Dịp Tết cũng là thời điểm các đối tượng buôn bán, vận chuyển, sản xuất các loại hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng tăng cường hoạt động... gây thiệt hại cho người tiêu dùng và làm rối loạn thị trường...


Từ mỹ phẩm tới thực phẩm

Ngày 9/1, Công an Hà Nội phát hiện hơn 2,5 tấn mỹ phẩm nhập lậu tại nhà của Nguyễn Văn Luận (SN 1982, ngụ tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm). Luận không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng, cũng như không xuất trình được giấy phép kinh doanh mặt hàng này. Số mỹ phẩm phát hiện tại nhà Luận gồm nhiều chủng loại như dầu gội đầu, thuốc ủ tóc, sữa tắm...mang nhãn mác của nhiều nước như nhưng thực chất đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ước tính tổng trị giá của lô hàng trên khoảng 300 triệu đồng.

Cũng trong ngày 9/1, lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện xe ô tô loại 8 tấn BKS 29C-189.15 chở hơn 1.000 đôi giày mang 2 thương hiệu Adidas và Nike nghi vấn bị làm giả, nhập lậu vào Việt Nam. Chủ hàng thừa nhận mua số giầy trên ở khu vực cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Ngày 18/12, cơ quan công an thu giữ 248 bao kiện hàng hóa hơn 10 tấn hàng lậu tại ga Hà Nội. Trước đó, ngày 19/10, lực lượng chức năng bắt giữ 10 xe tải chở hàng lậu với gần 30 tấn hàng trên phố Nguyễn Tư Giản...

Hơn 2,5 tấn mỹ phẩmbị thu giữ  trong ngày 9/1. (Ảnh: Tiền phong)

Chỉ trong khoảng 4 tháng cuối năm 2012, Đội chống buôn lậu và buôn bán hàng cấm, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP. Hà Nội đã phát hiện gần 100 vụ buôn lậu các loại hàng hóa. Trong số đó, có rất nhiều vụ bắt giữ với số lượng lớn .

Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, tình hình vận chuyển, sản xuất hàng lậu, hàng giả những ngày cuối năm diễn biến rất phức tạp. Năm nay, nhiều thủ đoạn buôn lậu mới được phát hiện. Các đối tượng đã trộn hàng lậu, hàng giả, đặc biệt là hàng nhập lậu giá rẻ từ nước ngoài gắn nhãn của nhà sản xuất trong nước thu lợi bất chính.

Các đối tượng nhập hàng lậu từ biên giới Trung Quốc về Hà Nội còn sử dụng hình thức vận chuyển tinh vi. Nếu trước đây các đối tượng thường dùng xe tải được bịt bạt kín để chở hàng lậu thì giờ họ dùng cả xe tải trọng lớn, xe chuyên chở đất, đá để vận chuyển; có đối tượng còn thuê xe 5-7 chỗ, chở 3-4 kiện hàng một lần chuyển thẳng đến địa điểm nhận hàng. Các xe chở hàng còn được thiết kế để đảo biển, khi xe đi đến địa phương nào sẽ đổi biển kiểm soát của địa phương đó nhằm hòa lẫn với xe vận tải thông thường trong tỉnh, tránh sự kiểm soát của công an.

Còn tại TP, HCM, trong năm 2012, Quản lý thị trường Thành phố đã kiểm tra 15.532 vụ chuyên ngành và phối hợp liên ngành, tăng 180 vụ so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, lực lượng QLTT đã xử phạt 4.181 vụ, thu trên 114 tỷ đồng, đồng thời chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý 11 vụ gồm: 2 vụ thuốc lá, 6 vụ hàng nhập lậu, 2 vụ xuất hóa đơn khống và 1 vụ hàng giả, tổng trị giá 43,65 tỷ đồng hàng hóa.

