Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Giá điện, giá xăng dầu phải minh bạch, công khai hơn nữa. Làm sao đừng để những vấn đề không đáng thành vấn đề bức xúc”.
Những vấn đề dân sinh như giá điện, giá xăng dầu đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quan tâm nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết ngành công thương năm 2012 diễn ra sáng 11/1.
Báo cáo tại hội nghị, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tiếp tục than phiền về cơ chế giá xăng dầu.
Ông cho biết: “Năm 2012, giá xăng dầu bán lẻ trong nước tương đối ổn định. 6 tháng đầu năm, vì mục tiêu giảm thiểu lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên Nhà nước đã cắt thuế, huy động nguồn vốn lớn từ Quỹ bình ổn”.
“Tuy nhiên, việc bình ổn giá kéo dài, sử dụng công cụ bình ổn giá mạnh quá như vậy cũng đã gây áp lực lớn lên DN xăng dầu. Giá không vận hành thị trường. Dư luận cũng đặt vấn đề sửa Nghị định 84 vì giá lên nhanh, giảm chậm”, ông Bảo nói.
Theo phân tích của ông Bảo, vì đã giảm thuế từ trước nên khi giá quốc tế giảm, Nhà nước lại tăng thuế để hồi phục nguồn thu nên không còn điều kiện giảm giá bán lẻ trong nước nữa. Tuy giá ổn định nhưng xăng dầu vận hành thị trường hay chưa thì cần xem xét.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Phạm Huyền) |
“Chúng tôi cho rằng nên ổn định mức thuế trong chu kỳ 6 tháng để đảm bảo giá theo thị trường”, vị Chủ tịch Petrolimex nói.
Bên cạnh đó, vị chủ tịch này tiếp tục bày tỏ bức xúc về những yếu tố lạc hậu, lỗi thời trong cách tính giá xăng dầu hiện nay, như việc duy trì quá lâu mức phí kinh doanh ấn định 600 đồng/lít. “Việc thay thế, sửa đổi đã bàn từ năm 2009 mà đến nay, vẫn chưa xong”, ông Bảo than thở.
Năm 2012, sản lưởng tiêu thụ xăng dầu giảm 10%, trong đó giảm nhiều nhất là dầu madut và dầu diezen. Tổng doanh thu toàn tập đoàn Petrolimex đạt 1.980 ngàn tỷ, tăng 17% so với 2011, lợi nhuận hợp nhất đạt 1.058 tỷ đồng, chủ yếu là từ các ngành kinh doanh khác. Riêng xăng dầu, lợi nhuận chỉ đạt 20 tỷ đồng. So với tổng doanh thu xăng dầu là 165 ngàn tỷ đồng, đây là con số không đáng kể.
Cùng một nỗi tâm tư về cơ chế thị trường như vậy là ngành điện. Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn điện lực Việt Nam lo lắng nói: Thị trường phát điện cạnh tranh chính thức vận hành từ 1/7/2012. Nhưng trong lộ trình hình thành thị trường điện, xu thế giá điện sẽ phải đưa đầy đủ chi phí vào, nên giá điện sẽ không tránh khỏi có xu hướng tăng cao”.
Ông Vượng cho biết, từ 1/7/2012, khi thị trường cạnh tranh ở cấp độ phát điện vận hành, chi phí đầu vào giá điện tăng cao hơn so với cách thức trước đây chưa có thị trường. EVN đã bị đội thêm chi phí tới 300 tỷ đồng. Đó mới chỉ là giai đoạn thị trường khởi động với sản lượng nhỏ. Nếu sau này, thị trường bán buôn điện rồi đến bán lẻ điện cạnh tranh hoàn thành thì chí phí đầu vào giá điện còn cao hơn nữa. Như vậy, giá điện chắc chắn sẽ cao hơn”.
Chia sẻ với những lo lắng của DN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Kinh doanh xăng dầu có lãi nhưng là lãi từ nguồn khác. Điện tăng giá, lãi nhiều, người dân và các chuyên gia có quyền nói, thắc mắc thì chúng ta phải giải thích”.
Thủ tướng chỉ đạo: “Xăng dầu sẽ tiếp tục kiên trì theo cơ chế thị trường nhưng phải minh bạch. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhưng Petrolimex chiếm thị phần chủ yếu nên càng phải minh bạch, để giá xăng dầu theo đúng giá thị trường. Làm sao đừng để những vấn đề không đáng thành vấn đề bức xúc”.
“Với ngành điện, các cấp độ thị trường điện cạnh tranh, từ phát điện tiến tới bán buôn, bán lẻ là chờ tới năm 2022. Vậy, lộ trình này có rút ngắn được không? Việc này cũng phải minh bạch”, Thủ tướng nói.
Đi đôi với cơ chế giá thị trường đó, người đứng đầu Chính phủ còn nhấn mạnh, ngành điện cần cung cấp đủ điện cho đất nước, cho sản xuất kinh doanh, cho đời sống sinh hoạt, tiêu dùng dân cư. Đi liền với đó là chất lượng điện phải đảm bảo, không để điện phập phù.
Tổn thất điện năng của ta so với Thái Lan vẫn còn cao. EVN phải xem liệu có giảm được không? Những ngành như thép, xi măng… tiêu hao nhiều điện thì phải xem công nghệ sử dụng có tiết kiệm không? Trong tiêu dùng, cũng phải tiết kiệm điện hơn nữa như việc sử dụng các thiết bị máy điều hòa, bóng đèn… Tóm lại, đủ điện nhưng phải đảm bảo chất lượng.
Nhìn nhận chung về ngành công thương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương và toàn ngành trong năm 2012. Điển hình là kết quả tăng trưởng công nghiệp tuy không bằng năm ngoái nhưng quý sau luôn cao hơn quý trước. Xuất khẩu tăng tới 18% cũng đã thể hiện sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Thủ tướng Dũng trăn trở lớn về chất lượng của ngành công nghiệp hiện nay và mục tiêu vươn tới một nền công nghiệp hiện đại.
Thủ tướng chia sẻ: “Công nghiệp còn nặng gia công, chiến lược quy hoạch chất lượng hiệu quả thấp. Hình hài công nghiệp Việt Nam giờ ra sao? Ôtô chẳng ra ô tô, tàu thủy không ra tàu thủy. Công nghiệp chế tạo còn thấp”
“Năm 2020, Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại nhưng hình hài công nghiệp Việt Nam sẽ là gì? Tôi rất lo lắng, chiến lược còn mù mờ quá, chưa rõ nét”, Thủ tướng tâm tư.
Ông cũng đặt hàng loạt câu hỏi nóng cho ngành công thương như: Hương tới công nghiệp hóa thì cái gì là lợi thế mạnh nhất của chúng ta? Có phải là ngành ô tô, chế tạo thiết bị đồng bộ, đóng tàu, phụ trợ?
“Chúng ta phải phát triển cái gì, chính sách ưu đãi ra sao. Chúng ta phải rà soát lại, tư năm nay triển khai một cách quyết liệt. Ngành nào là xương sống, có sức cạnh tranh, các đồng chí phải chịu trách nhiệm, tái cơ cấu một cách thiết thực”, Thủ tướng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng khẳng định, Chính phủ sẽ đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, cho ngành công thương như đảm bảo tăng dư nợ tín dụng 12%, tăng tổng cầu cho nền kinh tế qua đầu tư công…
Phạm Huyền