Khi giá đắt đỏ, tăng vù vù… mà lương thưởng hạn hẹp thì việc mua sắm Tết sao cho vừa với thu nhập eo hẹp của mình đang là chuyện “canh cánh bên lòng” của không ít gia đình. Nhiều người đã tính đến các phương án mua sắm tiết kiệm để đón tết.
Đau đầu chọn quà tết ít tiền mà hợp ý
Bán tháo nhà đất trả nợ, lấy tiền tiêu Tết
Săn quà quê biếu tết sếp
Tết đến với những món ăn truyền thống thì không thể thiếu các mặt hàng thực phẩm khô như măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương… Thời điểm rậm rịch gần Tết Nguyên Đán, các mặt hàng này đang có xu hướng tăng mạnh khiến nhiều bà nội trợ lo lắng.
Chị Nguyễn Hòa, làm việc tại một công ty kinh doanh điện tử trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội than thở: “Toàn những mặt hàng thiết yếu trong này tết cả, không mua không được. Nhà mình dùng không nhiều, mỗi loại chỉ mua từ 1 – 2kg vừa ăn vừa biếu nên mọi năm cứ gần Tết mới mua ở mấy chợ bán lẻ gần nhà. Dù biết là đắt hơn nhiều nhưng được cái tiện vì không có thời gian. Năm nay, cái gì cũng đắt lên mà tiền thì ít đi nên cứ mua sắm như mọi năm chắc không ổn.”
Đem nỗi niềm bày tỏ với các chị em trong công ty, chị Hòa cũng nhận được những lo lắng tương đồng. Vậy là mấy chị em nảy ra ý tưởng chung nhau tiền để đi chợ đầu mối sắm hàng Tết cho rẻ”.
Chị Hòa cho hay, theo như tìm hiểu của chị em công ty thì mua hàng ở chợ đầu mối Đồng Xuân có thể sẽ rẻ hơn được gấp rưỡi so với giá bán lẻ tại các chợ bán lẻ bên ngoài. Nhưng ngặt một nỗi, ở chợ Đồng Xuân chỉ bán buôn, mua ít nhất phải tầm từ 5 - 10kg trở lên thì người ta mới chịu bán hàng.
Vậy là vận động chị em trong công ty, mỗi người lấy một ít tùy theo như cầu của từng gia đình, vừa ăn vừa biếu người thân, mấy chị em tranh thủ ngày nghỉ lên gom một loạt hàng dự trữ cho Tết.
Chị Hòa cho biết: “Mình mua măng củ khô loại ngon ở đây giá là 240.000 đồng/kg, rẻ hơn gần trăm ngàn so với mua lẻ hàng ở chợ lẻ mà lại có nhiều loại để lựa chọn nữa. Tính ra mua cả chục cân cũng tiết kiệm được một khoản kha khá, mấy chị em có thêm tiền mua những mặt hàng khác nữa. Theo đó, các mặt hàng như miến, mộc nhĩ,… cũng được chị em trong cơ quan góp tiền vào mua chung như vậy”.
Bác Hoàng Ngọc Bích (khu tập thể E6, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) cho biết do kinh tế khó khăn nên từ năm ngoái gia đình bác đã áp dụng chính sách mua chung triệt để.
Bác Bích có ba người con, thời điểm cuối năm con cái bận công việc không có thời gian sắm Tết, những thực phẩm cần thiết cho Tết khi mua chuẩn bị tế cho gia đình tiện bác cũng sắm luôn cho các con để tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.
Như gia đình bác Bích, Tết đến nhu cầu mua các loại hạt dẻ, hạt bí, mứt Tết để tiếp khách là không thể thiếu. Nhà đông con cháu nên nên có năm dùng đến 2-3kg hạt dẻ vẫn hết như thường. Thế nên thời điểm cách Tết Nguyên Đán hơn một tháng nữa, bác đã lên dần danh sách những thứ cần mua để cuối tuần rảnh rỗi, con dâu hoặc con gái sẽ chở bác đi sắm một lượt.