Đa phần số vụ mà lực lượng QLTT TP.HCM kiểm tra trong năm là buôn bán, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, nhiều nhất là hàng tiêu dùng Trung Quốc do giá rẻ, đa dạng. Có nhiều nguồn hàng nhập lậu vào TP.HCM như: bằng đường bộ từ các tỉnh biên giới Việt Nam với các nước xung quanh; nguồn hàng nhập khẩu chính ngạch do khai gian chủng loại, số lượng, xuất xứ; hàng xách tay từ nước ngoài về theo đường hàng không, tàu viễn dương; trong đó nguồn hàng đi đường bộ từ miền Bắc vào chiếm phần lớn. Tổng số hàng nhập lậu đã tạm giữ xử lý gồm có 2,9 triệu đơn vị sản phẩm, 376.000kg, 8.529 lít các mặt hàng như bia, rượu, sữa nước, thực phẩm, quần áo, điện thoại di động, mỹ phẩm, phụ tùng linh kiện....

Điểm nóng rượu giả

Theo Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội, điểm nóng về hàng giả năm nay là rượu giả. Lực lượng lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện nhiều ổ nhóm sản xuất và kinh doanh các loại rượu không có tem hoặc tem nhãn giả. Chỉ trong hơn 20 ngày ra quân cao điểm, lực lượng chức năng thu giữ hơn 10.000 lít rượu giả. Trong đó cả rượu vang, rượu kém chất lượng được gắn tem, mác rượu ngoại. Số tem rượu ngoại giả thu giữ được phải tính bằng cân.

Rượu ngoại dán tem giả bị thu giữ.

Trưa 4/1, Công an TP. Hà Nội phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ một lượng lớn nguyên liệu sản xuất nước ngọt, rượu không rõ nguồn gốc (chất tạo mùi, màu) tại Công ty TNHH chế biến thực phẩm Thanh Mai - chuyên sản xuất nước ngọt, rượu các loại (xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội). Cơ quan chức năng còn phát hiện đường Cyclamate (loại đường không nằm trong danh mục các chất phụ gia dùng trong thực phẩm, gây hại đến sức khỏe người sử dụng).

Cuối tháng 12/2012, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP Hà Nội và lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở sản xuất rượu vang, nước giải khát Thiên Long ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội được làm từ phẩm mầu, nước giếng khoan và cồn công nghiệp... Chủ cơ sở xuất không chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu chế biến.

Trước đó, Đội QLTT số 11 phối hợp với Cảnh sát kinh tế (Công an quận Tây Hồ) đã kiểm tra, phát hiện một cơ sở làm rượu vang giả với quy mô lớn tại ngõ 38, Xuân La, Tây Hồ. Có hơn 10.000 chai rượu vang giả với các nhãn hiệu Bordeaux, Chile đã được đóng gói thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường. Ngoài ra, còn một lượng lớn rượu vang đóng trong túi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Các đối tượng khai nhận đã dùng rượu vang Đà Lạt, vang đóng túi không nguồn gốc để sang chiết, đóng chai, dán nhãn mác giả các thương hiệu đang bán chạy để thu lời. Cơ quan chức năng cũng thu giữ một lượng lớn bao bì, nhãn mác các loại rượu vang nhập ngoại và hàng nghìn tem chống hàng giả.

TP. Hồ Chí Minh luôn được coi là một thị trường màu mỡ, hốt bạc của giới buôn lậu và làm hàng giả. Vào dịp giáp Tết Nguyên đán, rượu ngoại theo đường nhập lậu từ các tỉnh biên giới Tây Nam được đưa về thành phố với số lượng ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, các loại rượu giả cũng xuất hiện rất nhiều trên thị trường.

Cuối tháng 12/2012 và đầu tháng 1/2013, lực lượng quản lý thị trường quận Tân Bình và huyện Củ Chi (TP. HCM) đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển rượu ngoại không có tem nhập khẩu, không có hóa đơn chứng từ từ khu vực biên giới về. Các vụ bắt giữ nhiều chai rượu ngoại trên xe khách, xe buýt đều không có người đứng ra nhận là chủ hàng.

Tình hình nhập lậu và sản xuất rượu giả hiện vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi hơn. Có khoảng 60-70% lượng rượu lậu trên thị trường hiện nay được nhập vào nước ta qua tuyến biên giới Tây Nam, miền Trung và gian lận thương mại khi làm thủ tục thông quan, tạm nhập tái xuất. Tình trạng buôn lậu, vận chuyển rượu không có hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc cũng có nhiều thay đổi nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Tem rượu giả được sản xuất tinh vi, được nhập lậu qua đường tiểu ngạch, rất khó phân biệt bằng mắt thường.

Hạnh Giang