Chủ tịch Petrolimex chỉ trích gay gắt về cơ chế điều hành hiện nay đã đẩy giá xăng dầu rơi vào tai tiếng không minh bạch, tăng nhanh, giảm chậm. Thứ trưởng Bộ Công Thương đã thừa nhận Nhà nước điều hành không khéo, lúng túng.
Xăng trong nước neo giá dù thế giới giảm mạnh
Xăng dầu tăng giá nhờ sửa phí kinh doanh
DN xăng dầu phản đối khống chế hoa hồng
Buổi tọa đàm về thị trường xăng dầu chiều 20/12 đã diễn ra khá căng thẳng với những tranh luận nảy lửa giữa đại diện các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và lãnh đạo Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Tăng nhanh, giảm chậm là tại Nhà nước
Một trong những câu hỏi đầu tiên của tọa đàm là giá xăng dầu đã minh bạch hay chưa? Cả ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính và thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Cẩm Tú đều khẳng định chắc nịch: "Rất công khai và minh bạch".
Ông Tuấn dẫn chứng: "Chúng tôi đã bám sát Nghị định 84, có Thông tư 234 hướng dẫn cụ thể về kết cấu giá, cách trích lập sử dụng Quỹ bình ổn. Giá cơ sở gồm những gì, có khoản phí gì đều được quy định rất cụ thể."
"Mỗi lần điều chỉnh giá, chúng tôi đều có họp báo hoặc gửi thông tin cho báo chí, nêu rõ vì sao lại điều tiết như vậy, cách tính giá như thế nào, sử dụng những công cụ gì. Những kết quả thanh tra về xăng dầu cũng được họp báo công bố công khai", ông Tuấn Anh liệt kê.
Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn thêm: "Nếu những ai cho là giá xăng dầu không minh bạch thì tôi chỉ xin người đó hãy dành một giây đồng hồ, mở bản tin thị trường hàng ngày (của Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại- Bộ Công Thương- PV) thì sẽ thấy rõ giá ngày đó. Không có gì là không minh bạch!"
Tuy nhiên, những lập luận này đã bị chính vị doanh nghiệp đầu ngành xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex "bật" lại.
"Đúng như anh Tuấn nói nhưng chỉ là minh bạch tại thời điểm điều chỉnh đó thôi", ông Bảo nói.
Giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm do lỗi điều hành (ảnh; P.H) |
Vị Chủ tịch này khẳng định: "Nếu nhìn cả chu kỳ thì không minh bạch!"
"Tất cả những yếu tố cấu thành giá xăng dầu tại thời điểm đó không theo một chuẩn mực nào cả. Công thức giá tuy rất minh bạch các yếu tố cấu thành, nhưng 3 dữ kiện như thuế, tỷ giá, giá thế giới cùng "chạy" cả thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến giá cuối cùng", ông Bảo lý giải.
Cắt nghĩa tiếp, ông Bảo nói: "Thuế được vận hành thiên về bình ổn giá. Khi giá thế giới cao, chúng ta lại hạ thuế để làm sao, giá bán trong nước thấp. Thậm chí, nhiều giai đoạn thuế nhập khẩu về 0%. Đương nhiên, giá bán xăng dầu trong nước sẽ không theo được xu thế thị trường thế giới, chỉ tăng ở mức vừa phải. Còn khi giá thế giới hạ, Bộ Tài chính lại tăng thuế lên. Rõ ràng, cơ hội hạ giá của chúng ta đã không còn".
Nghịch lý trên thể hiện rất rõ nét ở bức tranh giá xăng dầu năm 2012, với 6 tháng đầu năm, thuế gần như ở mức 0%, Quỹ bình ổn được sử dụng bù giá. Năm 2012, giá bình quân mặt hàng xăng của thế giới chỉ tăng 3% so với 2011, nhưng giá xăng bình quân trong nước lại tăng 11%.
Kết luận lại, ông Bảo nhấn mạnh: "Đây chính là bất cập trong cả 3 văn bản về điều hành thị trường xăng dầu, từ Quyết định 187, Nghị định 55 năm 2007 và Nghị định 84 ban hành năn 2009. Qua 3 lần sửa đổi về cơ chế như vậy nhưng chúng ta đều không thực hiện được điều khoản về giá. Đó là lý do giá xăng dầu tăng nhanh giảm chậm, không theo giá thế giới, dư luận bức xúc là vì thế".
