi sự đầu tư nào cũng phải có “độ trễ”, một thời gian sau mới cho ra kết quả. Tuy nhiên, khép lại một năm khá thắng lợi của nền kinh tế quốc gia trên phương diện tăng trưởng, vấn đề về chất lượng tăng trưởng càng cần phải suy ngẫm.

Chất lượng thiếu bền vững – nguy cơ nền kinh tế “rỗng ruột”

Theo GS. TSKH. Nguyễn Quang Thái – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam còn thiếu tính bền vững: “Mặc dù tăng trưởng kinh tế năm vừa qua có cao hơn nhưng còn dưới tiềm năng, chất lượng tăng trưởng còn thấp”.

Tính thiếu bền vững trong chất lượng tăng trưởng ở nước ta được thể hiện rõ qua các chỉ tiêu về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Mặc dù Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã xếp hạng năng lực cạnh tranh tổng thể của Việt Nam tăng 5 bậc trong năm vừa qua, đứng thứ 55/137 nền kinh tế, nhưng vẫn có hơn 20 chỉ tiêu cụ thể về cạnh tranh của Việt Nam (như về thể chế, cân đối ngân sách, thị trường vốn và khoa học công nghệ, cải thiện môi trường kinh doanh và chất lượng lao động...), xếp dưới hơn 100 nước. Điều này cho thấy nỗ lực cạnh tranh của nước ta cần phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa nếu không muốn nền kinh tế quốc gia dần trở nên “rỗng ruột”, có vỏ mà thiếu “chất”.

Thực tế, có nhiều yếu tố dẫn đến một số chỉ số cạnh tranh của Việt Nam chưa được khả quan. Chẳng hạn như năng suất lao động cụ thể không thấp với công việc cùng loại, nhưng do cơ cấu lao động có tới 40% làm nông nghiệp, trong khi các nước khác chỉ chiếm 5 - 10% lao động nông nghiệp, nên đã kéo năng suất lao động chung xuống thấp. Về nguồn nhân lực, người có chứng chỉ từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm 21,5%, nói cách khác gần 80% người không qua trường lớp đào tạo hoặc chỉ qua đào tạo ngắn hạn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Chất lượng sản phẩm, hiệu quả của sản phẩm chưa cao nên dù xuất khẩu đã đạt 214 tỷ USD song giá trị gia tăng trong nền kinh tế bị thấp so với các nước trong vùng.

Cải thiện môi trường pháp lí – động lực tăng trưởng năm 2018

“Nếu có những đột phá về thể chế và cơ cấu lại nền kinh tế thì chắc sẽ có nhiều tiềm năng được giải phóng hơn nữa. Cũng đã có những cảnh báo về các rủi ro trong năm 2018 do sự thay đổi của kinh tế thế giới mà kinh tế nước nhà chưa chuyển biến kịp, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn lực quốc gia, kể cả vốn tín dụng giá rẻ”, GS. TS. Nguyễn Quang Thái chia sẻ.

Theo ông, mặc dù Chính phủ đang rất nỗ lực chuyển biến song vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, dẫn đến việc khai thác những tiềm năng và lợi thế trong thực tế ở các ngành, các địa phương còn bị hạn chế. Đặc biệt, nhiều chính sách liên quan tới lĩnh vực đầu tư, đổi mới công nghệ tiêu biểu chưa được khai thác tốt nên sự chuyển biến theo hướng cơ cấu lại nền kinh tế diễn ra còn chậm.

Mặt khác, theo khảo sát mới đây của Vietnam Report, nếu như những năm trước, Điều chỉnh giảm thuế và Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là những giải pháp được các doanh nghiệp kì vọng nhất thì sang năm 2018, phần lớn doanh nghiệp nhận định Cải thiện môi trường pháp lí là vấn đề cần được ưu tiên hàng đầu nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiến tới mục tiêu tăng trưởng, đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng nhanh kèm với phát triển bền vững.

Hình 1: Khuyến nghị chính sách từ doanh nghiệp để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động SXKD và mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp (Đơn vị: Mức độ ưu tiên theo thang điểm từ 1 đến 10)

{keywords}
Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp FAST500 – Vietnam Report, tháng 02/2018.

Với việc môi trường đầu tư đang ngày càng được cải thiện, nền kinh tế thế giới cũng được dự báo sẽ ngày càng tốt lên, những triển vọng về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt 6,7% là trong khả năng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước, đòi hỏi một sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về thể chế. Và chuyển biến nào, cải cách nào cũng cần phải gắn lợi ích đất nước với lợi ích người lao động, gắn tăng trưởng kinh tế với sự thịnh vượng của xã hội, của con người.

Bảng xếp hạng FAST500 – 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam và BP500 – 500 Doanh nghiệp thịnh vượng Việt Nam năm 2018 do Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet công bố, ghi dấu những nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp được ví như “những ngôi sao đang lên” với vai trò là động lực tăng trưởng của cả nền kinh tế.

Lễ công bố Bảng xếp hạng FAST500 & BP500 năm 2018 vinh danh chính thức các doanh nghiệp FAST500 & BP500 do Vietnam Report và VietNamNet tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 18/04/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Vietnam Report