Đã có thời cây cảnh, cây thế lên ngôi, được chủ nhân rao bán vài triệu, cho tới vài trăm triệu đồng. Ở không ít vùng quê trên cả nước, bà con thi nhau bỏ lúa, đổ xô đi trồng cây cảnh. Nhưng giờ đây, cây cảnh lại đua nhau rớt giá, bán chả ai mua, người dân lại muốn “tìm” về ruộng lúa.


Làng Điền Xá (thuộc huyện Nam Trực, Nam Định) nức tiếng về nghề trồng cây cảnh từ cách đây 700 năm nhưng hầu như chỉ để chơi là chính. Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, khi “cơn sốt” cây cảnh xảy ra, cây cảnh Điền Xá mới bung ra bán khắp cả nước. Khách mua từ Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đồng Nai, Sài Gòn... kéo về, cây cảnh tiền triệu nâng dần thành tiền tỉ rồi chục tỉ. Nhiều người sở hữu cả “sân triển lãm” trị giá cả trăm tỉ đồng. Có người nhảy ra buôn cây cảnh, thậm chí cho cây xuất ngoại.

Thấy cây cảnh có giá, người dân đua nhau đi trồng. Mọi thứ cây đều bị chặt đi để nhường đường cho sanh cảnh. Trồng trong sân vườn không đủ, bà con đưa cây ra trồng ngoài ruộng lúa. Thế là diện tích trồng lúa ngày một thu hẹp dần, thay vào đó là những vườn, trang trại cây cảnh. Theo thống kê của UBND tỉnh Nam Định, từ năm 2006 đến nay, ngoài 2.600 ha đất hoang hóa được cải tạo để trồng sanh thì diện tích đất lúa tại Nam Định chuyển đổi sang trồng cây cảnh là gần 2.000 ha.

Tuy nhiên theo lẽ thường, cái gì hiếm thì mới quý, khi đã bội thực, dư thừa rồi thì cũng mất giá trị. Anh Vũ Văn Quynh ở xóm 14, An Đạo, Hải An, huyện Hải Hậu ngậm ngùi: “Tôi đầu tư gần 500 triệu đồng trồng 1.000 gốc sanh phôi. Năm 2012, giá cây phôi giảm tới 80% nhưng cũng chẳng ai mua. Cả năm bán tống tháo được trên 30 triệu đồng, không đủ chi phí chăm sóc”.

Anh Quynh là một trong số hàng ngàn hộ dân tại tỉnh Nam Định đang lao đao, chết đứng vì trót đầu tư quá đà vào cây cảnh. Nguyên nhân cũng vì khoảng giữa năm 2006, phía Trung Quốc bất ngờ nhập tiểu ngạch cây xanh phôi với giá cao. Trong giai đoạn 2006 – 2008, chỉ riêng doanh thu từ trồng sanh cảnh mỗi năm tại Nam Định đã đạt 300-400 tỉ đồng, đến năm 2010 tăng lên hơn 1.000 tỉ đồng. Vì lợi nhuận quá lớn, không chỉ người dân hứng khởi đua nhau trồng cây, mà ngay đến cả UBND tỉnh cũng quá tin tưởng vào thị trường này, khuyến khích, tạo điều kiện cho cây cảnh phát triển. Không những thế, trong các văn bản của UBND tỉnh vào thời gian này đều xác định “đây là mũi nhọn phát triển kinh tế”.

Thế nhưng từ giữa năm 2011 đến nay, hầu như bà con đều gặp khó khăn đầu ra, lượng sanh cảnh bán rất chậm. Phía Trung Quốc đã dừng hẳn nhập cây sanh tiểu ngạch, mà đây lại là thị trường tiêu thụ chủ yếu. Người dân và các doanh nghiệp cung cấp cây cảnh ở Nam Định lâm vào tỉnh cảnh khốn đốn, giấc mộng đổi đời nhờ cây sanh giờ đây “tan thành mây khói”.

Cây cảnh hết thời, người nông dân lại muốn tìm về ruộng lúa. Lúa dù rẻ nhưng vẫn còn bán được, nhưng cây sanh khi đã ế thì bán chả ai mua, cây có đẹp mấy cũng chả khác gì… cây củi. Tuy nhiên, muốn quay lại trồng lúa thì phải bỏ hết cây cảnh, mà tiền đầu tư vào đây lại quá lớn, bỏ thì thương (tiếc tiền) mà vương thì tội (mình è cổ ra làm không có lãi). Chủ trương của tỉnh có tầm nhìn cũng chẳng xa hơn người nông dân là mấy, lúc “được mùa” thì hân hoan báo cáo thành tích, khi “ế ẩm” thì tự nông dân lo liệu mà trả nợ. Đúng là “đem con bỏ chợ” chỉ có nông dân là muôn đời thiệt.

(Theo Songmoi)