Liên tục xảy ra những vụ ô tô chở khách đổ đèo dốc tại khu vực Tây Nguyên bị mất phanh, gây tai nạn kinh hoàng. Điều này báo động về vấn đề an toàn khi tham gia lưu thông tại các đường đèo dốc cao. Đâu là kỹ năng lái xe an toàn trên những cung đường nguy hiểm?

Nỗi ám ảnh đổ đèo mất phanh

Vụ tai nạn kinh hoàng, để lại hậu quả nghiêm trọng xảy ra gần đây nhất vào ngày 5/8 vừa qua, khi chiếc xe khách chở gần 50 người từ Nha Trang đi Đà Lạt xuống đèo trên tỉnh lộ 723 (đoạn qua địa phận xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), thì đột ngột bị mất phanh.

Chỉ vài phút sau, chiếc xe lao vào vách núi. Tài xế, phụ xe và một nữ hành khách thiệt mạng tại chỗ.

Cũng tại khu vực này, ngày 19/6, xe khách 47 chỗ của Công ty du lịch Lê Mỹ đang đổ đèo Prenn, hướng từ Đà Lạt về TP.HCM, bất ngờ tông vào một công nhân làm việc trên đường, rồi tiếp tục tông vào mạn trái một ô tô 29 chỗ khác đang lên đèo. Sau cú va chạm, xe Lê Mỹ trôi tự do chừng 20m, lật nghiêng. Nam công nhân và 6 hành khách tử vong, hàng chục người bị thương.

{keywords}

Mất phanh được cho là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn khi xe đổ dốc

Mới đây nhất, ngày 6/9, tại đoạn cuối của đèo Bảo Lộc, quốc lộ 20, chiếc xe khách chở hơn 30 người chạy theo hướng TP. Bảo Lộc - TP.HCM cũng mất phanh. May mắn, một chiếc xe tải chở hàng đã cho xe khách dựa vào thùng sau, rồi dìu đi hết đường đèo và dừng hẳn ở một vị trí bằng phẳng. Đầu xe khách và đuôi xe tải bị hư hỏng nặng, nhưng tài xế và hành khách an toàn.

Tại khu vực miền núi phía Bắc, địa hình đèo dốc, hiểm trở, chuyện xe khách, xe tải,... mất phanh gây tai nạn, đã từng diễn ra nhiều.

Theo các chuyên gia ô tô, mất phanh thường xảy ra với những xe chạy đường đồi núi, địa hình hiểm trở, là một trong những sự cố kỹ thuật cực kỳ nguy hiểm, dễ gặp khi liên tục phải xuống những con đèo dài vài chục km.

Chẳng hạn, khám nghiệm xe của Công ty du lịch Lê Mỹ sau tai nạn, cơ quan chức năng cho biết, xe đổ đèo với tốc độ cao, tài xế rà phanh nhiều, nên sinh nhiệt làm cháy má phanh, khiến hệ thống phanh không còn tác dụng từ 500 m trước khi gây tai nạn.

Mất phanh được cho là nguyên nhân chính của nhiều vụ tai nạn khi xe đổ dốc, tại các cung đường đồi núi, gây ám ảnh cho những hành khách đi ô tô và người tham gia giao thông trên đường.

Xe nào cũng có thể bị

Nói về vấn đề này, một lái xe kinh nghiệm hơn 30 năm chạy đường trường tại Công ty Vận tải Hành khách Hà Nội cho biết, hiện tượng ôtô mất phanh chủ yếu xảy ra khi xe đổ dốc.

Trước hết, đó là do lái xe không về số thấp. Khi đổ dốc với số cao, tốc độ xe sẽ lớn, tài xế phải dùng phanh liên tục để giảm tốc độ. Đối với các xe dùng phanh thủy lực thì việc đạp phanh kéo dài, sẽ xảy ra hiện tượng cháy phanh và mất tác dụng.

Khi bị mất phanh, tốc độ xe tăng rất cao khiến lái xe không thể về số thấp được. Lúc này, xe sẽ lao tự do và tay lái rất nhẹ nên xe bị chao đảo, không thể điều khiển được theo ý mình. Nếu xe bị lấn ra phía taluy âm thì lao xuống vực, còn lao sang taluy dương thì đâm vào vách núi, kết cục là tai nạn thảm khốc xảy ra.

