- Việt Nam nên thành lập một Ủy ban chuyên trách quản lý, giám sát DNNN cấp Chính phủ, do Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng kiêm nhiệm làm Chủ tịch. Mô hình này sẽ khắc phục được sự lẫn lộn chức năng chủ sở hữu Nhà nước và chức năng quản lý trong DNNN hiện nay.

Tại hội thảo công bố báo cáo "Đổi mới mô hình tổ chức thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và phần vốn Nhà nước tại DN" (do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phối hợp với Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WtO tổ chức) diễn ra sáng nay 10/12, bốn mô hình về chủ sở hữu Nhà nước đã được nhóm nghiên cứu đề xuất. Đây là một trong những hoạt động chính của loạt đề án về cải cách DNNN do CIEM và B- WTO thực hiện.

Trong đó, mô hình thứ nhất đã được nhóm nghiên cứu kiến nghị lựa chọn.

Theo giới thiệu của ông Bùi Văn Dũng, Trưởng Ban cải cách và phát triển DN, Viện CIEM, việc quản lý, giám sát toàn diện và hiệu quả DNNN sẽ được tập trung về một cơ quan chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước.

Cụ thể, hình thức thành lập có thể là một Ủy ban, trực thuộc Chính phủ với tên tạm gọi là Ủy ban Quản lý giám sát DNNN. Đây không phải là cơ quan hành chính Nhà nước, không thực hiện chức năng quản lý như các bộ ngành, UBND tỉnh, thành phố.

Hoạt động của DNNN sẽ chịu sự giám sát trực tiếp từ cơ quan chuyên trách (ảnh: P.H)

Mô hình này cần thực hiện theo 2 bước. Bước 1 là thành lập Ủy ban. Trường hợp chưa sửa đổi, bổ sung các Luật hiện hành liên quan thì Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết thành lập. Riêng tại Tp HCM, Hà Nội, do số lượng DNNN lớn nên cần thành lập mới Ban quản lý, giám sát DNNN thuộc UBND thành phố.

Bước 2 là tiến hành chuyển giao quyền chủ sở hữu Nhà nước tại các DNNN về Ủy ban hoặc về Tổng công ty Đầu tư và vốn kinh doanh nhà nước (SCIC) nhưng theo lộ trình.

Chủ tịch Ủy ban sẽ do Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng kiêm nhiệm. Phó Chủ tịch Ủy ban làm việc chuyên trách sẽ có chức danh tương đương Bộ trưởng. Đoàn chủ tịch của Ủy ban sẽ có một số thành viên chuyên trách và một số thành viên kiêm nhiệm như lãnh đạo đại diện các bộ liên quan tham gia. Ủy ban cũng sẽ có bộ máy chuyên môn, nghiệp vụ theo các lĩnh vực như nhân sự và tiền lương, tài chính kế toán, tái cấu trúc, đào tạo, thống kê, pháp chế... để quản lý toàn diện hoạt động DNNN.

Theo mô hình này, nhóm nghiên cứu đề nghị cần thành lập Hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia độc lập, các nhà khoa học am hiểu sâu, rộng về lĩnh vực hoạt động của DNNN để hỗ trợ cho Ủy ban.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra thêm 3 mô hình khác để thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước.

Trong đó, mô hình thứ 2 có bước đi gần giống mô hình thứ nhất nhưng ở cấp trung ương, cơ quan chuyên trách thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước sẽ không thuộc cấp Chính phủ mà chỉ ở cấp Bộ. Các bộ sẽ thành lập mới một Cục hoặc một Vụ thực hiện trách nhiệm này.

Mô hình thứ 3 là Chính phủ thống nhất thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước thông qua SCIC nhưng khác mô hình 1 là ở cấp trung ương, việc quản lý giám sát DNNN giao cho SCIC thực hiện.

Mô hình thứ 4 là Chính phủ cần phân công, phân cấp cho Thủ tướng, bộ, UBND tỉnh thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu tại từng loại DNNN.

Ông Dũng cho rằng, mô hình thứ 1 có nhiều ưu điểm hơn cả, mang tính tập trung cao, tách bạch được chức năng chủ sở hữu Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, mô hình này có có nhược điểm là sẽ phát sinh thêm một bộ máy, biên chế Nhà nước, kéo theo các vấn đề nhân sự và có thể vấp phải sự phản đối do lợi ích nhóm.

Dự kiến, Viện CIEM và B-WTO sẽ trình Thủ tướng đề án này trong năm 2013.

Tính đến tháng 10/2011, số DN 100% vốn Nhà nước là 1.309 DN, trong đó, 253 DN là công ty mẹ và công ty con thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty 91, 355 DN độc lập thuộc Bộ và 701 DN thuộc UBND.

Trong số này, có 391 DN sản xuất cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, 20 DN hoạt động lĩnh vực độc quyền Nhà nước, 62 công ty sổ xố kiến thiết và 594 DN hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến nay, cả nước đã có gần 1900 công ty cổ phần có cổ phần Nhà nước chiếm trên 50%, 573 DN 100% vốn Nhà nước đang trong quá trình chuyển sang công ty cổ phần theo đề án tổng thể được duyệt.

Tổng vốn kinh doanh của DNNN là gần 3,5 triệu tỷ đồng, chiếm 32,66% tổng vốn kinh doanh của các DN cả nước. Trong đó, gần 3,2 triệu tỷ đồng do Trung ương quản lý, chiếm 91,36% vốn DNNN và bằng 29,84% tổng vốn kinh doanh của DN cả nước. Còn lại, 301,6 nghìn tỷ đồng là do địa phương quản lý, chiếm 8,64% tổng vốn kinh doanh của DNNN và bằng 2,82% vốn kinh doanh của DN nói chung.


Phạm Huyền