Từ 1/1, rượu không có nhãn mác sẽ trở thành rượu lậu. Cũng vì thế ai đã mua rượu quê từ trước đó bỗng dưng thành "tiêu thụ, tàng trữ hàng lậu".

Tồn hàng trăm lít "rượu lậu"

Nghị định (NĐ) số 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh rượu thì đến ngày 1/1/2013, các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.

Chủ quán vịt Vân Đình ở ngõ 360 đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) Nguyễn Anh Tuấn cho biết: “Tôi bán hàng vào buổi tối, ngày thì ngủ, chưa biết Nghị định 94 là thế nào nhưng tôi cũng nghe láng máng là bán rượu phải có nhãn mác Tuy nhiên, cửa hàng của chúng tôi nhập hàng trăm lít rượu từ các cơ sở sản xuất rượu thì bán trong vòng 1 tháng làm sao hết được. Không chỉ có vậy, khách họ mang rượu tự nấu ở nhà ra quán mình uống không nhãn mác chẳng nhẽ mình cấm, nếu không cấm thì thành tiếp tay cho việc tiêu thụ rượu lậu à?”.


Cùng chung nỗi băn khoăn trên, Bà Hồng chủ quán rượu ốc ở tổ 12 Khương Đình bức xúc: “Nói thật lòng dù có dán nhãn mác mà cơ quan chức năng không thường xuyên kiểm tra thì cũng bằng không. Nếu lấy chai rượu có nhãn mác rồi đổ rượu bán thì phân biệt thế nào?. Nhiều công ty rượu còn bị các cơ sở sản xuất làm rượu nhái, rượu giả tràn lan ra đấy còn chưa xử lý nổi huống hồ đây là các hộ gia đình nhỏ lẻ”.

Bỗng dưng thành "tàng trữ, tiêu thụ hàng lậu"

Nếu hiểu theo nghị định 94 thì rượu quê dù có biết rõ nguồn gốc mà không có nhãn mác sẽ trở thành rượu lậu. Như vậy, những ai biếu, tặng, mua bán, sử dụng loại rượu này bỗng dưng đều có nguy cơ phạm pháp.

Anh Trần Hoài Nam ở G7 Thành Công cho biết: "Bỗng nhiên mấy hũ rượu thuốc nhà tôi trở thành hàng lậu. Mà tôi tin rằng nhà nào chả có vài bình rượu ngâm thuốc để uống, để xoa bóp...kể cả nhà các lãnh đạo. Mấy thứ đó thì làm gì có nhãn mác. Như vậy là bỗng dưng nhà nhà, người người tàng trữ rượu lậu".

Trao đổi với PV, Luật sư Mai Đức Tân (Công ty Luật hợp danh –Incip – Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: “Người bán và người uống rượu nấu không phải là người tiếp tay cho rượu không có nhãn mác. Việc uống rượu là tự do của mọi người. Uống bao nhiêu thì uống, luật không cấm, tuy nhiên phải đảm bảo tính mạng của mình và người khác, đặc biệt là trong tham gia giao thông”.

“Theo tôi được biết, Nghị định 94 không cấm người bán rượu “quốc lủi” (rượu nấu) và không cấm người uống rượu này. Tuy nhiên, người sản xuất rượu này phải có giấy phép, nếu không sẽ bị xử lý vi phạm. Trường hợp người mua từ cơ sở sản xuất không có giấy phép kinh doanh về để kinh doanh tiếp và bán cho người tiêu dùng là tiêu thu hàng lậu. Còn việc người nấu chỉ dùng để uống và biếu một ít cho người thân để uống thì luật không cấm ”, luật sư Tân nói.

(Theo KT)