Nhìn lại quá trình đổi mới kinh tế của Việt Nam từ năm 1986 đến nay, dường như mỗi bước ngoặt lớn của Việt Nam đều gắn với sự rút lui chủ động của kinh tế nhà nước.

Nỗi niềm mang tên… kế hoạch

Ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế Kinh tế (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) tần ngần nhìn chồng tài liệu dày cộp, cũ kỹ, tư liệu của gần 14 năm lãnh trách nhiệm nghiên cứu đổi mới công tác kế hoạch rồi thủng thẳng: “Nếu để tôi viết về chuyện thay đổi tư duy, chặng đường từ tư duy đến hành động, tôi cần 500 trang giấy”.

Tính là ít nhất, bởi như ông Thái kể, cho đến thời điểm trình lại đồ án đổi mới công tác kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp vào trung tuần tháng 1/2013, nhiều tư tưởng đổi mới từng được đề xuất trong những cuộc họp từ năm 1998 của Tổ công tác xây dựng Đề án, hay trong nội dung hội thảo luật kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (đã có tên trong chương trình xây dựng luật, pháp luật dự bị của quốc hội năm 2006), vẫn dừng lại trong các cuộc họp bàn.

“Vướng đầu tiên là cái tên… Khi nền kinh tế chuyển đổi từ mô hình tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, cảm giác như mọi thứ gắn với từ kế hoạch đều tạo ra sự lấn cấn, chứ chưa nói đến một bộ luật về kế hoạch. Chúng tôi đã từng phải tìm cách né tránh hai từ này, đưa ra những khái niệm thế chỗ như điều tiết, điều phối… để tăng tính thuyết phục cho công việc đang làm”, ông Thái kể và nhắc lại quãng thời gian hai năm nhọc công tìm kiếm câu trả lời mà tổ công tác luôn nhận được khi trình bày, rằng Mỹ, Nhật Bản, Đức… có kế hoạch không mà họ vẫn phát triển tốt thế.



Nhớ lại thời điểm đó, phải thừa nhận rằng ông Thái và những vị lãnh đạo, chỉ đạo công việc này như những người lội ngược dòng, trong khi cả nền kinh tế đang hối hả chuyển dịch theo các quy luật kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế rồi kế hoạch gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO)…

Thậm chí, không ít quan điểm cho rằng, công việc này chỉ nhằm phục vụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong mục tiêu quản lí nhà nước của mình, trong khi các bộ phận khác đều có những văn bản luật tương ứng.

“Không phải ngay từ đầu, mọi việc đã rành mạch. Cho đến khi được tiếp cận các trương trình tranh cử tổng thống của Mỹ, những bản thỏa thuận kinh tế, xã hội giữa các đảng phái trong liên minh cầm quyền Đức về các chính sách đối nội, đối ngoại trong nhiệm kỳ ứng cử, tôi mới vỡ ra rằng hóa ra, công tác xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội của Việt Nam chẳng lạ lẫm gì với thế giới. Thậm chí, sự thắng cử của một chính đảng nào đó chính là sự chiến thắng của một bản kế hoạch phát triền kinh tế - xã hội, với các nhiệm vụ về nhà nước cam kết sẽ làm trong giai đoạn đó…”, ông Thái nói.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc cứ khi nào có một bước chuyển tư duy về vai trò, vị trí của nhà nước trong nền kinh tế, thì khi đó, nền kinh tế sẽ có bước chuyển mạnh…

Bước lui và những đột phá

Hình ảnh mà ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đau lòng nhất khi nhắc tới đó là những khu đô thị đẹp nhưng không có người ở và sự đổ vỡ của thị trường bất động sản Việt Nam.

Còn nhớ, hồi năm 2010, ông Micheal Porter, cha đẻ của cạnh tranh đến Hà Nội để thực hiện Báo cáo năng lực cạnh tranh đầu tiên của Việt Nam, khi đi qua khu vực Mỹ Đình để đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tham dự lễ công bố Báo cáo, đã nói rằng, nhiều khu đô thị thì đẹp, nhưng các khu ấy lại không phải là nội dung căn bản của năng lực cạnh tranh.

“Lúc đó, ông ấy đã cảnh báo sự tiêu diệt năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, khi nhìn thấy hầu như các nguồn lực của đất nước đổ dồn vào lĩnh vực bất động sản”, ông Thiên nhớ lại.

Hiện giờ, các doanh nghiệp, trong đó có rất nhiều các doanh nghiệp nhà nước, đang cố gắng, nhưng không dễ thoái lui những khoản đầu tư vào bất động sản ồ ạt, dễ dãi trước đó. Mọi việc đã đi quá nguyên tắc mà đáng ra doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ, đó là chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

“Để biết doanh nghiệp nhà nước được làm gì, Nhà nước phải xác định rõ vùng dành riêng. Trong quá trình chuyển đổi, Nhà nước càng chủ động lui chân, thị trường càng ngày càng hiệu quả và ngược lại, sự chậm trễ sẽ khiến các nội dung tái cấu trúc nền kinh tế đang được đặt ra trở nên ít ý nghĩa “, ông Thiêm phân tích.

Nhìn lại quá trình đổi mới của nền kinh tế Việt Nam từ năm 1986 đến nay, dường như mỗi bước ngoặt của Việt Nam đều gắn với sự rút lui chủ động của kinh tế nhà nước.

