Khó khăn từ 2012 sẽ kéo sang năm 2013 nhưng mức độ có thể không còn rộng lớn, nền kinh tế 2013 sẽ ổn định và có nhiều điểm sáng hơn. Đây là điểm chung của hầu hết các báo cáo của các tổ chức quốc tế, các tổ chức đầu tư về một năm mới đối với nền kinh tế Việt Nam. Niềm tin và sự lạc quan đã trở lại trong con mắt của các nhà đầu tư.
Bước tiến trong khó khăn
Một điều mà đa số các chuyên gia và tổ chức trong và ngoài nước không phủ nhận là nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiến những bước trong khủng khoảng, Có không ít điểm sáng đã được đề cập tới như lạm phát đã được kiềm chế, lãi suất đang trên đà giảm mạnh, kinh tế có nhiều dấu hiệu phục hồi… và qua đó thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ tiếp tục tăng điểm trong thời gian tới.
Trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng JPMorgan Chase nhận định thời điểm cuối tháng 12/2012, các hoạt động kinh tế của Việt Nam đã khởi sắc hơn nhiều so với thời điểm đầu năm. Sự khởi sắc này có được là do các điều kiện tiền tệ nới lỏng, giúp ích cho những lĩnh vực vốn nhạy cảm với lãi suất và tín dụng như xây dựng.
Dự báo về năm 2013, JPMorgan Chase vẫn cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ còn ở mức thấp, khoảng 5,2%. JPMorgan Chase cho rằng lạm phát của Việt Nam sẽ còn tăng trong những tháng đầu 2013 và đạt đỉnh vào khoảng giữa năm, nhưng khó có khả năng đạt mức hai con số.
Có thể nói, báo cáo mới nhất của tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, và đầu tư của Mỹ này đã có những nhận định tích cực hơn so với báo cáo trước đó vài tháng. Khi đó, JPMorgan Chase vẫn đưa ra dự báo cho rằng lạm phát trong tháng 12/2012 và trung bình năm 2012 khá cao (trung bình ở mức 9,7% trong năm sau, với mức đỉnh đạt 12% trong nửa đầu năm) và vì vậy dự báo NHNN sẽ giữ ổn định chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong những ngày cuối cùng của năm 2012, NHNN đã giảm 1% các lãi suất điều hành (tái cấp vốn còn 9%/năm, trần huy động 8%/năm) trên cơ sở lạm phát đã được kiểm soát tốt trong cả năm. Lãi suất cho vay ra cũng đang có xu hướng tiếp tục giảm.
Cũng có chung nhận định về lạm phát, Ngân hàng ANZ cho rằng, trong năm 2013, NHNN sẽ tiếp tục duy trì lập trường chính sách hiện tại, cân bằng giữa việc kìm giữ các kỳ vọng lạm phát và tạo thời gian để những lần hạ lãi suất vừa qua phát huy tác dụng.
Và theo ANZ, nếu hoạt động kinh tế diễn ra yếu kém hơn dự báo, Việt Nam hoàn toàn có thể nới lỏng thêm chính sách tiền tệ. Đây cũng là hướng đi được nhiều chuyên gia tính tới, trong điều kiện nếu lạm phát được duy trì ổn định ở mức thấp hơn.
Cũng khá lạc quan, nhiều tổ chức và chuyên gia trong nước cho rằng, 2013 sẽ là một năm tốt hơn so với 2012. Các điểm lý giải tập trung vào những biến chuyển tích vĩ mô tích cực gần đây như lạm phát ổn định, lãi suất giảm, tín dụng có tín hiệu tăng… và quan trọng hơn là nhận thức khó khăn và mong muốn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của Chính phủ.
Với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 là 12%, cao hơn nhiều so với 7% năm 2012 và động thái bơm vốn giải quyết nợ xấu, cứu BĐS ngay trong quý II/2012, nhiều nhà đầu tư tin tưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả các lĩnh vực không ưu tiên sẽ phục hồi trở lại.
Trả lời hãng tin tài chính Bloomberg, ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành VinaCapital, cho rằng, TTCK Việt Nam sẽ tăng vững trong năm 2013, chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm, để phản ánh mức tăng trưởng kinh tế được dự báo trong khoảng 5-6% và để cân bằng với các các thị trường ở Đông Nam Á.
Theo đó, giới đầu tư đang chờ đợi những chuyển biến tích cực hơn nữa nhờ động thái bơm vốn quyết vấn đề nợ xấu và cứu BĐS.
Những vướng mắc cần gạt bỏ
Mặc dù dự báo cho năm 2013 có nhiều điểm sáng, song hầu hết các tổ chức và chuyên gia vẫn khá thận trọng với một số vấn đề mà nền kinh tế gặp phải từ năm 2012. Đó là vấn đề cầu nội địa suy giảm, nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao, tồn kho của các doanh nghiệp chưa cải thiện nhiều và lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại.
Mấu chốt của các khó khăn hiện tại của cộng đồng các doanh nghiệp hiện nay chính là vấn đề hàng tồn kho. Đẩy nhanh giải quyết mấu chốt này, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS sẽ giúp nợ xấu giảm, kinh tế phục hồi tăng trưởng.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo ngại là nhiều loại tài sản trong đó có BĐS đang trong tình trạng bong bóng, cao hơn giá trị thật. Việc cải thiện cầu tiêu dùng, do đó, không dễ. Giải pháp bơm vốn có lẽ chỉ quyết các vấn đề bề nổi, trong khi gốc rễ nằm ở chỗ các sản phẩm cần được điều chỉnh giảm giá đề phù hợp với khả năng chi trả thực tế của người dân lại chưa được chính các doanh nghiệp tập trung giải quyết.
Một số chuyên gia cho rằng, quả bom nợ xấu vẫn đang nằm đó và dường như vẫn đang ngày càng phình to khiến nhiều ngân hàng vẫn chưa thoát ra khỏi tình cảnh điêu đứng, nguy cơ đổ vỡ vẫn còn.
Gần đây, những con số về hàng tồn kho được phát ra theo chiều hướng giảm thực chất là do các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khó khăn bi đát, thậm chí đã chết nên sản xuất đình trệ.
Để giải quyết tình trạng này, nền kinh tế cần đổi mới, tái cấu trúc để phát triển bền vững hơn. Quá trình tái cấu trúc đang được thực hiện. Tuy nhiên, đây mới là bước đầu. Nền kinh tế cần thêm thời gian để có thể bước sang một mô hình phát triển về chất.
Trong một dự báo gần đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng tình trạng khó khăn của kinh tế toàn cầu còn kéo dài sẽ tác động tiêu cực khiến giá hàng hóa trên thị trường thế giới trong đó có Việt Nam. Và giá cả có thể tiếp tục tăng trong năm 2013.
Lạm phát được cho là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng kinh tế rối ren trong vài năm gần đây. Nếu lạm phát cao quay trở lại, khó có thể nói điều gì sẽ xảy ra. Sức ép lạm phát có thể khiến cho Chính phủ khó khăn trong việc ban hành các chính sách kinh tế thích hợp để thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân.
Mạnh Hà