“Thất nghiệp toàn cầu gia tăng trong năm 2012 sau hai năm liên tiếp giảm, và tỷ lệ này có thể tiếp tục tăng trong năm 2013”, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo.


Một phần tư lượng gia tăng thất nghiệp toàn cầu trong năm 2012 thuộc các nền kinh tế phát triển. Ba phần tư còn lại rải rác ở các khu vực khác trên thế giới với những tác động tương đối tại các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á, Nam Á và khu vực Châu Phi hạ Sahara.

Theo Xu hướng Việc làm Toàn cầu 2013, số người thất nghiệp trên thế giới tăng thêm 4,2 triệu trong năm 2012 lên mức 197 triệu người, và tỷ lệ thất nghiệp là 5,9%.

Tổng Giám đốc ILO Guy Rider cho biết: “Triển vọng kinh tế không chắc chắn và chính sách chưa đủ tầm đã làm yếu đi tổng cầu, kiềm chế đầu tư và thuê mướn. Điều này đã kéo dài quá trình tụt dốc của thị trường lao động ở nhiều quốc gia, tạo việc làm suy giảm và gia tăng thời gian thất nghiệp, ngay cả ở một số nước trước đây vốn có tỷ lệ thất nghiệp thấp và thị trường lao động năng động.”

Trong tương lai vừa, dự báo mức độ hồi phục kinh tế toàn cầu không đủ mạnh để giảm nhanh tỷ lệ thất nghiệp, và số lao động tìm việc sẽ tăng lên hơn 210 triệu người trong vòng 5 năm tới.

Nhu cầu tìm việc tại các phiên giao dịch việc làm luôn quá tải.

Tình hình thị trường lao động vẫn tiếp tục đặc biệt ảm đạm đối với lao động trẻ. Gần 74 triệu người độ tuổi từ 15 đến 24 trên thế giới không có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp trẻ ở mức 12,6%.

Điều đáng quan ngại đặc biệt là ngày càng nhiều lao động trẻ phải chịu thất nghiệp dài hạn. Khoảng 35% lao động trẻ thất nghiệp ở các nền kinh tế phát triển không có việc làm trong vòng 6 tháng hoặc dài hơn. Kết quả là, càng nhiều thanh niên trở nên chán nản và rời bỏ thị trường lao động.

Cũng theo ILO, sự cách biệt giữa các khu vực về thất nghiệp trẻ có khả năng sẽ tăng lên. Trong 5 năm tới, tình hình dự báo sẽ khả quan hơn đôi chút ở các nền kinh tế phát triển, nhưng thất nghiệp trẻ sẽ gia tăng ở các nền kinh tế mới nổi ở Đông Âu, Đông và Đông Nam Á, và Trung Đông.

Tổng Giám đốc Ryder nhấn mạnh rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải cùng nhau tìm được lời giải cho cuộc khủng hoảng.

“Bản chất toàn cầu của cuộc khủng hoảng có nghĩa là các quốc gia không thể tự mình giải quyết hậu quả chỉ với các biện pháp trong nước. Mức độ không chắc chắn cao – nguyên nhân kiềm chế đầu tư và tạo việc làm, sẽ không thể giảm bớt nếu các quốc gia đưa ra những giải pháp mâu thuẫn với nhau”, ông Ryder nói.

Vũ Điệp