Hàng triệu người Nhật ở độ tuổi thất thập vẫn còn đang tiếp tục làm việc. Họ trở thành điểm tựa cho nền kinh tế đất nước trong cơn bão tố suy thoái. Thế mà, họ lại bị chính ngài bộ trưởng… chối bỏ.


Bộ trưởng vạ miệng

Bộ trưởng tài chính Nhật Bản Taro Aso vừa có một phát ngôn gây sốc khi cho rằng, nên để người già sớm về… chốn thanh thản thay vì khiến cho chính phủ phải hao tiền tốn của cho các dịch vụ y tế cao cấp và đắt đỏ. Mặc dù sau đó vị bộ trưởng đã có hành động thanh minh nhưng đó vẫn là một sự tổn thương rất lớn cho quá nhiều người già đang còn miệt mài làm việc và cống hiến.

Ông Aso đã phát biểu trong một cuộc họp quốc hội bàn về cải cách an sinh xã hội: “Thật là khổ nếu người ta cứ phải sống khi mà bản thân lại rất muốn…chết. Thực ra bạn sẽ không thể có được những giấc ngủ ngon nếu như cho rằng tất cả mọi thứ đã có chính phủ lo liệu và chi trả hộ. Thực trạng này sẽ không thể được giải quyết nếu chúng ta không để cho họ “yên nghỉ” sớm.”

72 tuổi, ông Aso, cũng là cựu thủ tướng Nhật Bản. Ông chính thức nắm giữ cương vị bộ trưởng tài chính cách đây chưa đầy một tháng nhưng cũng không ít lần vạ miệng vì những phát ngôn…thiếu cân nhắc.

Sau vụ sơ suất hôm thứ Hai, ông đã cố gắng xoa dịu dư luận khi khẳng định với phóng viên rằng ông chỉ nói về mong muốn của cá nhân mình chứ không có ý miệt thị hệ thống ý tế cao cấp hiện nay của quốc gia.


"Tôi chỉ cho rằng, sẽ là quan trọng nếu mỗi người có được những ngày cuối đời bình yên nhất có thể.”

Ông Aso sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc nhưng lại có cách phát ngôn không mấy…ý tứ. Ông là cháu trai của ngài Shigeru Yoshida, một trong những thủ tướng có tầm ảnh hưởng nhất Nhật Bản và cũng là người đã giúp tái thiết đất nước sau đống đổ nát của cuộc chiến tranh thế giới 2. Bản thân ông cũng kết hôn với con gái của một cựu lãnh đạo cao cấp khác.

Nguồn lực người già

Tình trạng già hóa dân số là một vấn đề vô cùng nhạy cảm tại Nhật Bản- một trong những quốc gia sở hữu dân số già nhất thế giới. Khoảng ¼ trong tổng số 128 triệu dân nước này ở độ tuổi trên 60. Con số sẽ tăng lên 40% trong nửa thế kỷ nữa.

Trong khi đó, Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với quả bom nợ có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Cường quốc kinh tế này cũng sở hữu tỷ lệ nợ/ GDP cao nhất thế. Áp lực nợ nần chồng chất cộng với gánh nặng an sinh khiến cho nước Nhật trở nên bế tắc trên hành trình tìm ra lối thoát.

Không những thế, nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, xung đột chính trị với Trung Quốc, sự hao hụt của thị trường lao động…Tăng trưởng liên tiếp giảm trong những quý vừa qua. Các nhà lãnh đạo nước này cũng đang đau đầu để tìm giải pháp tháo gỡ nhưng không dễ dàng.

Tuy nhiên, trái ngược với những gì mà ngài bộ trưởng tài chính đưa ra rằng người già Nhật đang trở thành gánh nặng cho chính phủ và nền kinh tế thì hiện đang có rất nhiều người già vật lộn kiếm việc làm. Có đến 20% (khoảng 6 triệu) người già Nhật vẫn chấp nhận tiếp tục làm việc với mức lương thấp hơn ở độ tuổi đã nghỉ hưu.

Người già ham thích làm việc tại Nhật Bản đã trở thành “văn hóa” khi mà rất nhiều người dù đã ở tuổi thất thập nhưng vẫn muốn được làm việc, cống hiến vì với họ công việc không chỉ là kiếm tiền mà còn là niềm vui, hạnh phúc vì biết mình còn giá trị cho xã hội.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, trong lúc bế tắc này đã phải dựa rất nhiều vào người già những người mà lẽ ra họ phải được nghỉ ngơi sau cả một quãng đời cống hiến sự phát triển của đất nước.

HungNinh (Theo BI)