Tồn kho đã trở thành nỗi ám ảnh với hàng trăm ngàn DN trong suốt năm 2012. Từ sản xuất ôtô, xe máy, xi măng, chế biến thủy sản, thép... đều tồn kho rất cao, dẫn đến phải cắt giảm sản xuất, tạm ngừng, đóng cửa, bán tháo nhà máy.

Theo công bố, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/12/2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm trước. Chỉ số này tuy đã giảm so với 34,9% thời điểm 1/3/2012, những vẫn còn so với mức cho phép chỉ ở mức từ 10-15%.

Ôtô, xe máy thừa trăm ngàn chiếc

Theo thống kê, đến 1/12, chỉ số tồn kho ô tô, xe máy "chốt" ở mức 42,1%. Cả năm 2012, các DN ô tô trong nước chỉ tiêu thụ được khoảng 80.000 xe, so với con số 110.938 xe năm 2011. Mặc dù vào đầu năm 2012, các DN đã lên kế hoạch giảm sản xuất, nhưng vẫn không lường hết khó khăn. Sức tiêu thụ giảm mạnh khiến cho DN phải tạm ngừng sản xuất, ít thì 2 tuần mà nhiều lên tới 2 tháng. Nhiều DN sản xuất chỉ đạt 50%-60% so với 2011.

Công ty Toyota Việt Nam, vào thời điểm tháng 7/2012 chi tiêu thụ được 11.000 xe, giảm 2.456 xe, so với cùng kỳ 2011, lượng xe tiêu thụ đạt 31% so với kế hoạch, số xe ô tô tồn kho lên tới 3.000 xe và 1.100 bộ linh kiện; tính hết năm chỉ tiêu thụ khoảng 24.000 xe, giảm 20% so với 2011. Các DN khác như Trường Hải giảm tiêu thụ trên 30%, Công ty ô tô 1-5 giảm tiêu thụ 29%, Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên giảm 76%...

Tổng số ô tô tồn kho lên tới trên 10.000 chiếc, nhiều DN phải thuê kho bãi bên ngoài để chứa xe tồn do trong nhà máy đã chật kín chỗ.

Lĩnh vực xe máy cũng có lượng tồn kho lớn, chẳng hạn Công ty Honda Việt Nam có thời điểm tồn kho tới 70.000 xe máy. Các DN xe máy khác trên địa bàn Hà Nội có số tồn kho tới 30.000 chiếc... đa số các DN phải cắt giảm sản xuất từ 30% -40%.


Tồn kho nên dây chuyền sản xuất tạm ngừng hoạt động, hàng chục nghìn công nhân phải nghỉ việc, bị sa thải, bị cắt giảm lương. Tất cả các DN ô tô xe máy đã phải cho một bộ phận người lao động nghỉ việc để giảm khó khăn.

Thủy sản, kho lạnh đầy ứ cá tôm

Các kho lạnh ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Tân Tạo... (Cần Thơ, An Giang) không kho nào còn trống. Hầu hết nhà máy chế biến cá tra có xây kho lạnh trữ hàng, rất ít khi phải đi thuê kho. Tuy nhiên, hiện kho thuê ngoài cũng đã quá tải. Việc đi tìm thuê kho lạnh bên ngoài để chứa thủy sản "khó hơn lên trời". Một số DN cho biết, liện hệ thuê kho lạnh trữ cá tra ở khu công nghiệp Long Hậu (Cần Giuộc, Long An) mặc dù đã trả cao hơn thị trường mỗi tấn hàng 0,1 USD/ngày, nhưng cũng không tìm đâu ra.

Hiện chỉ số hàng tồn kho của ngành thủy sản tính đến 1/12/2012 vẫn ở mức 28,6% và chưa có nhiều khởi sắc.

Đầu ra không có, tồn kho cao khiến DN đã phải bán cá với bất kỳ giá nào để tạo ra dòng tiền tự nuôi sống mình. Theo tính toán với giá cá tra ở mức gần 22.000 đồng một kg như hiện nay, để làm ra một kg cá tra philê cần 2,5kg nguyên liệu, tương đương 55.000 đồng. mà có doanh nghiệp chỉ chào giá 2,2 - 2,4 USD một kg (chưa tới 50.000 đồng).

Thời gian qua đã có hàng loạt các đại gia thủy sản phá sản, tại Cần Thơ có 30 DN chế biến, xuất khẩu thủy sản thì hầu hết lâm vào cảnh phá sản, nợ nần với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, không có khả năng thanh toán. Nổi bật nhất là Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, nợ đến cả ngàn tỷ đồng phải bán lại DN cho người khác. Còn tại Đồng Tháp, tính đến thời điểm tháng 5/2012 đã có tới 160 DN đóng cửa, trong đó có tới 62 DN chính thức giải thể, nhiều DN dù vẫn duy trì hoạt động, nhưng công suất chỉ còn 30%, thậm chí còn 10%. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…

Vật liệu xây dựng bán nhà máy để trả nợ

Theo Hiệp hội Xi măng, ngành sản xuất xi măng bình thường tồn kho trên dưới 1 triệu tấn nhưng tính đến nay tồn kho khoảng 4 triệu tấn, chưa tính tồn kho ở các đại lý. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 1/12/2012 chỉ số tồn kho xi măng vẫn ở mức cao, lên tới 30,6%.

