Nể nang, tin tưởng hay choáng trước sự hoành tráng của doanh nghiệp rồi muốn có một chút lợi nhuận, không ít người thân, bạn bè, anh em của các ông chủ doanh nghiệp đã đầu tư, vay mượn tiền bạc, thậm chí thế chấp nhà cửa bảo lãnh cho doanh nghiệp lấy vốn làm ăn. Nhưng DN phá sản, bỗng chốc họ trở thành chủ nợ, con nợ bất đắc dĩ. Không ít trong số họ đã mất nhà, ra đường thậm chí phải hầu tòa.
Tiền mất, tật mang
Chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết, căn nhà trong ngõ 250 Kim Giang (phường Đại
Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không khí buồn thảm. Đã nhiều ngày nay, hai vợ
chồng ông Cung Văn Nghị và bà Đỗ Thị Như không thiết ăn, ngủ.
Ông Nghị nói như khóc: “Vợ chồng tôi có mảnh đất làm của để dành. Chú hàng xóm
lâu năm nay mở DN nói là làm ăn lớn cần vốn nên vợ chồng tôi cho mượn sổ đỏ, có
giấy tờ đàng hoàng, nào ngờ…”.
Chú hàng xóm mà ông Nghị nói đến là ông V.T.Đại, Phó giám đốc Công ty cổ phần
dịch vụ và thương mại Đại Nhật ở ngõ chợ Khâm Thiên, Hà Nội.
Bà Như òa khóc kể: “Hôm ấy tôi còn đang bán hàng ở chợ, chú ấy thuê xe đưa ông
nhà tôi lên chợ mời tôi đi luôn, nói đến chỗ công chứng cho chú ấy mượn sổ đỏ đi
thế chấp ngân hàng lấy vốn làm ăn. Tôi thật thà người ta đưa gì ký nấy chứ có
đọc đâu, tin chú ấy vay một năm rồi trả sổ”.
Không được một đồng tiền lãi, cũng chẳng biết mặt mũi công ty của ông Đại ra
sao, vợ chồng ông Nghị tin tưởng bởi thấy ông Đại có nhà cửa ngay cạnh, lại có
thêm 3 căn hộ bên khu đô thị mới Định Công. Cho mượn sổ xong, thi thoảng vợ
chồng ông Nghị vẫn thấy ông Đại lái xe láng cóng đi về nên yên tâm không nghĩ gì
đến cuốn sổ đỏ đang nằm ở ngân hàng.
Gặp ông Nghị tại Văn phòng luật Interla nơi ông đang cầu cứu sự tư vấn của luật
sư Trương Quốc Hòe, ông Nghị hoang mang: “Ngân hàng khởi kiện công ty nhưng tôi
là người bảo lãnh cho công ty vay tiền, vậy công ty mà biến mất không biết tôi
có mất nhà hay không? Lẽ nào chỉ vì tin người mà nay chúng tôi phải ra đường vì
mất nhà?”.
Luật sư Trương Quốc Hòe cho hay, việc này không phải quá hiếm, thậm chí còn khá
phổ biến và không ít người đã mất nhà vì đứng ra bảo lãnh cho người khác hay
công ty thế chấp tài sản của mình để vay vốn ngân hàng.
Tình trạng tồi tệ hơn ông Nghị, bà Trần Thị Hồng Hạnh, chủ cơ sở chế biến gỗ trên đường Phạm Hùng – Hà Nội đã phải tha phương cầu thực vì đứng ra huy động vốn cho DN của em trai.
Bà Hạnh sụt sùi: “Em trai tôi làm ăn vươn tận bên Lào, Campuchia nên vốn phải rất trường. Nghe lời em, tôi thế chấp nhà cho em vay 4 tỷ. Năm 2011 thấy em bị nợ vốn quá nhiều, tôi lại vay thêm cho em gần 10 tỷ. Giờ thì nhà cũng mất, bạn bè anh em quây đòi nợ tối ngày nên tôi phải tạm lánh khắp nơi mà công ty của em tôi cũng không có cửa phục hồi nên nó đang làm thủ tục xin phá sản”.
Bà Hạnh kể, khi vay tiền, em trai bà không nghĩ sẽ có ngày hôm nay nên hứa hẹn rất chắc chắn khiến bà yên tâm. Thấy cả gia đình trông vào doanh nghiệp của em nên bà chạy vạy vay tiền cho em lấy vốn xoay xở trong lúc khó khăn. Theo bà Hạnh, số tiền bà vay cũng chủ yếu của người thân, hàng xóm và anh em trong gia đình.
Ra tòa vì làm phúc
Khi nhận được thông báo của ngân hàng về việc kiện công ty Đại Nhật ra tòa vì chậm trả nợ với số tiền lên tới gần 3 tỷ đồng, vợ chồng ông Nghị tá hỏa đi tìm ông Đại thì cả người lẫn công ty đã bốc hơi không còn dấu vết.
Chỉ sau một tuần, ông Nghị hốc hác và phờ phạc: “Tôi tìm hiểu và được biết, hồ sơ kiện của ngân hàng đã nằm ở tòa án. Vì vợ chồng tôi đứng ra bảo lãnh cho công ty Đại Nhật nên nếu công ty không trả được nợ, ngân hàng sẽ bán nhà của tôi để lấy lại khoản tiền cho vay. Như vậy vợ chồng tôi sẽ mất nhà vì không biết ông Đại và công ty giờ ở nơi nào”.
Chạy hỏi khắp nơi, ông Nghị thẫn thờ khi biết tất cả bất động sản của ông Đại giờ đã nằm trong ngân hàng hoặc thuộc về chủ khác. Ông cầm chắc sẽ ra đường trong nay mai, không còn biết bấu víu vào đâu.
Chưa bị khởi kiện ra tòa song bà Hạnh luôn trong tâm trạng sẵn sàng lĩnh án. Với số tiền gần 10 tỷ huy động cho em trai, bà không thể khắc phục một phần nhỏ bởi căn nhà của bà cũng đã thế chấp ở ngân hàng và quá hạn đã lâu. Bà Hạnh chấp nhận: “Vì thương em nên tôi đã mù quáng nghe lời huy động vốn cho nó, nay thế này tôi có đi tù cũng đáng bởi đã làm bao người chết theo mình”.
Luật sư Trương Quốc Hòe chia sẻ: “Thời gian gần đây có khá nhiều khách hàng xin tư vấn, bảo vệ trước việc đứng ra bảo lãnh thế chấp, cho vay DN. Có người đã mất cả căn nhà mặt đường Trương Định vì hình thức cho mượn tài sản như vậy. Đây là hình thức huy động vốn không mới, chủ yếu lợi dụng vào lòng tin hoặc một chút hám lợi của người có tài sản song hậu quả lại vô cùng to lớn”.
Ông Hòe cảnh báo những người có tài sản cho mượn, bảo lãnh thê chấp ngân hàng nên xem lại ngay hình thức cho vay, mượn và tìm hiểu các thủ tục pháp lý để bảo vệ mình khi cần thiết, tránh để tình trạng rủi ro xảy ra.
Song Linh