Bán không được, dùng chẳng xong còn “nuôi thì cực tốn”, những chiếc xe siêu sang, siêu xe biển ngoại giao đang thành “cục nợ” của không ít đại gia Việt khi mà việc kiểm tra và tịch thu xe trái phép đang ráo riết được thực hiện.


Các Bộ “bắt tay” tổng thanh tra xe biển ngoại giao

Theo thông tin từ Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan ngay trong quý I năm 2013, Bộ Công an sẽ tổng thanh tra xe mang biển số ngoại giao, biển số nước ngoài. Tất cả các trường hợp không thuộc đối tượng ưu đãi sử dụng xe trái phép sẽ bị phạt tiền và tịch thu xe.

Chiến dịch tổng kiểm tra, rà soát toàn diện các trường hợp vi phạm về sử dụng xe ngoại giao này sẽ do Bộ Công an chủ trì, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao cùng phối hợp tổ chức.

Cụ thể, Bộ Công an sẽ ra thông báo thu hồi đăng ký, biển số xe ngoại giao, biển số nước ngoài quá hạn sử dụng và tiến hành kiểm tra sau khi thông báo 60 ngày.

Quá thời hạn trên, tất cả các trường hợp đang sử dụng không đúng quy định xe biển số ngoại giao, biển số nước ngoài, không làm thủ tục chuyển nhượng và nộp thuế sẽ bị phạt tiền và tịch thu xe.

Các xe được tập trung kiểm tra thuộc quyền sở hữu của những cá nhân, tổ chức sử dụng xe không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ như viên chức cơ quan đại diện ngoại giao; những trường hợp xe mang biển số, đăng ký đã hết hạn sử dụng và lưu hành tại Việt Nam, hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và những trường hợp xe chuyển nhượng trái phép, tức không có giấy phép chuyển nhượng của cơ quan hải quan cấp.

Những chiếc xe siêu sang và siêu xe biển ngoại giao giờ thành "cục nợ" của nhiều đại gia.

Một số trường hợp vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Theo ước tính, cho tới cuối năm 2012, cả nước còn có 513 ô tô biển ngoại giao (gồm các biển số 80 NG, NN, QT) đã hết hạn sử dụng tại Việt Nam. Số xe này liên quan đến 42 đại sứ quán, cơ quan tổ chức quốc tế tại Việt Nam trong đó đại đa số các xe đã hết hạn đăng ký tại Việt Nam từ năm 2006-2009, cá biệt có những trường hợp đã hết hạn từ năm 2003-2004, tức cách đây 8-9 năm.

Siêu xe thành cục nợ vì “bán không được, dùng chẳng xong mà nuôi cực tốn”

Trên thực tế, phần lớn các xe mang biển ngoại giao hết hạn sử dụng đều thuộc các dòng xe cực đắt tiền như Bentley, Rolls Royce, Ferrari… bởi đây là cách “né” thuế từng rất hiệu quả trong nhiều năm qua.

Chính vì vậy, khi các cơ quan chức năng vào cuộc, chủ xe không khỏi “méo mặt” vì chiếc xe đắt tiền của mình này chẳng khác gì “cục nợ” bởi bán thì khó, cố dùng thì phạm luật còn nộp đủ thuế thì tổng chi phí lại rất cao.

Trò chuyện với chúng tôi, một thiếu gia có tiếng tại Hà Nội cho biết anh mua chiếc Ferrari 458 Italia được hơn 2 năm và để “né” thuế anh đã nhờ quan hệ cũng như chi tiền để trang bị cho xe một chiếc biển ngoại giao.

“Dù giảm được khá nhiều loại thuế lúc làm biển nhưng cho tới nay, tính chi phí hàng tháng dành để “nuôi” cái biển ngoại giao này tôi mất xấp xỉ 5.000 USD (100 triệu đồng)/tháng. Và giờ tôi cũng chưa biết nên tính thế nào, biết thế tôi ra biển trắng luôn từ đầu cho xong”, chàng thiếu gia này than thở.

Chi phí chuyển nhượng và nộp thuế cho chiếc xe sang này không hề nhỏ cộng với số tiền “nuôi biển” đã lên tới hơn 2 tỷ sau hơn 2 năm khiến thiếu gia này cũng như nhiều đại gia khác phải “méo mặt” nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Trước viễn cảnh “nuôi xe tốn kém” cũng như khả năng bị xử phạt, không ít đại gia đang rao bán giá rẻ mẫu xe con cưng một thời của mình để đẩy cục nợ đi.

Theo một số khảo sát, tại TP HCM, không ít dòng xe sang hoặc siêu sang như Bentley, Mercedes S-Class biển ngoại giao đang được chào bán với giá cực rẻ, chỉ bằng 1/5 giá thị trường. Chẳng hạn một chiếc Bentley đời 2010 trị giá cả trăm nghìn USD được rao với giá trên dưới 40.000 USD.

Dù có giá bèo nhưng những mẫu xe trên không dễ tìm thấy chủ mới bởi chi phí đổi biển cao, thủ tục chuyển nhượng không hề đơn giản khi mà người chủ đứng tên cho không ít xe biển ngoại giao giờ đã hết nhiệm kỳ và về nước.

(Theo VTC News)