“Tôi hay ra các khu chợ đầu mối, nhất là chợ Đồng Xuân, mua nhiều một lần như vậy với số lượng lớn nên giá chỉ bằng tiểu thương bán buôn cho các chợ lẻ thôi. Sau đó về chia ra, đóng vào từng gói cho gia đình mỗi đứa theo nhu cầu. Mất công chút nhưng tiết kiệm được cho các con, hơn nữa mình về hưu, không có việc gì làm, rảnh rang thì giúp chúng nó bớt được đồng nào hay đồng ấy để chúng còn có thêm tiền lo Tết cho con cái trong lúc khó khăn như thế này”, bác chia sẻ.
Đi chợ quê cho tiết kiệm
Được nghỉ Tết dương lịch về quê, chị Thu Hiền (khu tập thể Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở, Đống Đa, Hà Nội) đã tranh thủ đặt hàng, mua sắm những thực phẩm cho dịp Tết Nguyên đán đang đến cận kề.
“Ở quê, mọi người cũng kêu là dạo này hàng hóa đắt đỏ quá nhưng tính ra thì vẫn rẻ hơn nhiều so với mua ở trên Hà Nội. Vì vậy, đợt rồi mình tranh thủ mua sắm những thứ cần thiết luôn, một công đôi việc. Một loạt đồ khô như miến, măng, mộc nhĩ, nấm hương … mình tranh thủ mua mang lên Hà Nội. Ngoài ra, mình còn nhờ người nhà đặt 2kg giò lụa với 5 con gà đến gần Tết thì gửi lên sau”.
Theo chị Hiền thì những thứ cơ bản cần sắm cho Tết này nhà chị cũng hòm hòm rồi. Đặt nhà người quen nên vừa rẻ mà lại chất lượng hơn hàng mua vội ngoài chợ trên này. Còn bánh kẹo, mứt Tết, bia rượu thì đến gần Tết chị vào siêu thị sắm là xong.
“Năm nay, thưởng Tết không nhiều nên sắm gì mình cũng phải cân nhắc. Ngoài việc tìm nguồn hàng giá rẻ, chất lượng đảm bảo, cái gì không cần thiết có thể cắt giảm bớt đi. Nhất là khâu trang trí nhà cửa, đào quất đắt đỏ quá thì cũng không quan trọng nữa”, chị Hiền cho hay.
Chị Hà Mai Chi, làm kế toán tại một công ty vận tải trên đường Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết để sắm cái tết cho gia đình trong hoàn cảng thu nhập eo hẹp, chị đã nhờ cô bạn thân quê Lạng Sơn mua giùm ít hạt dẻ, hạt dưa gửi xuống để dùng vào dịp Tết.
“Mua thế này rẻ hơn được nhiều lắm, hạt dẻ trên đó chỉ có 100.000 đồng/kg hạt sống. Mình mang về tự luộc rồi rang, mất công nhưng mà nghĩ đến ở đây mua tới gần 300.000/kg thì tiền đâu mà mua được nhiều”, chị nói.
Chị Mai Chi còn cho biết thêm mọi thực phẩm năm nay chị đều nhờ mẹ đặt sẵn ở quê. Các loại bánh kẹo, giỏ quà Tết, bia rượu…. chị cũng chưa vội mua ngay mà ngóng xem có các đợt khuyến mại, giảm giá ở các siêu thị thì mới mua sắm.
Không ít người được hỏi trong thời lương thưởng tết đều giảm thì việc tìm cách mua được hàng là điều ai cũng muốn bởi theo mọi người cả năm chỉ có mấy ngày Tết nên dù có cắt giảm thứ này hay thứ khác cũng không thể sơ sài quá được. Nhưng trong lúc giá cả leo thang mà túi tiền thì eo hẹp thế này thì ai nấy đều phải liệu cơm gắp mắm.
Bảo Hân