Yêu cầu các bệnh viện trong quá trình chấm thầu phải tham khảo thông tin về các thuốc và các cơ sở sản xuất thuốc có vi phạm chất lượng trên trang tin điện tử của Cục Quản lý Dược nhưng thực tế là trên website của Cục này, phần thông tin trên rất thiếu, được cập nhật rất chậm, thậm chí có nhiều loại thuốc đã vi phạm chất lượng nhưng không được đưa vào danh sách công bố.
Việc không minh bạch các thông tin như trên vừa ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, khiến họ cạnh tranh không bình đẳng, vừa khiến các bệnh viện gặp khó khăn khi chấm thầu. Bởi vì dù biết là có loại thuốc đã từng vi phạm chất lượng nhưng do website của Cục quản lý Dược không đăng tải, không cập nhật thông tin nên bệnh viện khó có căn cứ để trừ điểm các loại thuốc này.
Chậm trễ, thiếu minh bạch
Thời điểm đầu tháng 12/2012, trên website của Cục Quản lý Dược hiện có danh sách của 26 mặt hàng thuốc (hoặc cơ sở sản xuất thuốc) vi phạm chất lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng các mặt hàng thuốc (hoặc cơ sở sản xuất thuốc) vi phạm chất lượng lớn hơn nhiều so với con số 26 này.
Có thể lấy một số ví dụ: Đầu tháng 8/2012, Cục Quản lý Dược ra thông báo thu hồi thuốc tim mạch Acipta do không đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu độ đồng đều về khối lượng và chỉ tiêu hàm lượng Amlodipine nhưng trên website của Cục không cập nhật thông tin này.
Tương tự, các thuốc như thuốc lọ bột DBL Oxaliplatin 100mg (thuốc chống ung thư và tác động vào hệ thống miễn dịch) hay thuốc tiêu hoá Samprazol, thuốc Intermedic ciprofloxacin 500mg (kháng sinh, trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn), … đều có công văn thu hồi của Cục Quản lý Dược trong năm 2012 nhưng cũng “vắng bóng” trên trang thông tin điện tử của cơ quan này.
Đó là chưa kể đến một loạt các thuốc khác do doanh nghiệp tự thu hồi hoặc do Sở Y tế các tỉnh, thành ra công văn thu hồi song cũng không được website của Cục này cập nhật.
Sở dĩ việc đưa danh sách các thuốc vi phạm chất lượng lên website của Cục Quản lý Dược trở nên cấp thiết bởi theo quy định trong thông tư đấu thầu thuốc thì mỗi loại thuốc vi phạm chất lượng trong vòng 1 năm gần đây sẽ bị trừ 5 điểm khi duyệt thầu (nếu vi phạm chất lượng mức độ 3) và bị trừ 10 điểm (nếu vi phạm chất lượng mức độ 2).
Và trong khi chấm thầu, căn cứ duy nhất để xác định xem thuốc đó có vi phạm hay không, vi phạm mức độ nào chính là thông tin được công bố trên website của Cục Quản lý Dược.
Điều này đã khiến nảy sinh tình trạng: Có thuốc vi phạm chất lượng, có công văn thu hồi nhưng lại không có tên trong danh sách các thuốc vi phạm chất lượng trên website của Cục Dược, do đó, khi duyệt thầu, các bệnh viện không có căn cứ để trừ điểm.
Một số bệnh viện vừa áp dụng thí điểm thông tư đấu thầu thuốc cho biết điều này gây bất bình đẳng trong đấu thầu giữa các doanh nghiệp, đồng thời “gây khó” cho bệnh viện bởi dù biết rõ thuốc vi phạm chất lượng nhưng không có căn cứ để trừ điểm vì website của Cục Dược không có thông tin.
Công khai để đảm bảo công bằng
Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho biết trong quá trình chấm thầu tại bệnh viện này, những mặt hàng đạt 70 điểm trở lên sẽ được vào vòng trong, sau đó đấu giá, thuốc nào có giá thấp nhất sẽ trúng thầu. Do đó, bài toán “tính điểm” trong lúc duyệt thầu ở vòng ngoài trở nên quan trọng.
Trao đổi với VEF hồi đầu tháng 12 về vấn đề này, Cục Quản lý Dược cho biết về nguyên tắc, thuốc bị thu hồi dưới bất kỳ hình thức nào và bởi bất kỳ đối tượng nào (doanh nghiệp tự thu hồi, Sở Y tế thu hồi, Cục Quản lý Dược thu hồi) đều bị coi là thuốc vi phạm chất lượng.
Về việc chậm cập nhật thông tin về các thuốc vi phạm chất lượng trong 1 năm gần đây, Cục Quản lý Dược cho biết khi áp dụng thông tư mới về đấu thầu trên diện rộng, vấn đề này sẽ được thay đổi để đảm bảo công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, đồng thời giúp các bệnh viện có căn cứ rõ ràng hơn để chấm thầu khách quan.
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định thông tư mới về đấu thầu thuốc sẽ khắc phục những tồn tại của thông tư cũ nhằm mục tiêu tạo ra môi trường công khai minh bạch, đảm bảo sự cạnh tranh, công bằng nhằm lựa chọn các mặt hàng thuốc với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý.
Theo ông Cường, thời gian qua, để tăng cường sự công khai, minh bạch và đảm bảo công bằng, qua đó hạn chế các vấn đề tiêu cực trong công tác đấu thầu thuốc, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành quy định về mẫu hồ sơ mời thầu mua thuốc để áp dụng thống nhất trên toàn quốc, khắc phục tình trạng không thống nhất về các yêu cầu, tiêu chí trong việc lựa chọn thuốc trúng thầu cung ứng cho các bệnh viện
Hiện nay, thông tư mới về đấu thầu thuốc đã bắt đầu được một số bệnh viện áp dụng. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh viện này vừa thực hiện đấu thầu bổ sung hơn 10 mặt hàng thuốc và việc đấu thầu thuốc cho năm 2013 sẽ được thực hiện vào khoảng tháng 6/2013, theo đúng hướng dẫn của thông tư mới.
Ngày 19/12, Cục Quản lý Dược đã đưa lên trang thông tin điện tử của Cục thông tin về 119 các thuốc, cơ sở sản xuất vi phạm về chất lượng thuốc trong năm 2011 và 2012 (tính đến 12/12).
Theo đó, nhiều loại thuốc vi phạm đã được đưa tên vào nhưng vẫn chưa đủ (như thuốc lọ bột DBL Oxaliplatin 100mg (số đăng ký: VN-5375-08, số lô: Y065352AB, ngày sản xuất: tháng 8.2011, hạn sử dụng: tháng 8.2014, công ty Hospira Australia Pvt Ltd. sản xuất, công ty cổ phần dược liệu Trung ương II (Phytopharma) nhập khẩu). Đây là thuốc chống ung thư và tác động vào hệ thống miễn dịch).
Hoặc thuốc Intermedic ciprofloxacin 500mg (lô 191, hạn dùng 11/8/2012 của Công ty Intermedic company limited, Hàn Quốc sản xuất) dù bị thu hồi từ tháng 5 nhưng cũng không có tên trong danh mục công bố. Đây là kháng sinh, trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, …
Việc đưa thông tin trên lên mạng ở thời điểm này vẫn được coi là chậm trễ vì một số cơ sở đã thực hiện đấu thầu từ trước đó. |
YẾN NHI