Tiêu thụ gặp khó khăn khiến các DN hiện nay chỉ sản xuất khoảng 70 - 80% công suất. Các DN sản xuất xi măng cả lớn lẫn nhỏ đang ồ ạt khuyến mãi để giải phóng bớt lượng hàng tồn kho. Không chỉ đua nhau giảm giá bán, mà còn tung khuyến mãi "khủng" khiến cho tất cả cùng "sống dở, chết dở".

Đầu ra giá thấp, trong khi chi phí đầu vào tăng mạnh khiến nhiều DN điêu đứng. Thời gian qua chi phí xăng dầu tăng 32-43%, điện tăng 15,28%, tỷ giá ngoại tệ 9%, vỏ bao tăng 25% và than, nguồn năng lượng chính sử dụng trong ngành xi măng, tăng gần 90%. Chấp nhận bán dưới giá thành, chịu lỗ, các DN phải hoạt động lay lắt.

Cả nước có gần 100 DN xi măng đang rất khó khăn. Điển hình là, Xi măng Cẩm Phả lỗ lũy lế lên tới 1.259 tỷ đồng; tiếp đến là Xi măng Hạ Long lỗ 982 tỷ đồng và Xi măng Đồng Bành lỗ 149 tỷ đồng. Đấy là những DN đang ngoắc ngoải, còn không ít DN khác đã "chết" hẳn như Xi măng Thanh Liêm (Hà Nam) hay Áng Sơn (Quảng Bình).

Nhiều DN xi măng như Đồng Bành đang tìm cách bán nhà máy để lấy tiền trả nợ, nhưng trong lúc tiêu thụ giảm, sản xuất cầm chừng, thị trường bất động sản xuống dốc thì chẳng ai dám mua.

"Đồng hành" với xi măng là thép, trong năm 2012 lượng thép tồn kho cũng tăng cao, có thời điểm lên tới 40% với trên 500.000 tấn thép các loại và 500.000 tấn phôi. Vào thời điểm tháng 12/2012 thép lượng thép tồn kho, theo Hiệp hội thép Việt Nam ở mức 385.000 tấn. Với mức tiêu thụ 400.000 nghìn tấn/tháng thì lượng tồn kho cho phép khoảng 250 nghìn tấn, nhưng năm 2012 chưa bao giờ thép giảm được hàng tồn kho về mức này.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép, trong số 30 DN thành viên thì hiện có 4-5 DN đã ngừng hẳn sản xuất, còn lại phần lớn các DN chỉ sản xuất cầm chừng với cống suất đạt 50%, có DN đã phải bán nhà máy trở nợ như Công ty TNHH cán thép Tam Điệp (Ninh Bình) đã phải bán 70% vốn cho Công ty thép Kyoei (Nhật Bản).

Bên cạnh đó các ngành khác như vật liệu ốp lát hiện tồn đọng khoảng 50 triệu mét vuông, tương đương trên 2 tháng sản xuất; kính xây dựng tồn kho 5 tháng sản xuất và đang trong tình trạng rất nguy cấp...

BĐS tồn kho ngàn tỷ, nợ trăm tỷ

Bộ Xây dựng cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của 44 tỉnh thành, tính đến 30/8/2012, hàng tồn kho cả nước hiện lên đến 16.469 căn hộ chung cư, trong đó TP HCM tồn 10.108 căn, Hà Nội là 3.292 căn. Tổng số nhà thấp tầng 4.116 căn trong đó Hà Nội 3.483 căn, TP HCM là 1.131 căn. Đất nền hơn 1,6 triệu m2 trong đó văn phòng là 25.870m2. Tổng giá trị hàng tồn kho 40.750 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo báo từ Quỹ Dragon Capital thì con số hàng tồn kho căn hộ để bán tại 2 thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội hiện lên đến 70.000 căn, nếu trung bình khoảng 2 tỷ đồng mỗi căn thì số vốn đang chết đứng ở đây khoảng 140.000 tỉ. Đây mới chỉ dừng lại ở mảng căn hộ, còn biệt thự, liền kề chưa tính đến.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/10, tổng dư nợ bất động sản khoảng 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối năm ngoái, trong đó nợ xấu chiếm khoảng 13,5% tổng dư nợ bất động sản, tương đương hơn 28.000 tỷ đồng.

Bộ Xây dựng cho rằng, số liệu về dư nợ tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước chưa tính đến các khoản vay tiêu dùng khác nhưng thực chất được đầu tư vào bất động sản, cũng như dư nợ có tài sản bảo đảm bằng bất động sản còn chiếm khoảng 46,5% tổng dư nợ tín dụng. Nợ xấu chiếm khoảng 13,5% tổng dư nợ bất động sản, nhưng đại đa số doanh nghiệp nợ bất động sản khó có khả năng thanh toán khi đến hạn do không bán được sản phẩm.

Tuy nhiên, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, tính đến thời điểm cuối năm 2011, tổng dư nợ cho vay bất động sản đã là 348.000 tỷ đồng. Như vậy, số nợ xấu bất động sản tại các ngân hàng cao gấp 8 lần so với số liệu do chính các ngân hàng này thông tin.

Số liệu công bố từ cơ quan Nhà nước cho thấy tồn kho cao thời điểm đầu năm đã giảm dần vào cuối năm, nhưng phía sau con số hàng tồn kho giảm ấy vẫn là bức tranh không mấy sáng sủa của cộng đồng DN. Bởi vì hàng tồn kho giảm còn có một nguyên nhân quan trọng là DN ngừng sản xuất tăng lên.
 

Trần Thủy