Với những giải pháp hỗ trợ kinh tế, giải quyết nợ xấu... mà Chính phủ dự kiến thực hiện, kinh tế 2013 sẽ có thêm những động lực để hồi phục nhanh hơn. Kinh tế 2013 dù chưa thể tăng trưởng mạnh nhưng sẽ có diện mạo tươi sáng hơn 2012, đây sẽ là năm bản lề cho giai đoạn phát triển mới.
Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc áp dụng thuế suất thuế Thu nhập DN 20% đối với DN có quy mô nhỏ và vừa, 10% đối với thu nhập từ đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội, giảm 50% số thuế giá trị gia tăng đầu ra đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội, giảm 50% tiền thuê đất năm 2013, 2014... là những giải pháp giúp cho cho các DN nhỏ và vừa cùng các hộ kinh doanh vốn chiếm trên 90% trong tổng số DN cả nước có điều kiện phục hồi sản xuất. Điều này góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ông Kiêm bày tỏ; “thời điểm áp dụng từ ngày 1/7/2013 cho thấy các DN sẽ còn phải đương đầu với khó khăn trong nửa đầu năm 2013”.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, ngoài các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, những dấu hiệu tích cực của kinh tế vĩ mô như lạm phát giảm, lãi suất ngân hàng giảm, tỷ giá ổn định... là những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sản xuất đi lên trong năm 2013.
Ông Kim nhấn mạnh, tôi cho rằng những ngành sản xuất dịch vụ có thế mạnh của Việt Nam như nông nghiệp, du lịch, sản xuất hàng tiêu dùng... sẽ đóng góp vai trò quan trọng thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế trong năm 2013.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bày tỏ quan ngại, năm 2013 cũng kế thừa từ năm 2012 quá nhiều vấn đề nan giải của nền kinh tế. Đó là nợ xấu của ngân hàng và tồn kho lớn của các DN. Nếu không giải quyết tốt 2 "điểm nghẽn" này giống như không thể "khơi thông dòng chảy" thì kinh tế khó có thể phục hồi.
Trong hoàn cảnh đó, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, các DN hình hiện nay nên tìm mọi cách giải quyết hàng tồn kho, thậm chí bán dưới giá qua đó thu tiền, giải quyết nợ nần. Bởi thu ngân sách không đạt kế hoạch đề ra nên rất khó có chuyện Nhà nước móc hầu bao ra hỗ trợ, vì thế các DN phải tự lo cho mình là chính. Phát huy nội lực và sáng tạo của chính mình.
Tiến sỹ Võ Trí Thành nhận định, năm 2013 rủi ro bất ổn kinh tế vẫn cao do ngân sách khó khăn, hệ thống ngân hàng đang ốm yếu. Bên cạnh đó là lòng tin đang ở mức thấp, nhất là lòng tin vào triển vọng ngắn hạn của sản xuất kinh doanh.
Vì thế, kinh tế 2013 không thể tăng trưởng mạnh là điều chắc chắn. Tuy nhiên, với các thành quả đã đạt được nhất là trong các ổn định vĩ mô như lạm phát thấp, tài chính – tiền tệ dần ổn đinh… thì hoàn toàn có thể tin rằng 2013 là năm bản lề cho những năm kế tiếp. Vì thế, Chính phủ cần tập trung duy trì ổn định vĩ mô, giữ tăng trưởng ổn định, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống của các tầng lớp dân cư.
Việc hạ chỉ số lạm phát xuống thấp hơn 2012 sẽ là thành công lớn và tạo điều kiện để qua đó hạ thêm lãi suất, giúp DN tiếp cận vốn dễ dàng, hiệu quả hơn, như vậy sẽ góp phần khôi phục sản xuất, tạo đà tăng trưởng. Bởi nguy cơ lạm phát quay lại không phải không có, việc thu phí giao thông đường bộ được thực hiện, nếu giá điện, xăng dầu... tiếp tục tăng sẽ là những nguyên nhân tiềm ẩn kéo lạm phát trở lại.
Theo các chuyên gia, ngoài ổn định chỉ số vĩ mô, thì một trong những vấn đề tạo động lực phát triển kinh tế là cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sử dụng công nghệ; đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và hiệu quả của chương trình tái cơ cấu.
“Ngoài ra, cần phải có những cải cách mạnh mẽ, thay đổi các chính sách từ chính phủ, DN nhà nước, đầu tư công, ngân hàng và giải quyết nợ xấu. Nếu chúng ta làm tốt thì còn có tiềm năng để tiếp tục phát triển. Nếu chúng ta làm không tốt thì nền kinh tế sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn năm 2012”, ông Lê Đăng Doanh nói.
Với các DN, ông Lê Đăng Doanh cho rằng năm 2013 vẫn cần tiếp tục tái cấu trúc. Với kinh nghiệm thời gian qua, chúng ta không nên nóng vội tăng trưởng nóng trở lại mà cần tập trung tái cấu truc smotj cách mạnh mẽ để tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Quá trình này sẽ còn kéo dài thêm 2-3 năm nữa mới nhưng khi đã tái cơ cấu thành công thì có bước đột phá mạnh mẽ và vững chắc hơn. Đó như là một thời gian tích lũy, chạy đà cho giai đoạn tăng trưởng mới.
Trần Thủy