- Trong khi rất nhiều người từ bỏ chứng khoán thì đại gia Nguyễn Đức Thụy lại nhảy vào khi mua lại Công ty chứng khoán Vincom cách đây 2 năm. Tuy nhiên, việc đi ngược chiều này đã khiến bầu Thụy mất cả trăm tỷ đồng.


Rất thành công trong các lĩnh vực kinh doanh trước đó nhưng bước vào chứng khoán, đại gia giàu có Nguyễn Đức Thụy - Bầu Thụy đã chứng kiến những khoản thua lỗ không hề nhỏ.

Đến với chứng khoán hơi muộn nhưng giới đầu tư cũng thực sự sốc khi chứng kiến ông chủ của Tập đoàn Xuân Thành xâm nhập TTCK một cách mạnh mẽ. Khi ông quyết định mua lại chứng khoán Vincom cách đây hai năm và liên tục tăng tỷ lệ nắm giữ lại công ty này.

Với quyết định mua thêm 17,3 triệu cổ phiếu Chứng khoán Xuân Thành (VIX) hồi cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2012, bầu Thụy đã nâng tổng số cổ phiếu mình nắm giữ tại CTCK này lên tới 81,5% (tương đương 24,45 triệu cổ phiếu).

Và với cú dấn sâu hơn vào chứng khoán này, bầu Thụy đã chính thức đứng trong tốp 45 người giàu nhất TTCK (với giá trị chứng khoán khi đó lên tới trên 300 tỷ đồng) và có tên tuổi được nhắc đến với mật độ dày hơn rất nhiều. Tuy nhiên, xét về khía cạnh lợi nhuận thì chưa hẳn bầu Thụy đã thành công.


Trong những lần trao đổi với báo chí, Bầu Thụy đã từng tiết lộ ông mua chứng khoán Vincom từ tháng 4/2011 (sau đổi tên thành Chứng khoán Xuân Thành) nhưng trên thực tế đã đầu tư chứng khoán từ rất lâu rồi, từ hồi cổ phiếu đa số chưa lên sàn và lợi nhuận là khi đó là khá lớn.

Sau khi mua lại, trong 7 tháng cuối năm 2011, Chứng khoán Xuân Thành vẫn có lãi hơn 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang tới năm 2012, hoạt động kinh doanh của CTCK khá tệ hại. Đại gia nổi lên rất nhanh trong lĩnh vực chứng khoán này đã chứng kiến CTCK của mình mất hơn 51 tỷ đồng, so với kế hoạch đề ra lãi 39,7 tỷ đồng.

Thua lỗ lớn nhất rơi vào quý III/2012 khi Chứng khoán Xuân Thành đẩy mạnh tự doanh. Khoảng đầu tư ngắn hạn hạn tăng 200 tỷ từ mức 81 tỷ đầu năm lên 280 tỷ tại thời điểm cuối quý III. Khi đó, VIX phải trích lập dự phòng 94 tỷ đồng 9 tháng đầu năm cho khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

Kết quả, quý III, VIX lỗ hơn 78 tỷ đồng và là một trong 10 công ty thua lỗ nhiều nhất khi đó (cùng với ACB, PSG, KLS, SHS, PVX…).

Chưa có thông tin việc tự doanh của VIX như thế nào. Tuy nhiên, theo HSX, khối tự doanh của các CTCK đã đổ tiền mạnh vào TTCK liên tục trong tháng 4, 5, 6 và 7 năm ngoái, đặc biệ trong hai tháng đầu khi mà TTCK lên đỉnh trong cơn sóng duy nhất kéo dài từ đầu năm 2012. Hiện tượng bắt đáy trong tháng 6 và tháng 7 sau đó (năm 2012) và sự tụt dốc của thị trường vào cuối tháng 8 và tháng 11 đã khiến nhiều CTCK thua lỗ. Hoạt động bán ra mạnh, cắt lỗ đã diễn ra trong suốt những tháng cuối năm 2012.

Đó là liên quan tới công ty, riêng bản thân bầu Thụy, thời điểm mua vào hơn 17,3 triệu cổ phiếu VIX (để nâng tỷ lệ nắm giữ lên 81,5%) có lẽ cũng không thuận lợi.

Cụ thể, theo thông báo của Sở chứng khoán Hà Nội (HNX), bầu Thụy đã nhận chuyển nhượng số cổ phiếu nói trên từ các cổ đông lớn khác trong khoảng thời gian từ 18/4-11/5 (năm 2012). Đây cũng chính là khoảng thời gian TTCK lên đỉnh sau cú tăng khoảng 4 tháng liên tục. Giá cổ phiếu VIX trong sóng đó cũng tăng một mạch từ khoảng trên 3.000 đồng/cp lên gần 16.000 đồng/cp. Thời gian bầu Thụy mua, cổ phiếu VIX trên thị trường dao động trong khoảng khoảng 12.500-15.500 đồng/cp.

Với mức giá 8.800 đồng/cp hiện tại, rất có thể bầu Thụy đã thua lỗ một khoản không nhỏ, vài chục tỷ cho tới cả trăm tỷ đồng.

Nhẩm tính sơ qua khoản thua lỗ chứng khoán và bóng đá nếu so với mức tài sản chỉ tính trên TTCK của bầu Thụy thì khá lớn, chiếm tới vài chục phần trăm. Tuy nhiên, mức tài sản trên (giúp bầu Thụy hiện đứng thứ 63 trên TTCK) dường như chỉ là một phần trong số tiền mà đại gia này đang sở hữu.

Tuy nhiên, cùng với những khó khăn chung của BĐS, xi măng, khoáng sản… những thế mạnh của Bầu Thụy sẽ khiến địa gia này phải bận tâm, lo lắng. Trong khi đó, chứng khoán VIX vẫn vật lộn với thua lỗ, doanh thu vỏn vẻn vài tỷ trong quý IV/2012, chi phí tăng vọt là điều đáng lo ngại.

Linh Tú