- Trong khi nông dân nuôi cá tra kêu thiếu vốn thì các báo cáo của ngân hàng cho thấy có hàng chục ngàn tỷ cho vay phát triển ở lĩnh vực này. Vậy tiền đi đâu?


Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề cập, Ngân hàng Nhà nước cho vay 9 tháng đầu năm đối với hoạt động nuôi trồng, thu mua, chế biến thủy sản Khu vực ĐBSCL đạt trên 38.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế người nuôi cá tra nơi đây rơi vào thảm cảnh nông dân treo ao đầm, doanh nghiệp sống ngắc ngoải… vì thiếu vốn.
 
Ngành cá tra chết khô
 
Ông Nguyễn Hữu Nguyên – Chủ nhiệm HTX thủy sản Châu Phú, tỉnh An Giang - cho biết, đến nay cơ bản các hộ dân nuôi cá tra nhỏ lẻ đã không còn cá để bán. Người dân, HTX đồng loạt treo ao, tát đầm, không có nguồn vốn để tái sản xuất. Trong khi đó, vốn vay ngắn hạn của ngân hàng đều có giới hạn. Các doanh nghiệp bán thức ăn cho cá tra hoạt động cầm chừng, không có tiền là không thể mua được thức ăn. Dẫn đến hệ lụy nông dân phải bán “cá non” để kịp thời trả tiền đáo hạn ngân hàng…
 
Theo ông Nguyên, gần tháng qua, các DN chế biến thủy sản ‘án binh bất động’, không thấy bóng dáng đi mua cá của người nông dân. Đến thời điểm hiện nay cũng rất còn ít hộ nông dân có cá tra để bán. DN ngưng mua, dẫn đến giá cá tra rớt thảm. Bình quân giá cá tra giao động từ 20 đến 21.500 đồng/1kg, tính ra người nuôi cá lỗ từ 2 đến 3.000 đồng/1kg.
 
 Báo cáo của Bộ NN&PTNT gửi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cần lãm rõ Ngân hàng Nhà nước đã cho vay 38.000 tỷ đồng – (Ảnh: Q.Huy)

Không chỉ HTX Châu Phú khó khăn mà còn nhiều HTX nuôi trồng thủy sản khác bị thu hẹp vùng nuôi, dẫn đến nguy cơ giải thể là rất cao. Không những thế, nhiều DN chế biến thức ăn cho cá tra ở Cần Thơ, Tiền Giang,… cũng lâm vào cảnh bị ngân hàng xiết nợ.
 
Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX Thới An, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ - cho biết, chưa từng thấy năm nào người nuôi cá phải đối mặt nhiều thách thức và khó khăn như năm nay. Người nông dân bán cá đều than lỗ, bởi các nguồn vốn vay ngắn hạn lãi suất 13%/năm.
 
Người nuôi cá tại các tỉnh ĐBSCL ‘treo ao’ vì thiếu vốn sản xuất – (Ảnh: Q.Huy)

Người nuôi cá tại các tỉnh ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng giá thức ăn tăng cao, điện, xăng dầu, lãi suất ngân hàng, lương công nhân và nhiều chi phí khác. Trong lúc đó, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cơ bản người nông dân nuôi cá nhỏ lẻ không thể tiếp cận được vốn.
 
Ông Hải cho biết, thời kỳ vàng son của HTX Thới An là vào năm 2009 – 2010, có đến 60 ao cá được nuôi trồng, trãi khắp các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, đến năm 2011 chỉ còn 20 ao cá và nay chỉ còn 10 ao cá. Sản lượng năm 2012 chỉ còn khoảng 1.500 tấn cá. Ngoài ra, công nhân có thời điểm lên đến hàng trăm người, nhưng nay chỉ còn 20 người.
 
Cũng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho vay trong khoảng thời gian từ 15/8 đến 30/10/2012, số vốn nuôi, chế biến cá tra lên đến 10.354 tỷ đồng.
 

 Dụng cụ sản xuất tấp lên bờ hoen gỉ - ( Ảnh: Q.Huy)

Vốn đổ vào bất động sản?
 
Ông Nguyễn Ngọc Hải tiếp tục chỉ ra những bất hợp lý khi các ngân hàng vẫn ưu tiên, hỗ trợ cho người nông dân nuôi cá tra. Tuy nhiên, nhiều DN thủy sản đã lợi dụng nguồn vốn vay hỗ trợ, lập dự án khống để đầu tư bất động sản.
 
Cụ thể, những người nông dân thực sự cần vay vốn để đầu tư nuôi tôm, cá tra thực sự thì không vay được số tiền lớn để đầu tư. Trong khi đó, có rất nhiều DN thủy sản tại Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL vay được số tiền lớn, bằng những dự án ưu đãi từ sự tiếp tay của các ngân hàng.
 
“Trong tổng số vốn 38.000 tỷ đồng mà ngân hàng cho ngành thủy sản vay vốn trong năm 2012, những người nông dân thật sự nuôi cá chỉ vay được khoảng 30% trong số vốn này. Còn lại, số tiền 70% còn lại được DN lập nên dự án để vay số tiền ưu đãi này của Nhà nước và đầu tư vào bất động sản, như: Nhà đất, xe hơi, chơi chứng khoán,…”, ông Hải cảnh báo thực trạng DN thủy sản vay vốn thủy sản sử dụng sai mục đích.
 
Ông Hải còn cho biết, có rất nhiều DN vay tiền bằng các dự án thủy sản và lấy tiền sử dụng sai mục đích là rất nhiều. Khi ngân hàng ngừng cho vay, không thể đáo hạn nguồn vốn và dẫn đến hàng loạt DN thủy sản bị phá sản trước thực trạng thị trường bất động sản đóng băng.
 
Cánh đồng nuôi cá tra đang bị thu hẹp, nông dân và doanh nghiệp thủy sản lâm vào cảnh khốn đốn – (Ảnh: Q.Huy)

Để dẫn đến nguồn vốn sử dụng sai mục đích, ông Hải còn chỉ ra, thực tế nhiều DN thủy sản ở ĐBSCL đã được ưu ái vay vốn nhiều năm nay. Nhưng khi không thể chống đỡ lại các nguồn đầu tư sai mục đích, dẫn đến DN rơi vào cảnh nợ nần và phá sản là tất yếu.
 
Điều đáng nói, chỉ thiệt thòi cho những người nông dân nuôi cá thực sự và làm giàu từ con cá. Khi nguồn vốn họ thực sự cần đã không thể đến nơi người nông dân tần tảo ‘một nắng hai sương’
 
“Đề nghị Nhà nước và Chính phủ có lãi suất ưu đãi hơn cho ngành nông nghiệp nói chung và nghề nuôi cá nói riêng tại khu vực ĐBSCL. Cụ thể là giảm lãi suất từ 13% xuống khoảng 10 đến 11% là vừa. Đồng thời cần có chính sách của các ngân hàng cho vay thêm vốn trung hạn và dài hạn. Từ đó, người nuôi cá không phải bán “cá non” để kịp thời trả lãi, tiền đáo hạn ngân hàng” – ông Nguyễn Ngọc Hải mong muốn.
 
Ngoài ra, Bộ NN cũng đề xuất, cần nghiên cứu các khoản vốn vay ngắn hạn sang trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ cá tra. Đồng thời cần làm rõ tổng vốn vay thực tế như báo cáo của Ngân hàng là trên 38.000 tỷ đồng.
 
Quốc Huy