Các trung tâm thương mại vắng “như chùa bà đanh”, người tham quan đã thưa thớt, người mua càng đếm trên đầu ngón tay.

Bầu không khí yên ắng bao trùm tất cả các tầng, đối lập với cảnh nô nức, chen lấn, xô đẩy như mọi năm. Tết đến rồi nhưng lương thưởng bèo bọt, lấy tiền đâu để “vung tay quá trán”.

Vắng!

Đó là “cơn bệnh” chung của các trung tâm thương mại, từ lớn đến nhỏ dịp cuối năm. Hàng hóa ê hề, bày biện gọn gàng, đẹp mắt trong những cửa hàng lung linh ánh đèn kèm theo lời chào mời đon đả của cô nhân viên cũng không đủ sức hấp dẫn, hay khiến các “thượng đế” động lòng móc hầu bao. Khách xem thờ ơ, lướt qua các ô cửa kính như đi dạo mát. Một vài người dừng chân ghé lại, nhưng sau khi xem xét, hỏi han giá cả, lắc đầu bước ra, chép miệng “Đắt quá”. Dễ nhận thấy, khách đến trung tâm thương mại đều hầu hết không phải vì mục đích mua sắm, mà chủ yếu để “window-shopping” giết thời gian.

Tại trung tâm thương mại IndoChina, nằm trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, cả tòa nhà 4 tầng rộng lớn vắng vẻ từ trong ra ngoài. Ngoài khuôn viên, vài cô cậu sinh viên tranh thủ thời gian chờ xe buýt ngồi tâm sự, nét mặt pha chút mệt mỏi. Bước vào bên trong, dưới tầng 1, các gian hàng mỹ phẩm, quần áo ế khách, dù đã treo biển giảm giá 50% kèm theo cả phiếu giảm giá lẫn phiếu quà tặng. Nhân viên bán hàng “ngồi buồn một mình” giải khuây bằng cách chơi game, tán gẫu, nhắn tin điện thoại. Ánh mắt mong chờ các thượng đế ghé qua…vì nếu hàng bán kém, lương thưởng Tết này các cô cũng bị ảnh hưởng. Lên đến tầng 2, tầng 3 tình hình chẳng khá khẩm hơn.

The Parkson Kengnam, PicoMall hay The Garden…cũng chịu chung “số phận” vạn người bán lèo tèo người mua. Hành lang rộng rãi, đèn đóm sáng trưng mà chẳng mấy vị khách lại qua, chỉ thấy chị lao công đang khẩn trương lau dọn. Ế ẩm nhất phải kể đến cửa hàng trang trí nội thất và quần áo. Đâu rồi cảnh chị em lũ lượt ra vào, thử hết bộ nọ đến bộ kia, thậm chí nếu hàng hết, còn chịu đặt trước tiền để mua được bộ cánh ưng ý. Chị Hòa, kế toán một công ty dược tại Hà Nội cho biết: “Mọi năm dư dả, mình thường đến The Garden để tậu một vài bộ váy mới diện Tết. Nhưng năm nay, lương thưởng “hẻo”, vật giá lại leo thang, mình đành “bấm bụng”, nhường chỗ cho các nhu cầu thiết yếu của gia đình hơn. Một bộ váy 3 triệu, giảm 50% là 1,5 triệu, vẫn quá sức so với khả năng tài chính hiện tại của mình.”




Trong bối cảnh thu nhập giảm sút, đặc biệt vào dịp Tết thường có hàng trăm khoản lớn nhỏ phải chi, từ mua quà biếu xén hai bên nội ngoại đến bánh kẹo, đào quất… chuyện “vung tay quá trán” thắt chặt chi tiêu đã và đang trở thành khẩu hiệu chung của mọi gia đình, bỏ ra hàng triệu chỉ để mua một bộ quần áo hay một chiếc đồng hồ hàng hiệu trong các trung tâm thương mại trở nên xa xỉ. Người tiêu dùng dù “thích” nhưng cũng đành chọn phương án ra siêu thị hoặc chợ để tiết kiệm hầu bao.

Vậy là, vì hoàn cảnh “thắt lưng buộc bụng” mà các trung tâm thương mại đành “ngậm ngùi” chịu cảnh vắng hoe. Âu cũng là sự phản ánh đúng “sức chịu đựng” của nền kinh tế thời buổi suy thoái. Bên cạnh đó, thứ trưởng Bộ Công thương còn mừng vì sức mua giảm sút vào dịp Tết chứng tỏ dân biết tiết kiệm hơn. Thế nhưng qua đây mới thấy các lãnh đạo nhà ta quý dân quá nên quên mất vị trí của mình là phải “nhìn xa trông rộng”. Sức mua giảm sút đồng nghĩa với nhiều doanh nghiệp phá sản, kinh tế xã hội liệu có cân bằng? Điều này có lẽ ngài Thứ trưởng biết nhưng… chưa nói thôi.

(Theo Sức Sống Mới)