Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tham gia mua bán vàng miếng. Đây là bước đi tiếp theo trong hàng loạt biện pháp chấn chỉnh thị trường vàng và tạo ra nốt chặn cuối cùng để xóa sổ tình trạng thao túng gây chênh lệch giá vàng hiện nay.


Người mua bán cuối cùng

Theo dự thảo Quyết định về việc mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước, NHNN sẽ mua, bán vàng miếng để can thiệp, bình ổn thị trường vàng trong nước và được sử dụng tiền cung ứng để mua vàng miếng bổ sung vào dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Đối tác mua bán vàng miếng của NHNN là các tổ chức tín dụng (TCTD), doanh nghiệp kinh doanh vàng đủ điều kiện. Giá mua, giá bán vàng miếng trên thị trường trong nước của sẽ do NHNN quyết định. NHNN sẽ quyết định phương án can thiệp thị trường vàng, thực hiện mở tài khoản, mua vàng ở nước ngoài để nhập khẩu vàng nguyên liệu bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước khi thực hiện bán vàng miếng. Việc mua bán vàng miếng của NHNN có thể thực hiện trực tiếp hoặc thông qua đấu thầu.

Động thái này được xem là bước đi quyết định để đưa giá vàng trong nước sát với giá thế giới. NHNN cho biết, đã chuẩn bị sẵn sàng các văn bản hướng dẫn và các điều kiện kỹ thuật khác sẵn sàng để thực thi khi Chính phủ có quyết định.

Theo một chuyên gia từ Ngân hàng Nhà nước, trong giai đoạn đầu tham gia thị trường, Ngân hàng Nhà nước dự kiến chỉ bán vàng ra để kéo dần giá trong nước sát với thế giới theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Các giao dịch này có thể triển khai thông qua hình thức mua bán trực tiếp hoặc đấu thầu.


Chuyên gia từ Ngân hàng Nhà nước khẳng định, hai mục tiêu quan trọng của việc mua bán này là can thiệp, bình ổn thị trường và tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Vì vậy, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ yếu bán vàng ra, và thông qua hình thức đấu thầu.

Dự kiến có hai trung tâm giao dịch sẽ được lập ở Hà Nội và TP. HCM phục vụ cho hoạt động đấu thầu. Khi thị trường ổn định, NHNN sẽ tính tới chuyện mua bán trên thị trường liên ngân hàng, với sự tham gia của các ngân hàng, thậm chí doanh nghiệp.

Để hỗ trợ hoạt động mua bán vàng vật chất trong nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ tự trang bị cho mình các công cụ như xuất nhập khẩu, kinh doanh vàng tài khoản... Nguồn vàng dự trữ của cơ quan này cũng được cho là dư sức để can thiệp thị trường giai đoạn hiện nay.

Việc Ngân hàng Nhà nước tăng cường bán ra cũng được kỳ vọng hỗ trợ cho quá trình tất toán trạng thái của các ngân hàng thương mại. Theo quy định, trước 30/6, họ phải thanh toán xong lượng vàng đã huy động trong dân thời gian trước. Hoạt động mua vào, sẽ được Ngân hàng Nhà nước cân nhắc khi thị trường ổn định trở lại, các ngân hàng đã tất toán xong và người dân không còn nhu cầu nắm giữ vàng.

Hết đường làm giá

Trước đây, giá vàng trên thị trường liên tục biến động do sự tham gia mua bán với khối lượng lớn vào thời điểm tập trung của các TCTD nên càng đễ gây ra giá cả lên xuống thất thường. Tuy nhiên, sau những động thái yêu cần tất toàn huy động và cho vay vàng, thiết lập hệ thống kinh doanh vàng miếng thì yếu tố này đã giảm dần và giá vàng đang có những diễn biến tích cực theo hướng giảm mạnh và thu hẹp chênh lệch so với thế giới.

Bên cạnh đó, trước đây, kinh doanh vàng miếng gần như tự do, giao dịch thiếu giám sát chặt chẽ. Nhưng nay, việc tổ chức cấp phép, giám sát từng đầu mối cho phép nhà điều hành nắm bắt thực tế thị trường sát hơn; các giao dịch được thống kê, xuất hóa đơn, tổ chức báo cáo định kỳ để thuận lợi cho khả năng nhận biết.

Khi hệ thống giao dịch đã có tổ chức và giám sát chặt hơn đã dần đưa thị trường vàng miếng dần đi vào khuôn khổ, yếu tố đầu cơ sẽ được hạn chế đáng kể.

Và với dự thảo mới được ban hành theo hướng NHNN sẽ tham gia mua - bán để điều tiết giá trên thị trường.

Với thực tế giá vàng trong nước so với thế giới hiện nay, hoạt động đấu thầu sắp tới đương nhiên là để bán ra, thu hẹp chênh lệch giá. Các bước bổ trợ là cơ quan này tổ chức quy trình xuất nhập khẩu vàng, mở tài khoản vàng ở nước ngoài - đã sẵn có các đầu mối truyền thống ở nước ngoài.

“Trước đây, cho nhập vài chục tấn vàng mà vẫn như muối bỏ bể. Vì Ngân hàng Nhà nước không trực tiếp làm, phải qua những cánh tay nối dài, quy mô và thời điểm bán ra khó kiểm soát, trong khi yếu tố đầu cơ vẫn là trở ngại lớn. Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước tham gia, nắm được các công cụ trong tay để chủ động điều tiết hiệu quả hơn”, nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước gợi mở.

Khi có sự can thiệp trên, nhiệm vụ và mục tiêu của NHNN là hạn chế những biến động bất thường. Về dài hạn, có thể tính đến tổ chức được thị trường liên ngân hàng cho giao dịch vàng. Tuy nhiên, khi vẫn còn nhiều DN vàng chưa thể kết nối như các ngân hàng nên thời gian đầu việc bình ổn giá sẽ thông qua đấu thầu thủ công. Được biết, các tổ chức tín dụng và DN đều đã tỏ thái độ sẵn sàng, ngay cả trường hợp thực hiện mua - bán vàng miếng điều tiết thị trường qua ủy thác… Và với sự vào cuộc như thế, có lẽ thời gian để giảm chênh lệch giá vàng sẽ không còn phải chờ lâu.

Theo dự đoán của chuyên gia từ NHNN, chiều bán ra trong một vài tháng tới sẽ chiếm ưu thế. Thay vì kiểm soát giá vàng gián tiếp thông qua các DN và TCTD thì nay việc NHNN can thiệp trực tiếp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Theo dự báo, khối lượng can thiệp bán sẽ là không lớn dù cơ quan quản lý đã chuẩn bị mọi nguồn lực sẵn sàng để đưa giá vàng trong nước về sát giá thế giới. Thực tế, nhu cầu vàng trong dân không lớn và càng không quá tập trung vào một thời kỳ cao điểm mà chu yếu phụ thuộc vào các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đến nay yếu tố này đã được kiểm soát, và việc bình ổn phần còn lại đã nắm trong dự kiến và khả năng của cơ quan quản lý.

Ngọc Sơn