Năm 1985-1986, kinh tế Việt Nam rơi vào cái đáy không thể sâu hơn nữa, với tỷ lệ lạm phát lên tới 192%, đói, khổ trên diện rộng. Khi đó, Nhà nước quyết định thu hẹp phạm vi của mình với doanh nghiệp, trao toàn quyền cho nông dân. Từ một nước nhập khẩu lương thực, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu lương thực vào năm 1989.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thứ 2 diễn ra vào năm 1990, khi toàn bộ khối chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu bị sụp đổ, kinh tế VN gần như bị cô lập, hệ thống quỹ tín dụng đổ vỡ hàng loạt, xã hội bất ổn, Nhà nước quyết định thu hẹp phạm vi của mình trong công nghiệp và dịch vụ. Một loạt doanh nghiệp nhà nước đóng cửa. Lần đầu tiên, thuật ngữ “về một cục” xuất hiện với hàm nghĩa, Nhà nước trả một khoản tiền cho những người ra khỏi biên chế.

Rồi Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời, lần đầu tiên công nhận khu vực kinh tế tư nhân, đánh dấu bước đột phá đầu tiên của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, trước khi Luật Doanh nghiệp tạo nên một bước đột phá ngoạn mục, đưa nền kinh tế Việt Nam vào quỹ đạo phát triển mới, cùng với nguyên tắc người dân được làm những gì pháp luật không cấm… vào năm 1999.

“Khi kinh tế tư nhân xuất hiện, các bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội xuất hiện nội dung mới, đó là hệ thống cơ chế chính sách. Trước đó, Nhà nước thực hiện cách giao kế hoạch cho khu vực kinh tế nhà nước. Nhưng với khu vực kinh tế tư nhân, sự can thiệp phải bằng công cụ là cơ chế chính sách”, ông Thái phân tích và cho rằng, sự thay đổi này cũng là cơ sở để hình thành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước vào năm 1994…

Chìa khóa mang tên tư duy

Không nhiều người biết rằng, ý tưởng đầu tiên của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước được thể hiện bằng khoảng 40 trang A4 viết tay, lại đề xuất đối tượng điều chỉnh của luật này là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Quan điểm của những người chắp bút, chính là nguyên tắc trong xây dựng kế hoạch: Nhà nước can thiệp tới khu vực kinh tế tư nhân bằng cơ chế và giao việc cho khu vực doanh nghiệp nhà nước.

“Nhưng tư duy doanh nghiệp nhà nước không thể ít điều kiện thuận lợi hơn doanh nghiệp tư nhân đã thắng. Luât Khuyến khích đầu tư trong nước được thông qua với đối tượng là mọi thành phần kinh tế”, ông Thái kể.

Hiện tại, sau chặng đường dài cải cách doanh nghiệp nhà nước, câu chuyện về sự áp đặt kỷ luật thị trường, cạnh tranh sòng phẳng vẫn đang được đặt trong kế hoạch tái cơ cấu, thì vào những năm 1994 – 1995, sự phân biệt giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước còn lớn tới như thế nào.

Thực tế này lí giải tại sao những lợi ích, thuận lợi từ cơ chế chính sách của Luật Khuyến khích đầu tư trong nước gần như đương nhiên rơi vào khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Có điều, ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên trợ lí cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt giai đoạn 1985 – 1994 cảm thấy tiếc nuối khi nói về những điểm đột phá của nền kinh tế Việt Nam. Đó là sau những bước ngoặt mà nền kinh tế đạt được từ những bước lui của Nhà nước, chúng ta lại chưa tận dụng tốt cơ hội để đẩy nhanh các cuộc cải cách, đổi mới, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

“Nếu như năm 2000, năm 2005, chúng ta đẩy mạnh được đà đổi mới tư duy, là Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, và người dân được làm những gì pháp luật không cấm, thì có thể những bước tiến của nền kinh tế đã xa hơn”, ông Tuấn nói đầy tâm tư.

Ông Tuấn cũng là “người của ngành kế hoạch”, trước khi trở thành trợ lí của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là người khởi xướng những bài nghiên cứu về đổi mới xây dựng kế hoạch “theo khả năng thanh toán”, đăng trên Tạp chí Kế hoạch hóa (hiện là Tạp chí Kinh tế và Dự báo) những năm 1984 và cũng đã chịu khá nhiều bầm dập bởi những tư tưởng này.

“Tôi may mắn được trải qua, được chứng kiến một phần những bước chuyển đổi tư duy của các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ trước những tình huống ‘xé rào’. Có những vị tư duy vô cùng bảo thủ, nhưng khi đó, họ đều là những người thoát thai từ kháng chiến, những người có thực tâm với dân, với nước, nên các bước chuyển đổi tư duy, dù có khó khăn, nhưng thật sự cầu thị”, ông Tuấn kể lại những bước đột phá của kinh tế Việt Nam sau mỗi cuộc khủng hoảng được cho là tới hạn.

Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam cũng được cho là “tới hạn” và buộc phải thay đổi. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, so với những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đã trải qua, dường như tình hình đang khó hơn rất nhiều, nhất là khi lợi ích đang chi phối khá nhiều các quyết định chính sách.

Song, nếu lại đi chậm, vụt mất cơ hội tái cơ cấu trong năm 2013-2014 để sẵn sàng bước vào năm 2015 hội nhập đầy đủ, thì kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức sống còn hơn.

(Theo Đầu tư)