Cứ cuối năm, cán bộ, nhân viên tại các cơ quan, doanh nghiệp lại " sốt xình xịch" với vấn đề "thời sự": tết sếp. Năm nay, kinh tế suy thoái, người người thắt chặt chi tiêu nhưng không thiếu những món quà "khủng" và "cực khủng" vẫn tới tay các " sếp" với nhiều hình thức và "mục đích" khác nhau.

Giám đốc một công ty vàng bạc đá quý ở Hà Nội cho biết năm nay công ty của anh không nhận được nhiều đơn hàng gia công quà tặng có giá trị lớn như mọi năm nhưng những yêu cầu có giá trị dưới trăm triệu thì không thiếu
Giám đốc một công ty vàng bạc đá quý ở Hà Nội cho biết năm nay công ty của anh không nhận được nhiều đơn hàng gia công quà tặng có giá trị lớn như mọi năm nhưng những yêu cầu có giá trị dưới trăm triệu thì không thiếu

Muôn hình vạn dạng quà "khủng" biếu sếp .

Việc chúc tết cấp trên, lãnh đạo vào mỗi dịp tết đến xuân về là một nét đẹp văn hoá thể hiện sự biết ơn, kính trọng của cấp dưới đối với những người đồng nghiệp cấp trên. Nếu truyền thống này chỉ dừng lại ở mức độ "tình cảm" thì đây là một nghĩa cử rất đáng trân trọng nhưng giờ đây, tuỳ vào những mục đích khác nhau, nhiều người đã lợi dụng điều này như một hình thức biến tướng để "nịnh nọt" cấp trên với hy vọng đạt được điều mình mong muốn. Tuỳ theo mức độ quan trọng của sếp mà những món quà tết có giá trị khác nhau. Mục đích càng cao, quà càng " khủng". Sếp càng to, thành ý của cấp dưới càng cần phải "xứng đáng".

Đi tết sếp bây giờ, ngoài giá trị món quà phải phù hợp với "tầm cỡ" của sếp, người biếu còn phải lưu ý tới sở thích của sếp chứ không phải cứ "đắt tiền" mà đã ổn. Có khi tốn một đống tiền mà sếp lại "xếp xó" thì "mất công toi". Anh Hoàng, trợ lý cho giám đốc một công ty dầu khí cho biết năm ngoái anh đã tìm tặng sếp một chiếc đĩa sứ cổ thời Lê có giá cỡ... vài nghìn đô. 

Đồ dát vàng đắt khách dù giá cực chát.

“Sếp mình là người hoài cổ mà. Năm nay, mình đã đặt mua một bức tượng đồng có chứa xá lị từ Thái Lan về để sếp để trên xe ô tô. Cam đoan sếp lúc nào cũng "thượng lộ bình an" và thăng tiến đều đều, mình cũng được " thơm" lây". Anh Hoàng không tiết lộ giá của món quà nhưng chắc chắn, nó phải phù hợp với con xe " khủng" của sếp.

Không chọn món quà "thực dụng" như vàng bạc, đá quý, chị Hiền, hiện đang công tác tại một ngân hàng lại chọn cách tặng quà cho sếp một cách "tao nhã" hơn. Biết sếp có biệt thự nhà vườn bên Bắc Ninh, sếp lại có thú chơi sinh vật cảnh, chị quyết "lùng" một món quà không những "khủng" mà phải còn thật "độc" để tặng sếp. Sếp chị sinh năm 1964, tuổi Rồng, vậy là chị đã nghĩ ngay ra món quà "chuẩn không phải chỉnh".

"Lục tung" nhiều vườn cây cảnh, tham khảo ý kiến rất nhiều "chuyên gia", cuối cùng, chị cũng chọn được một cặp cây sanh có thế "lưỡng long chầu nguyệt" với giá ngót ngét cả trăm triệu đồng. Kể thì cũng xót ruột nhưng nghĩ tới cái ghế trưởng phòng nhân sự có thể trống trong nay mai nên chị cũng đành "bấm bụng đầu tư". Chỉ buồn là khi chị chuyển món quà với bài thuyết trình dài cả tiếng đồng hồ tới thì lại chạm mặt mấy đồng nghiệp cũng đi tết sếp, vả lại sếp "bà" có vẻ chẳng "mặn mà" gì. Chị chỉ lo nhỡ "lệnh ông không bằng cồng bà" thì tiếc đứt ruột.

Không cầu kỳ như cánh phụ nữ, nhiều mày râu lựa chọn những món quà thể hiện "bản lĩnh đàn ông" để tặng sếp. Anh Kiên, phụ trách bán hàng khu vực Hà Nội của một nhãn hiệu rượu ngoại nhập cho biết có khá nhiều khách hàng đặt mua những dòng rượu ngoại cao cấp như Whisky Louis 13, giá khoảng trên dưới 30 triệu một chai, những chai rượu vang lâu năm giá hàng nghìn đô, những dòng rượu siêu đắt có chứa bột vàng...

Với những món quà "đẳng cấp" như thế, đảm bảo người được tặng "uống đến đâu, nhớ nhau đến đó" bởi mỗi ly rượu, chỉ vài ml, đã trị giá tới cả triệu đồng thì đương nhiên chất lượng phải “đáng đồng tiền bát gạo", anh Kiên khẳng định.

