- Năm 2012, ACB đã trải qua nhiều cú sốc lớn với một loạt các lãnh đạo cao cấp bị khởi tố, ngân hàng lỗ nặng vì vàng, tài sản tụt giảm…

Từng được coi là một ngân hàng quản trị kiểu mẫu nhưng khi chuyện vỡ ra thì người ta mới giật mình với những điều khuất tất. Đại hội cổ đông trong những ngày cuối cùng của năm 2012 như một cuộc mổ xẻ để loại bỏ những u nhọt, gây bấn loạn ngân hàng này.

Sóng gió cả năm

Ngày 26/12, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã tổ chức ĐHCĐ bất thường năm 2012 với một trong các nội dung quan trọng là nhất trí miễn nhiệm 4 thành viên HĐQT đã xin từ nhiệm hồi tháng 8 và tháng 9, đồng thời bầu bổ sung mới 4 thành viên theo danh sách ứng cử từ trước.

Theo đó, ông Trần Mộng Hùng, ông Nguyễn Thành Long, ông Đàm Văn Tuấn, ông Trần Trọng Kiên trúng cử vào HĐQT, thay cho ông Lê Vũ Kỳ, ông Trần Xuân Giá, ông Trịnh Kim Quang và ông Phạm Trung Cang đã từ nhiệm và bị khởi tố trước đó.

Trong số các thành viên mới, ông Trần Mộng Hùng vốn là người sáng lập và đã điều hành Ngân hàng ACB trong 14-15 năm qua. Ông Hùng là bố của Chủ tịch HĐQT ACB hiện tại là ông Trần Hùng Huy. Ông Kiên và ông Long là hai thành viên độc lập, hiện không nắm giữ cổ phần ACB.

Cũng trong ĐHCĐ bất thường này, các cổ đông đã biết rõ thêm về sự nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng xảy ra cách đây vài tháng với tổng tài sản giảm khoảng 30%; lần đầu tiên ngân hàng thua lỗ; thua lỗ liên quan tới vàng và ngoại tệ lên tới 1.700 tỷ đồng và khoản tiền liên quan đến các công ty của ông Nguyễn Đức Kiên (một trong người sáng lập và là cổ đông của ACB) lên tới 7.000 tỷ đồng…

Cuộc khủng hoảng có nguyên nhân sâu xa từ việc quản trị, giám sát hoạt động của ngân hàng không chặt chẽ và được kích nổ sau vụ ông Nguyễn Đức Kiên, thường được gọi là bầu Kiên - một doanh nhân được xếp vào nhóm giàu nhất Việt Nam, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực ngân hàng - bị bắt tạm giam điều tra về các sai phạm trong hoạt động kinh tế.


Sự kiện mà có lẽ giới đầu tư cũng như các cổ đông của ACB có lẽ không bao giờ quên hôm 21/8 đã khiến giá gần như tất cả các cổ phiếu trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đồng loạt giảm sàn, bất kể tốt xấu. Hàng tỷ USD giá trị cổ phiếu đã không cánh mà bay trong vòng vài phiên.

Cùng với những cú sốc nói trên và áp lực phải đóng trạng thái vàng theo yêu cầu của NHNN - mà theo đó ACB lỗ 1.700 tỷ đồng, cổ phiếu ACB đã giảm một mạch từ mức 25.900 đồng/cp xuống tới gần 15.000 đồng/cp. Nếu so với mức giá hơn 40.000 đồng/cp hồi năm 2008 thì, mức giá quanh 16.000 đồng/cp hiện nay là một dấu hiệu cho thấy niềm tin vào ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam này đã suy giảm mạnh.

Cuộc họp ĐHCĐ bất thường vừa diễn ra dù phải đau lòng phơi bày mọi vấn đề nhưng lại nhen nhóm lên hy vọng về một sự phục hồi của ngân hàng vốn một thời đứng trong tốp đầu.