{keywords}
Những vụ tai nạn do mất phanh khi đổ đèo vẫn là nỗi ám ảnh với nhiều lái xe

“Tôi nghĩ, đây là nguyên nhân mà bất cứ lái xe nào cũng dễ mắc phải nên hết sức cẩn thận, thực hiện đúng quy tắc lái xe để tránh tai nạn”, anh cho hay.

Không chỉ xe khách, mà xe tải cồng kềnh, có tải trọng nặng mà xe cá nhân cũng nguy hiểm không kém khi đổ đèo nếu không thuần thục các kỹ năng lái xe.

Một bác tài có kinh nghiệm kể, anh từng cầm lái chiếc Toyota Yaris số tự động của một người bạn, đổ dốc Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và hãm máy bằng số 2, thậm chí đôi chỗ bằng số 1. Người bạn ngồi cạnh thắc mắc sao cứ gạt lên gạt xuống cần số xe thế?

“Tôi hỏi thế cậu chỉ chuyên đi số D thôi à? Cậu bạn gật đầu. Nghĩa là, cậu ấy mà đổ dốc, người đi sau sẽ thấy đèn phanh luôn đỏ, thử hỏi má phanh nào chịu được ma sát suốt 13 km? Chắc chắn nó sẽ nóng rực lên, cháy khét, rồi trơ ra. Đấy gọi là mất phanh”, anh nói.

Chuyên gia kỹ thuật Phạm Ngọc Bá, Công ty Ford Việt Nam, khuyến cáo, khi đổ đèo, xuống dốc, nếu sử dụng chân phanh quá nhiều hoặc rà phanh kéo dài, sẽ làm cho hệ thống phanh bị quá nhiệt (quá nóng) gây ra hiện tượng bị cháy phanh, thậm chí làm lộn CUPEN xylanh phanh khi đạp phanh mạnh, gấp. Lúc này xe đột ngột mất phanh, khiến người lái hoảng hốt, không xử lý được tình huống dẫn tới tai nạn.

Hiện xe cá nhân thế hệ mới hầu hết đều được trang bị số tự động. Ai cũng thừa nhận rằng, lái xe số tự động đơn giản hơn số sàn, song nhiều người vẫn mắc sai lầm.

Dù xe số tự động, nhưng vẫn có chế độ số thể thao, số tay hay số bán tự động. Ứng dụng chế độ số thể thao có ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn khi đi đường dốc hay đổ đèo. Khi leo dốc, xe có thể tự sang số, nhưng khi xuống dốc, xe lao nhanh theo quán tính, hộp số sẽ lên số cao, không còn khả năng hãm động cơ.

Nếu không sử dụng số thể thao, tài xế buộc phải đạp phanh để hãm tốc. Phương án này không cho hiệu quả tối ưu, mà ngược lại, để phanh làm việc trong tình trạng khắc nghiệt liên tục, dễ bị cháy, hoặc mất tác dụng hệ thống thủy lực.

Với xe số sàn cũng tương tự. Nếu đổ dốc ở số 3 trở lên rất nguy hiểm, vì lúc đó tốc độ máy kết hợp với quán tính sẽ đẩy tốc độ xe tăng thêm ít nhất 40% so với bình thường. Với số cao, xe sẽ lao đi với tốc độ lớn và sẽ rất khó chuyển về số thấp ngay. Điều này cũng khiến người lái phải sử dụng phanh liên tục và kết cục cũng giống như xe số tự động.

Ngoài ra, tình trạng mất phanh xe cũng xảy ra, khi hệ thống phanh không đạt tiêu chuẩn an toàn, không được kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế định kỳ. Điều này sẽ khiến má phanh có thể bị mòn nhiều, bị trơ, thiếu dầu thủy lực, hoặc hệ thống đường ống dầu phanh bị rò rỉ,...

Chủ quan, quá tự tin vào tay lái và phanh ôtô, khi qua đèo, dốc hiểm trở cũng là lỗi hay gặp ở các bác tài.

Phải chọn tốc độ an toàn khi vận hành đường đèo dốc với số thấp và sử dụng chân phanh nhẹ nhàng để giảm tốc, đấy là lời khuyên của các tay lái dày dạn kinh nghiệm, nhằm tránh gây ra những tai nạn kinh hoàng.

Hải Đăng