Vị doanh nghiệp này kiến nghị, Nhà nước cần phải ổn định sắc thuế. Mục tiêu thuế là để đảm bảo nguồn thu hay là một công cụ để điều tiết giá phải được làm rõ hơn. Khi đó, giá bán lẻ xăng dầu sẽ theo tín hiệu thị trường thế giới.
Cơ chế xăng dầu mới ở mức... tầng hầm
Nhìn nhận lại cơ chế thị trường xăng dầu hiện nay, ông Bùi Ngọc Bảo chia sẻ, Nghị định 84 đã chấm dứt thời kỳ bù lỗ, để giá xăng dầu tiệm cận thị trường. Nhưng chính việc giảm thuế khi giá thế giới tăng hiện nay cũng đang thể hiện là một cách bù lỗ gián tiếp.
Ví dụ như năm 2009, thuế nhập khẩu của Petrolimex nộp cho nhà nước là 11.000 tỷ đồng, đồng nghĩa cả nước chừng 23.000 tỷ đồng, năm 2011, số thuế chỉ nộp hơn 1.100 tỷ đồng, dù sản lượng bán ra là tăng cao hơn năm 2009. Như vậy có nghĩa năm 2011, Nhà nước bù 9.000 tỷ để ổn định giá.
Ông Bảo cũng than phiền, vừa qua, Nhà nước không chờ đến mức biến động 7% như Nghị định 84 quy định để can thiệp giá mà chỉ mới biến động 1-2% đã can thiệp. Bên cạnh đó, vì thuế không ổn định nên DN không thể nào đặt ra chỉ tiêu về giá, lợi nhuận và đảm bảo được kế hoạch kinh doanh.
Về điểm này, thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú khảng khái nói: "Thay mặt cơ quan quản lý Nhà nước, tôi xin lỗi anh Bảo. Vừa qua, Nhà nước điều hành xăng dầu chưa khéo, còn lúng túng".
"Nhưng cái tội ở đây là do đất nước còn nghèo, nguồn lực Chính phủ có hạn, cái khổ nữa là năm 2009 khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh đến nước ta, vì vậy, cực chẳng đã mới phải bình ổn giá. Phần lớn thời gian vừa qua, giá xăng dầu do Nhà nước điều hành", ông Tú nói.
Lưu ý tiếp về đặc thù thị trường này, ông thứ trưởng cho biết, ba năm qua, giá xăng dầu chủ yếu là tăng, giảm chỉ mang tính cục bộ và giảm nhẹ.
Thủ tướng đã chỉ đạo, trong 3 lợi ích thì ưu tiên lợi ích của người dân trước, kế đến là lợi ích của DN và sau cùng mới tính đến lợi ích của Nhà nước. Lợi ích của dân là thể hiện ở việc giá cả, giá thế giới giảm thì giá trong nước phải giảm, DN phải hòa vốn hoặc có lãi.
Năm 2008, Nhà nước bù lỗ xăng dầu 23.000 tỷ đồng. Sau khi có Nghị định 84 thì lỗ phát sinh do cơ chế điều hành, giá bán ra luôn thấp hơn giá cơ sở, DN phải gánh, khi nào có cơ hội thì mới bù lại cho anh DN. Phần còn lại, Nhà nước hi sinh nguồn thu qua thuế.
"Vì thế nên mới có chuyện tại sao giá thế giới giảm, chúng ta lại làm quy trình ngược lại là bù thuế trước. Và như Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước công bố, khoản lỗ ở DN lên tới mười mấy nghìn tỷ. Cái này sẽ phải tính, chúng ta không thể trốn chạy thực tế được", ông Tú chia sẻ.
Có thể sẽ có một Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, "sửa" những hạn chế trong Nghị định 84. Nhưng như ông Tú nói, có lúc việc bình ổn thị trường còn quan trọng hơn là việc gắng sức theo thị trường.
"Chúng ta đều có nguyện vọng "sống trong ngôi nhà đẹp", nhưng muốn thế, sẽ phải xây nhà có quy trình xây từ móng, chờ một thời gian rồi xây lên tầng 1, tầng 2... Nếu nóng vội thì có khi không có nhà mà chỉ có đống đổ nát. Hiện nay, thị trường xăng dầu cũng thế, mới đang ở tầng hầm, tầng 1 thôi. Việc tiến tới một thị trường xăng dầu cạnh tranh hoàn hảo sẽ phải theo lộ trình và là mục tiêu lâu dài", ông Tú nói.
|