Không chỉ có rượu ngoại, những bình rượu cổ truyền được nhiều người mang tặng sếp cũng khiến khối người phải "giật mình thon thót" khi nghe tới giá tiền. Chỉ cần nhìn thấy cả đàn rắn quý với một "cụ" rắn hổ mang dài cỡ hai, ba mét cuộn tròn xung quanh chiếc bình thuỷ tinh cao hàng mét đã có thể hình dung được giá trị của món quà. Thôi thì sếp uống vào tha hồ “bổ đông bổ tây”, chắc gân, đẹp da và "khoẻ"... như thanh niên.

Quà tết sếp cũng phải xem… phong thủy

Đào "khủng", mai "khủng", quất "khủng" giờ đã thành "lỗi mốt" vì " chỉ chơi mấy ngày rồi lại mất công thuê người tới chở đi". Bây giờ người ta có xu hướng tặng sếp những thứ có "giá trị sử dụng" cao. Anh Vinh, giám đốc một công ty vàng bạc đá quý ở Hà Nội cho biết năm nay công ty của anh không nhận được nhiều đơn hàng gia công quà tặng có giá trị lớn như mọi năm nhưng những yêu cầu có giá trị dưới trăm triệu thì không thiếu.

"Khách hàng chủ yếu đặt những bộ ấm chén ngọc bọc vàng cỡ năm, bảy chục triệu. Vỏ điện thoại và cài áo bằng vàng cũng được yêu cầu khá nhiều mà giá tiền tùy thuộc vào khối lượng vàng gia công. Người thì đặt những con vật trang trí theo tuổi của sếp. Họ cẩn thận tham khảo xem "mệnh" nào thì hợp với màu gì? Sở dĩ nhiều người chọn những món quà được chế tác từ kim loại quý là bởi một lý do rất "thiết thực": Ngoài sự sang trọng, quý phái, những món quà này có thể dễ dàng đem... bán nếu chẳng may sếp không thích hoặc thấy không hợp.

Dạo qua những website, những cửa hàng quà tặng cao cấp, dễ dàng nhận được lời tư vấn về những món quà "khủng" để tặng sếp dịp cuối năm. Chị Minh, chủ một cửa hàng gốm sứ mà khách hàng chủ yếu là giới "thượng lưu" ở Hà Nội cho biết mỗi sản phẩm tại đây đều có giấy chứng nhận như một "chứng minh thư nhân dân ".

Nhiều khách hàng đặt quà tặng cho sếp có giá trị rất lớn, từ vài chục tới hàng trăm triệu đồng. Khi khách hàng có nhu cầu đặt những món quà cao cấp, chị sẽ tư vấn đầy đủ thông tin về việc người được tặng quà thuộc tuổi nào, mệnh nào thì hợp với sản phẩm nào, hình dáng ra sao, màu sắc thế nào… Để đảm bảo tính"tế nhị" mà lại tránh được trường hợp “áo gấm đi đêm", chị gợi ý cho khách hàng: "Nhất định phải gửi kèm giấy chứng nhận nhưng có thể để trống giá tiền. Sếp kiểm tra thông tin trên trang web là biết ngay giá trị của món quà mà hiểu được "thành ý" của mình".

Cắt thưởng, giảm lương nhưng quà vẫn “ khủng”


Năm 2012 là năm "lao đao" của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể. Tỉ lệ thất nghiệp cao nhất từ trước tới nay, các cơ quan, doanh nghiệp thi nhau "giảm biên chế". Vì vậy những người làm trong các đơn vị có tính cạnh tranh cao lại "lo ngay ngáy". Ai có vị trí tốt thì phải "giữ" cho thật chặt, ai có khả năng thăng tiến thì phải cố "chớp thời cơ" không lại " tuột" vào tay người khác. Trong muôn ngàn các " cao kiến" thì rõ ràng " lấy lòng" cấp trên vào một dịp phù hợp như Tết quả là "thượng sách".

Trong bối cảnh mà CEO ngân hàng phải viết tâm thư xin "cắt thưởng " cuối năm, doanh nghiệp nợ lương người lao động vài tháng là chuyện thường, người đứng đầu một ngành chủ chốt phát biểu "cảm thấy đau lòng" về mức lương của nhân viên... nhưng những món quà có giá trị tới cả năm tiền lương vẫn tới tấp "bay" tới các sếp. Vậy không biết bằng cách nào, thu nhập từ đâu ra và có khả năng nhận được những gì mà người ta" dám" đầu tư những món quà " khủng" như vậy?

Nếu như trước đây, đi chúc tết sếp chỉ là hành động thể hiện sự tôn trọng, ngoại giao giữa những người cùng công tác trong một đơn vị với những món quà mang tính tượng trưng, "tình cảm là chính", thì ngày nay, với sự cạnh tranh trong những môi trường có tính ganh đua cao, nét đẹp ấy đang dần bị mai một bởi một số người.

Thật ra những món quà nói rằng "khủng" như trên mới chỉ là "phần nổi", nghe nói phần "chìm" còn "khủng" hơn nhiều lần nữa. Người ta có thể tặng nhau cả ô tô, cả nhà bạc tỉ với những "ngầm ý" mà chỉ người trong cuộc biết với nhau. Chẳng biết đến bao giờ, tình trạng này mới chấm dứt và "chúc tết sếp" được trở lại với đúng bản chất văn hoá truyền thống tốt đẹp của mình?.

(Theo PLVN)