Có xấp xỉ 100 nhà lãnh đạo là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc đã từ nhiệm tại gần 90 doanh nghiệp niêm yết trong năm qua.

Ông Trương Đình Anh đã rời chiếc ghế nóng tại FPT sau gần 20 tháng nhậm chức. Ông Trương Đình Anh đã rời chiếc ghế nóng tại FPT sau gần 20 tháng nhậm chức.

Kinh doanh sa sút do kinh tế khó khăn là nguyên nhân chính cho sự ra đi của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp trong năm qua. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất. Còn có những hoán đổi đã được sắp đặt sẵn.

Buộc phải ra đi

Tổng cộng có xấp xỉ 100 nhà lãnh đạo là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám đốc đã từ nhiệm tại gần 90 doanh nghiệp niêm yết trong năm qua. Nếu nhìn ở con số 100, so với hơn 700 doanh nghiệp niêm yết thì mới chỉ chiếm 15%. Tuy nhiên, con số này có thể sẽ lên gấp đôi nếu tính cả các chức vụ quan trọng khác như Phó Chủ tịch và thành viên Hội đồng Quản trị - những vị trí có sự hoán đổi không nhỏ trong năm qua.

Ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình hình kinh tế có lẽ là các ngành công nghệ, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Đó là nguyên nhân các ngành này đã chứng kiến nhiều vụ đổi ngôi nhất. Chẳng hạn như vụ thẳng tay trảm tướng tại Công ty Chiếu xạ An Phú (APC). Tổng Giám đốc Vương Đình Khoát đã bị mất chức vì sau nửa năm điều hành, lợi nhuận của APC chỉ đạt 1/5 mục tiêu đề ra.

Một trường hợp khác là vụ ra đi của Tổng Giám đốc Trương Đình Anh thuộc Tập đoàn FPT. Ông là người có công đưa Trung tâm Internet của FPT với doanh thu 100 triệu đồng trong năm đầu tiên trở thành Công ty Viễn thông FPT với doanh thu lên tới 100 triệu USD vào năm 2008. Đây là lý do chính ông được đề bạt lên chức Tổng Giám đốc FPT.

Ông Trương Đình Anh ra đi trong ầm ĩ.

Ở vai trò mới, ông Đình Anh được kỳ vọng sẽ đưa FPT lọt vào danh sách Top 500 trong Forbes Global 2000 và thực hiện mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận gấp 4 lần trong giai đoạn 2011-2014. Thế nhưng, doanh thu và lợi nhuận năm 2011 chỉ tăng trên dưới 30%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Doanh thu và lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2012 cũng có xu hướng sụt giảm. Vì vậy, ông đã ra đi lặng lẽ sau kỳ nghỉ phép dài hạn không báo trước. Việc ông rời chiếc ghế nóng sau gần 20 tháng nhậm chức là điều không mong muốn, bởi ông từng tuyên bố sẽ không bao giờ từ nhiệm chỉ trừ khi nào “bị đuổi”.

Chứng khoán, một ngành lao đao trong năm qua, cũng chứng kiến sự ra đi của nhiều lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch Nguyễn Hồ Nam và Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Hùng ở Chứng khoán Sacombank hay ông Lê Đình Ngọc và Mạc Quang Huy ở Chứng khoán Thăng Long. Thị trường chứng khoán lao dốc khiến hàng ngàn tỉ đồng cho nhà đầu tư vay ký quỹ của những công ty này biến thành khoản lỗ hiện thực.

Những trường hợp ra đi ở trên ít ra cũng nằm trong dự tính có thể thấy được. Bất ngờ nhất là nhiều vị lãnh đạo bỗng dưng mất chức. Lý do là doanh nghiệp họ điều hành bị thâu tóm. Khi nhóm cổ đông đi thâu tóm bước vào, với tỉ lệ cổ phần nắm giữ chi phối, các lãnh đạo cũ tất nhiên sẽ bị đẩy ra.

Những vị lãnh đạo khai sáng và gắn bó hàng chục năm trời với doanh nghiệp như Chủ tịch Trần Hữu Chinh của Công ty Ngoại thương và Đầu tư Phát triển TP.HCM hay Chủ tịch Đặng Văn Thành của Sacombank đành phải ra đi theo luật chơi của thị trường.

Bức bình phong?


Sự thay đổi lãnh đạo ồ ạt trong năm 2012 có thể là tín hiệu đáng mừng. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp không đạt được kết quả như mong muốn, các cổ đông có quyền kỳ vọng vào một sự thay đổi từ những lãnh đạo mới. Theo ông Hoàng Thạch Lân, người từng có thời gian công tác tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, thay lãnh đạo cũng là một động thái tái cấu trúc của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn.

“Thế nhưng, có bao nhiêu doanh nghiệp thay đổi lãnh đạo nhằm mục đích thổi luồng gió mới vào doanh nghiệp?”, ông Lân đặt vấn đề. Trong năm rồi, ngoài mục tiêu cải thiện tình hình kinh doanh, đã có không ít bức bình phong được dựng lên để phục vụ cho mục đích của những nhóm lợi ích.

Lợi nhuận DN đều giảm.

Trong các cuộc đổi ngôi trong năm qua, có khá nhiều lãnh đạo trẻ tuổi bất ngờ được bổ nhiệm vào chiếc ghế quyền lực cao nhất công ty. Có thể kể đến các trường hợp như Tổng Giám đốc mới của Công ty Chứng khoán VNDirect Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Công ty Đầu tư Xây dựng Vinaconex Tô Linh Hương hay Chủ tịch Ngân hàng Á Châu Trần Hùng Huy. Những nhà lãnh đạo này có người vẫn còn đương nhiệm, cũng có người đã thoái lui chỉ sau vài ngày. Vì lý do gì thì trong mắt nhiều nhà đầu tư, đây có thể chỉ là trò chơi mang tính chất bình phong, gấp gáp trước áp lực của cổ đông.

Bởi vậy, để chắc rằng niềm tin mình đã đặt đúng chỗ, nhà đầu tư cần đối chiếu kế hoạch kinh doanh năm mới dựa trên kết quả thực hiện được năm trước, tiềm năng của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng của ngành nghề hoạt động trong điều kiện kinh tế sắp tới. Có như vậy mới tránh được kết quả do các bức bình phong tạo nên như đặt kết quả cao để lấy niềm tin cổ đông rồi thoải mái điều chỉnh giảm, hoặc đặt mục tiêu thấp hơn khả năng nhằm lấy thành tích như đã xảy ra trong năm 2012.

(Theo NCĐT)