Một vòng khủng hoảng

Tại cuộc họp ĐHCĐ, cho dù lãnh đạo Ngân hàng ACB đã không trả lời hết được nhiều câu hỏi của các cổ đông, nhưng sự trở lại của ông Trần Mộng Hùng - người sáng lập và dẫn dắt ACB phát triển trong 14 -15 năm trước đó - được cho là nhiềm hy vọng lớn.

Một điểm cũng đáng chú ý là trong ĐHCĐ bất thường, ông Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó Chủ tịch ACB vừa bị khởi tố hồi tháng 8, đã xuất hiện để thay mặt 4 cựu thành viên HĐQT đã từ nhiệm và bị khởi tố để trải lòng cùng các cổ đông về hàng loạt biến cố xảy ra với ngân hàng.

Theo đó, trong các năm vừa qua các thành viên HĐQT luôn làm việc trên tinh thần vì lợi ích của cổ đông. Quyết định ủy thác đầu tư (diễn ra mạnh mẽ trong năm 2012) đã được bàn bạc rất kỹ với mong muốn giải quyết đầu ra cho lượng tiền tồn quỹ và tránh gây thua lỗ cho ACB. Và số tiền lãi phát sinh kể cả phần chênh lệch lãi suất đều được các nhân viên nhận ủy thác nộp đầy đủ cho ACB, được hạch toán đầy đủ vào sổ sách. Và khoản tiền các công ty của ông Nguyễn Đức Kiên vay rất lớn nhưng được khẳng định là có tài sản đảm bảo.

Cho tới thời điểm này, mục tiêu cho năm 2013 chưa được ACB đặt ra nhưng năm tới được xác định là năm bản lề để bứt phá vào năm 2014. Quyết tâm đưa ngân hàng hồi phục trở lại theo hướng phát triển ổn định, bền vững và sự trở lại của ông Trần Mộng Hùng đã khiến nhiều cổ đông an tâm và tin tưởng hơn.

Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà đầu tư còn băn khoăn là số phận của số tiền 718 tỷ đồng ACB gửi tại Vietinbank sẽ như thế nào? Thua lỗ về vàng đã hết chưa? Tài sản đảm bảo cho các khoản vay trị giá lên tới 7.000 tỷ đồng của bầu Kiên bây giờ còn lại bao nhiêu? Và trên hết là làm như thế nào để có cơ chế quản trị, giám sát có hiệu quả, để không còn hiện tượng lỗ do kinh doanh không an toàn, do chính sách, do nhóm lợi ích?

Theo ông Lê Vũ Kỳ, các thành viên HĐQT hành động vì ACB, không tư lợi, nên nếu chẳng may số tiền ACB gửi tại Vietinbank không thu hồi được do liên quan đến vụ Huyền Như thì thường trực HĐQT xin quý cổ đông chia sẻ và hiểu cho các vấn đề đã tường trình nêu trên.

Báo cáo của ông Kỳ cũng cho thấy, trong nhiệm kỳ 2008 đến ngày từ nhiệm, các thành viên thường trực HĐQT đều làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật và lợi nhuận trong giai đoạn này là hơn 15.000 tỷ đồng.

Những ngày cuối của năm 2012, nhìn lại mới thấy giật mình với những gì đã xảy ra với ACB, chủ tịch bị khởi tố, tổng giám đốc bị khởi tố bắt giam, hàng loạt lãnh đạo lớn nhỏ dính vào lao llý… Thua lỗ, mất tiền, mất người đã là một đau xót nhưng đau xót hơn là hình ảnh một ngân hàng tốt hàng đầu Việt Nam đã gần như bị xóa sạch. Nhưng cũng trong khủng hoảng người ta cũng thấy được sự tồn tại của ACB là cả một kỳ công từ nội lực và hỗ trợ của nhà nước và cả hệ thống ngân hàng. Sau cơn bão, những nhân tố mới xuất hiện đang mang lại những hy vọng mới.

Mạnh Hà