Lợi dụng nhu cầu người dân đổ về các chợ, siêu thị… mua sắm nhiều, các điểm trông giữ xe đã tăng giá vé cao gấp đôi, gấp ba so với ngày thường nhằm “móc túi” khách hàng.

Chị Nguyễn Thùy Linh ở ngõ 104 Đào Tấn (Ba Đình) cuối tuần vừa rồi đi chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) mua sắm một số thứ đã bất ngờ khi giá vé trong giữ xe tại chợ này mà chị gửi đã tăng gấp đôi (từ 5.000 lên 10.000 đồng).

“Thắc mắc hỏi giá vé sao lại tăng thì được một cậu thanh niên ghi vé ở điểm trông xe đó giải thích rằng giá cả mọi thứ dịp này đều tăng, do đó giá vé gửi xe cũng tăng lên. Cậu thanh niên này còn cho biết, sau Tết giá vé sẽ về lại mức cũ còn trước Tết thì phải trông với giá 10.000 đồng mới hợp lý”, chị Thùy Linh nói.

Trong khi đó, tại chợ Xanh (Quan Hoa, Cầu Giấy), bạn Ngô Thị Thanh sinh viên năm 4 (ĐH Quốc gia Hà Nội) phải bấm bụng gửi xe tại trong một cái ngõ trên phố Phan Văn Trường với giá vé 15.000 đồng/lượt để vào chợ mua đồ.

“Bây giờ gần Tết đi chợ gửi được xe là may mắn rồi. Vào chợ, mất cả 15 – 20 phút đồng hồ mới tìm ra chỗ gửi xe. Biết tăng giá như thế này là bất hợp lý nhưng chẳng lẽ không đi chợ nữa mà quay về”, Thanh cho biết.

Theo khảo sát, phần lớn các điểm trông xe dịp này đang tự động tăng giá vé lên cao hơn gấp nhiều lần so với giá nhà nước quy định.

Tại chợ Đồng Xuân, giá trông giữ xe không chỉ tăng cao hơn ngày thường mà thời điểm cận Tết này, các điểm trông xe còn trông theo giờ, chọn khách, khách nào vào gửi xe cũng được hỏi những câu hỏi như: “Đi vào chợ làm gì”, “Đi bao lâu”… Mà nguyên nhân của những câu hỏi đó chính là để tính giá vé xe sao cho “hợp lý”, nếu khách đi vào chợ lâu sẽ không nhận gửi xe.

“10.000 đồng/lượt là giá chung của các điểm trông giữ xe dịp Tết. Chứ ngày thường, ngay cả các điểm trông xe của ban quản lý chợ còn thu cao hơn giá nhà nước quy định. Ví như, điểm trong xe ở chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm) trên vé xe máy có ghi 2.000 đồng/lượt nhưng khách vào gửi phải trả giá gấp đôi (4.000 đồng/lượt). Mình có thắc mắc cũng chẳng làm được gì”.

Bảo Hân