Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH,HĐH) đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là con đường tất yếu để Việt Nam nhanh thoát khỏi tình trạng lạc hậu, chậm phát triển trở thành một quốc gia văn minh, hiện đại.

Có thể nhìn nhận từ góc độ vi mô quá trình tái cơ cấu kinh tế qua việc nghiên cứu, quan sát cơ cấu các doanh nghiệp lớn nhất và hiệu quả nhất của nền kinh tế, mà ở đây có thể sử dụng Bảng Xếp hạng V1000 – Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất – như mẫu phân tích đại diện cho cơ cấu các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Qua phân tích biến động cơ cấu các doanh nghiệp V1000 trong giai đoạn từ 2008 tới 2012, có thể rút ra một kết luận không thật khích lệ đó là cơ cấu kinh tế vi mô từ góc độ doanh nghiệp, cả về cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu kinh tế lãnh thổ và cơ cấu thành phần kinh tế, không có sự thay đổi đáng kể trong những năm vừa qua.

Cơ cấu kinh tế ngành: dịch vụ và nông nghiệp vẫn đóng góp phần ngân sách hạn chế

Các doanh nghiệp V1000 trong khu vực công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất cả về số lượng doanh nghiệp và số thuế thu nhập doanh nghiệp của các doanh nghiệp V1000 trong giai đoạn 2009-2011. Trong năm 2011, các doanh nghiệp công nghiệp đóng góp tới 60% tổng số thuế thu nhập. Khu vực có đóng góp cao thứ 2 là khu vực dịch vụ với hơn 30% trong năm 2011. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ đang chứng kiến sự suy giảm đáng kể cả về tỷ trọng số thuế thu nhập doanh nghiệp lẫn số doanh nghiệp trong bảng V1000 trong giai đoạn 2009-2011. Trong năm 2011, các doanh nghiệp trong khu vực nông nghiệp có đóng góp ít nhất, khoảng gần 7%. Tuy nhiên, trong năm 2011 các doanh nghiệp nông nghiệp đã đạt được tiến bộ vượt bậc trong nỗ lực đóng thuế của mình, tăng ba điểm phần trăm so với năm 2009. Số doanh nghiệp nông nghiệp trong năm 2011 cũng tăng gần gấp đôi so với năm 2009.

Tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp các doanh nghiệp V1000 theo ngành

  Tỷ trọng các doanh nghiệp V1000 theo ngành. Nguồn: Bảng xếp hạng V1000 năm 2010, năm 2011 và năm 2012, Vietnam report.

Cơ cấu thành phần kinh tế: doanh nghiệp tư nhân vẫn rất yếu thế

Trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng góp phần lớn số thuế thu nhập 1000 doanh nghiệp V1000 đóng góp năm 2011, khoảng 60%, các doanh nghiệp tư nhân đóng hơn 20% và các doanh nghiệp FDI đóng góp gần 20%. Tỷ trọng thuế thu nhập do các doanh nghiệp FDI đóng góp năm 2011 giảm so với năm 2009, phần nào là do số doanh nghiệp FDI trong bảng V1000 năm 2011 giảm đi so với năm 2009, một phần cũng là do lượng thuế thu nhập bình quân của 1 doanh nghiệp FDI đóng góp cũng thấp hơn mức bình quân trong bảng V1000. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI chiếm tới 26% tổng vốn đầu tư năm 2011, cũng như chiếm 50% tổng xuất khẩu và 45% tổng nhập khẩu của cả nước. Điều này thể hiện hiệu quả kinh doanh thấp của các doanh nghiệp FDI. Theo thống kê của TCTK thì đến 50% doanh nghiệp FDI đang làm ăn thua lỗ, qua đó không có đóng góp về thuế thu nhập doanh nghiệp. Đóng góp của các doanh nghiệp FDI đến chủ yếu từ các ngành dầu khí, ô tô, tài chính, bia, rượu và chế biến thực phẩm.

Tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp các doanh nghiệp V1000 theo loại hình sở hữu

Tỷ trọng số các doanh nghiệp V1000 theo loại hình sở hữu. (Nguồn: Bảng xếp hạng V1000 năm 2010, năm 2011 và năm 2012, Vietnam report)

Cơ cấu lãnh thổ: sự giàu có quá tập trung ở các thành phố lớn

Các doanh nghiệp ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng lớn nhất về số thuế thu nhập doanh nghiệp V1000 trong giai đoạn 2009-2011. Trong năm 2011, các doanh nghiệp ở Hà Nội đóng góp tới 50% lượng thuế thu nhập doanh nghiệp của toàn bộ 1000 doanh nghiệp V1000. Con số tương tự của các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh là 25%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng có đóng góp nhiều vào số thuế thu nhập doanh nghiệp, góp phần duy trì các tỉnh này trong top 5 tỉnh thành có lượng thuế thu nhập mà các doanh nghiệp V1000 đóng góp trong giai đoạn 2009-2011.

Tỷ trọng thuế thu nhập doanh nghiệp V1000 theo địa phương

Tỷ trọng doanh nghiệp V1000 theo địa phương. (Nguồn: Bảng xếp hạng V1000 năm 2010, năm 2011 và năm 2012, Vietnam report)

Những kết quả phân tích nêu trên cho thấy những giải pháp chính sách về tái cơ cấu nền kinh tế còn có tác dụng hạn chế trên thực tiễn, đặc biệt thể hiện sự chi phối gần như tuyệt đối của khu vực doanh nghiệp nhà nước và của các thành phố lớn trong cơ cấu các doanh nghiệp V1000 nộp thuế thu nhập lớn nhất. Điều đó cho thấy sự tập trung hóa đáng quan ngại trong cơ cấu của nền kinh tế, và cho thấy sức năng động của khu vực kinh tế tư nhân, cũng như của các trung tâm kinh tế địa phương còn chưa được phát huy đúng mức.

Sáng ngày 30/11/2012, tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Ban tổ chức V1000 gồm: Công ty CP Báo Cáo Đánh Giá Việt Nam (Vietnam Report), Báo VietNamNet và Tạp Chí Thuế sẽ chính thức tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng V1000 năm 2012. Buổi Lễ được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích, biểu đương và tôn vinh các doanh nghiệp có mức nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao, góp phần rất lớn vào sự giầu mạnh của Đất nước.

Anh Minh