- Sức mua xuống thấp cả năm nên việc bán được hàng trong dịp tết sắp tới không được các doanh nghiệp (DN) hi vọng. Hầu hết DN đều rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan nên vừa làm vừa lo.

Sản xuất cầm chừng

Nỗi ám ảnh về hàng tồn kho vẫn đang đeo bám DN trong cả năm qua nên việc sản xuất thêm hàng đều được cân nhắc kỹ lưỡng. Những năm trước, vào thời điểm này, DN thường đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành kế hoạch của năm. Nhưng năm nay, DN chỉ dám sản xuất cầm chừng, tốc độ tăng trưởng của sản xuất thấp do khó khăn trong sản xuất kinh doanh vẫn còn rất nhiều, đặc biệt trong tiêu thụ sản phẩm và vốn.

DN ngành bánh kẹo, mặt hàng không thể thiếu trong dịp Tết cũng giảm 5-10% lượng hàng so với Tết năm 2012. Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica, cho biết, đã chuẩn bị xong điều kiện sản xuất đầu vào. Tuy nhiên, dự đoán người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu nên công ty không sản xuất nhiều mà sẽ cung ứng hàng theo từng đợt, tùy tình hình mà điều chỉnh kế hoạch để hạn chế tồn kho.

Nhiều DN trong lĩnh vực thực phẩm cho biết, đến thời điểm này, kế hoạch sản xuất vẫn chưa có gì thay đổi bởi thị trường vẫn dậm chân tại chỗ. Trong đó, Công ty Saigon Food vừa bắt đầu quy trình sản xuất hàng bán cuối năm với kế hoạch sản lượng thành phẩm bằng năm ngoái.

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó tổng giám đốc Công ty Saigon Food, trước tình hình sức mua giảm sút như năm nay, doanh nghiệp khó đưa ra lượng sản xuất tăng như những năm trước. Mặc dù nhu cầu hàng Tết có nhỉnh hơn ngày thường đôi chút thì khi sắm Tết, người tiêu dùng cũng sẽ ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu trong gia đình, nên khó có thể tăng sản lượng các mặt hàng đông lạnh. Như vậy chúng tôi chỉ có thể đưa ra chỉ tiêu hàng Tết bằng với số lượng của năm trước.

Mặc dù là nguồn dự trữ tăng gần gấp 2 lần so với kế hoạch được giao, nhiều mặt hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, có khả năng chi phối trên 50% nhu cầu thị trường như dầu ăn, đường, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến... nhưng theo nhiều DN đó chỉ là chương trình bình ổn giá còn trên thực tế, sản lượng chung không tăng.


Chính vì vậy, dự kiến hàng Tết của Vĩnh Thành Đạt cũng chỉ bằng năm ngoái. Tương tự, Công ty nước giải khát Bidrico, Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ... cũng chỉ lên kế hoạch sản xuất bằng với năm 2011.

Nhìn vào tình hình thực tế nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi thời kỳ khó khăn, sức mua quá kém và nhiều DN vẫn đang trong tình trạng lượng hàng tồn kho lớn. Đó chính là lý do khiến DN rụt rè trong việc chuẩn bị cho nguồn hàng Tết Quý Tỵ năm nay.

Ngay cả Công ty Vissan dù đã đầu tư xây dựng hệ thống phân phối, tái cấu trúc mọi hoạt động nhưng cũng chỉ đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng 10% so với năm 2011. Dự kiến, sẽ có 1.010 tỷ đồng hàng hóa được Vissan chuẩn bị cho dịp Tết.

Cắn răng giữ giá

Theo kế hoạch của TP.HCM, tổng nguồn vốn các DN chuẩn bị hàng cung ứng cho ba tháng trước, trong và sau Tết Qúy Tỵ 2013 đạt hơn 6.600 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so vời năm ngoái. Trong đó, nguồn vốn chuẩn chị nguồn hàng bình ổn thị trường là 3.436 tỷ đồng, tăng hơn 605 tỷ đồng so với Tết Nhâm Thìn 2012.

Trong kế hoạch của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá của TP.HCM, các doanh nghiệp lớn như Saigon Co.op có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng tương ứng 3.350 tỷ đồng, Công ty Phạm Tôn 814,5 tỷ đồng, Công ty CP Thực phẩm công nghệ Sài Gòn 231 tỷ đồng, Công ty Ba Huân 165,2 tỷ đồng...

Với những mặt hàng bình ổn, hiện đã có giá thấp hơn thị trường gần 15% nên các doanh nghiệp hạn chế khuyến mãi các mặt hàng này, còn những mặt hàng bình thường đều phải tặng thêm quà để kích cầu.

Cũng như thế, Công ty Vissan giảm giá nhiều mặt hàng thực phẩm tươi như thịt heo, bò... mỗi tuần. Trong khi đó, Công ty Sài Gòn Food sau khi giữ nguyên giá từ Tết Nhâm Thìn đến nay nhưng trước áp lực tăng giá của nguyên liệu đầu vào quá lớn đã tính đến chuyện tăng giá bán. Tuy vậy sau khi tăng giá bán doanh nghiệp lại tồn tại một nỗi lo là việc giải phóng hàng tồn kho đang trở nên khó khăn hơn.

Một năm với nhiều biến động trên thị trường lương cho công nhân cũng phải tăng lên cho kịp thời giá. Tất cả các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất đã tăng từ 10- 15%, chi phí tiếp thị, bao bì mới... cũng tăng mạnh. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp sau khi đưa yêu cầu tăng giá 10% thì các siêu thị không đồng ý và mức giá mới vẫn chưa thể được áp dụng. Năm nay, sức mua yếu cộng với xu hướng không trữ đồ ăn trong nhà như trước kia nên khó có sự đột biến về hàng hóa. Chuyện hút hàng vào những ngày cuối nên sẽ khó lặp lại nên để tăng giá vào những giờ chót là không thể.

Ông Châu Nhật Trung, Giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ chia sẻ: “xăng dầu tăng giá đến 4 lần, tiếp đó điện, nước cũng tăng... Tất cả đã làm giá thành sản phẩm tăng đến 15 - 20%, nếu không tăng giá, sản xuất không có lãi. Chấp nhận không tăng là quyết định khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp, tuy nhiên để kho hàng của mỗi doanh nghiệp không đầy thêm thì đành phải cắn răng giữ giá sản phẩm”

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, hiện nay lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp tại TP.HCM đã giảm được 10-15% so với những tháng trước. Tuy nhiên, hàng tồn kho vẫn đang chiếm hơn 50% vốn của DN. Trong khi đó nguồn vốn tín dụng đang thu hẹp nên nguồn vốn để đầu tư vào các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất cũng bị hạn chế đi rất nhiều. Vì vậy, một số doanh nghiệp có đơn hàng trong nước lẫn xuất khẩu nhưng lại không có nguồn nguyên liệu sản xuất nên việc trữ hàng tết vẫn rất khó khăn và bị động.

Nam Phong