Thay vì sắp bán được tất cả cổ phần trong NhómMua và MJ Group, thế cờ lại bị lật ngược khi 3 nhà đầu tư lớn chiếm 72,73% đang có ý định rút hoàn toàn. 

Ông Trần Đức Thắng, tên thường gọi Tom Trần, là sáng lập viên và Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Địa điểm, chủ sở hữu trang bản đồ số diadiem.com và công ty TNHH Nhóm Mua, chủ sở hữu trang mua hàng theo nhóm đầu tiên tại VN.

Với thành công của hai công ty này, Tom Trần và các cộng sự đã sát nhập thành MJ Group với sự đầu tư đến 60 triệu USD từ 3 tên tuổi lẫy lừng trong nước và quốc tế. Đó là IDG Ventures Viennam, Rebate Networks và Ru-Net Global.

Sự thành công từ mô hình mua theo nhóm của NhómMua, đến nay đã có trên dưới 50 công ty khác ra đời đi theo hình thức này, góp phần đa dạng vào nền Thương mại điện tử đang chập chững của Việt Nam. Nhiều cạnh tranh quyết liệt nhưng đến thời điểm trước đây khoản 2 tháng, NhómMua vẫn tự hào dẫn đầu thị trường với hơn 60% thị phần, gần 2 triệu thành viên tham gia và nhân viên của MJ group lên đến 1.000 nhân viên.

Trước sự thành công của NhómMua và gia tăng những lợi ích và tiềm năng từ đây đã là nguồn gốc cho những mẫu thuẫn phát sinh đẩy Nhóm mua và sự lộn xộn trong thời gian qua.

Tom Trần (áo đen) trong buổi họp báo vào sáng ngày 11/12/2012 đã nhận được hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có lẽ chính ông cũng ngờ sự việc lại đi quá xa

Xung đột qua lại giữa hai bên với nhiều tình tiết li kì được báo chí cập nhật liên tục. Những thông tin như Tom Trần đang bị công an kinh tế "sờ gáy", công ty không trả lương vì tài khoản và con dấu chưa mở được... đã gây nên sự hỗn loạn cho toàn thể nhân viên công ty.

Thậm chí, đỉnh điểm của sự đối kháng trở nên quyết liệt hơn khi con dấu của công ty không được chuyển giao cho nhóm điều hành mới và toàn bộ hệ thống của trang web NhómMua lđã tê liệt nhiều ngày. Để có con dấu, nhóm đầu tư đã phải chuyển 400.000 USD cho Tom Trần ở tài khoản nước ngoài và tiếp tục thương lượng để trả tiếp những cổ phần còn lại trong nước.

Cuối cùng Tom Trần phải xuất hiện bằng một cuộc họp báo căng thẳng với tuyên bố sẽ nhanh chóng hoàn tất việc chuyển nhượng tất cả cổ phần trong vòng một tuần để NhómMua nhanh chóng trở lại hoạt động.

Thế nhưng, khi Tom Trần và gia đình đã chấp nhận rút lui thì nhóm các nhà đầu tư và nhóm điều hành mới lại lật một con bài bất ngờ mới. Ngay trong buổi họp báo, ông Phạm Kyle Anh Tuấn, người được bổ nhiệm vào vị trí thay Tom Trần gần một tháng qua, đã viết đơn xin từ chức.

Đồng thời ngay trong buổi sáng hôm họp báo, một lá thư khá dài, giải thích và đưa ra nhiều dẫn chứng của sự việc do nhóm các nhà đầu tư tung ra, gửi đến toàn bộ nhân viên, trừ Tom Trần. Kết luận của nội dung lá thư này khẳng định sẽ rút toàn bộ số vốn, tức 72,73%, có gíá trị ban đầu đến 60 triệu USD và sẽ đòi lại 400.000 USD đã chuyển cho Tom Trần ở tài khoản nước ngoài.

Kết thúc buổi họp báo, Tom Trần cho biết sẽ quay trở lại điều hành công ty và sẽ cố gắng nối lại đàm phán với các nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, mọi việc sẽ chưa thể dừng lại và sự việc tại Nhóm mua chắc chắn sẽ còn tiếp diễn với nhiều tranh cãi kéo dài. Nhưng có một điều chắc chắn, sự tranh chấp quyền lực và lộn xộn ở đây sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của DN, quyền lợi người tiêu dùng và cả một lĩnh vực kinh doanh còn mới mẻ này ở Việt Nam.

Thanh Chung