Không chỉ bỏ hàng trăm triệu đô để đầu tư bất động sản tại Myanmar, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức đứng đầu còn có hàng loạt dự án nghìn tỷ khác tại Lào, Campuchia và Thái Lan.
\Bầu Đức bắt đầu đầu tư vào Lào từ năm 2007, ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Tính đến thời điểm này, Lào là quốc gia nước ngoài đầu tiên thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của HAGL với tổng giá trị các dự án lên tới hơn 900 triệu USD.
Cụ thể, tại đây, bầu Đức có ba dự án trồng cao su, trồng mía đường với tổng diện tích lên đến 30.000 ha. Giá trị đầu tư khoảng 210 triệu USD.
Dự án cụm nhà máy gồm nhà máy sản xuất đường 7000 tấn/ngày, nhà máy nhiệt điện công suất 30 MW, nhà máy ethanol 12.000 tấn/năm và nhà máy phân vi sinh công suất 50.000 tấn/năm tại tỉnh Attapeu có cùng một loại nguyên liệu là cây mía, giá trị đầu tư 100 triệu USD.
Dự án thủy điện Nậm Kông 2, Nậm Kông 3, Hạ Xê Kông, Sê Sụ và Nậm Ét có tổng công suất lên đến 400 MW, trị giá khoảng 500 triệu USD.
Về khoáng sản, bầu Đức sở hữu một mỏ đồng tại Xê Kông và một mỏ sắt tại huyện Đắc Chưng tỉnh Xê Kông, giá trị đầu tư khoảng 70 triệu USD. Ngoài ra, dự án hai sân bay tại tỉnh Attapeu và tỉnh Hủa Phăn cũng có giá trị khoảng 60 triệu USD.
Bên cạnh đó, để phục vụ cho các dự án nói trên, HAGL đã đầu tư 35 triệu USD không hoàn lại cho các dự án bệnh viện, hạ tầng giao thông, nhà ở tặng cho hai tỉnh Attapeu và Xê Kông của Lào.
Theo bầu Đức, khi kết thúc các dự án đầu tư vào năm 2014, HAGL sẽ tạo ra một kim ngạch xuất khẩu lên đến 400 triệu USD/năm cho hai tỉnh nói trên, trong đó Attapeu chiếm 90%.
“Tấn công” thị trường Campuchia
Mặc dù muộn hơn Lào nhưng năm 2008, HAGL bắt đầu đầu tư vào Campuchia, cũng với những dự án khai thác tài nguyên đất đang làm ở Lào như mỏ sắt, trồng rừng cao su…
HAGL hiện có khoảng 15.000 héc ta đất rừng ở miền đông Campuchia, chủ yếu dùng để phát triển cây cao su. Khác với Lào, việc đầu tư vào Campuchia của HAGL diễn ra chậm hơn và thời kỳ đầu, tập đoàn này dự kiến chỉ trồng 1.000 hécta, sau đó trồng thêm 5.000 hécta và tiếp tục mở rộng dần theo lối cuốn chiếu cho đến hết diện tích được cấp.
Ngoài rừng cao su, trọng tâm đầu tư của HAGL ở Campuchia là hai mỏ sắt. Mỏ thứ nhất nằm tại tỉnh Ratanakiri, cách biên giới với tỉnh Gia Lai của Việt Nam khoảng 40km, có trữ lượng ước tính khoảng 30 triệu tấn quặng. Cũng như mỏ sắt ở tỉnh Sekong, Lào, quặng sắt khai thác từ Campuchia sẽ được tạm nhập về Việt Nam để xuất sang Trung Quốc bằng đường biển. Mỏ sắt thứ hai được chính phủ Hoàng gia Campuchia cấp quyền khai thác cho HAGL, nằm cách mỏ thứ nhất khoảng 20km.
Hiện, tổng số vốn mà HAGL đầu tư vào Campuchia khoảng100 triệu USD, trong đó hai mỏ khoáng sản sẽ tiêu tốn khoảng 40 triệu USD, số còn lại được dành cho các nông trường cao su.
Bằng việc đẩy mạnh đầu tư và sang Lào và Campuchia, bầu Đức xác định hướng phát triển của tập đoàn HAGL là “chiến lược 3 chân ở 3 nước” Việt Nam - Lào - Campuchia, tập trung khai thác tài nguyên đất (cao su, khoáng sản) và tài nguyên nước (thủy điện) trong khu vực có bán kính 200km tính từ đại bản doanh của tập đoàn tại thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai.
Đầu tư bất động sản tại Thái Lan, Myanmar
Không chỉ tập trung vào 2 nước láng giềng là Lào và Campuchia, bầu Đức còn đổ tiền đầu tư sang các nước lân cận là Thái Lan và Myanmar.
Năm 2008, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã cấp giấy phép cho Công ty CP Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh trực thuộc HAGL Group đầu tư ra nước ngoài theo hình thức liên doanh (HAGL Bangkok Co. Ltd) để xây dựng, mua bán căn hộ tại Thái Lan. Khởi công từ tháng 9/2009 với tổng vốn đầu tư là 20,4 triệu USD, trên diện tích đất hơn 5000 m2, dự án căn hộ HAGL Bangkok có khoảng 140 căn hộ. Đây là dự án đầu tiên của bầu Đức trên đất Thái Lan.
Sau Lào, Campuchia, Thái Lan, mới đây, bầu Đức lại gây xôn xao dư luận khi liều lĩnh phá vỡ thế tứ trụ của các nhà đầu tư Singapore, Thái Lan, Nhật và Hong Kong tại thị trường bất động sản du lịch, thương mại Myanmar bằng dự án phức hợp trị giá 300 triệu USD của ở cố đô Yangon của Myanmar.
Dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre bao gồm khách sạn quốc tế 5 sao với hơn 400 phòng, Trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng và căn hộ dịch vụ cho thuê. Trong đó, hạng mục khách sạn và căn hộ dịch vụ tọa lạc ngay khu trung tâm Yangon sẽ đáp ứng nhu cầu của du khách quốc tế bao gồm cả khách du lịch và những người kinh doanh đang ngày càng tăng cao tại đây.
Từ năm 2012, khi Tập đoàn HAGL của bầu Đức chính thức nhảy vào thị phần này, cục diện tứ trụ đã thay đổi. Bộ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar, H.E U Htay Aung cho biết: "HAGL không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch, mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 26% tổng vốn FDI vào lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại Myanmar".
Nói về dự án mới tại này, bầu Đức cho biết, năm 2013 sẽ dốc toàn lực xây khu phức hợp 300 triệu USD tại Yangon, đại gia này cũng tự tin rằng, nếu nhanh chân có thể hái tỷ USD khi địa ốc Myanmar nóng lên trong 5 năm tới
(Theo KT)