Bảo tàng Binh chủng Đặc công hiện đang lưu giữ xe tải Hino biển số EC-6045. Đó là xe của nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, người khá nổi tiếng trong giới thượng lưu ở Sài Gòn trước năm 1975, được tự do ra vào Dinh Độc Lập.


Xây hầm chứa vũ khí

Ông tên thật là Trần Văn Lai (còn gọi là Năm Lai, Năm U.SOM) sinh năm 1920 tại Kiến Xương, Thái Bình, sớm rời làng quê đi kiếm sống làm “thằng nhỏ” cho một chủ người Pháp. Khi về nước, người chủ này “sang tay” Lai làm nghề tiêm thuốc phiện cho Phạm Gia Nùng, án sát tỉnh Bắc Ninh và được quan án sát yêu quý. Trong lần ăn mừng được lên chức Bố chánh tỉnh Bắc Ninh, Nùng giới thiệu với các quan khách tây, ta đến dự Lai là cháu gọi vợ bé của Nùng bằng cô ruột. Đây là cơ hội tốt cho Lai hợp thức hóa lý lịch trong suốt quãng đời hoạt động bí mật giữa lòng địch sau này.

Làm cho gia đình Nùng ít lâu, ông bỏ đi, theo những tốp thợ chuyên trang trí nội thất học nghề. Tháng 7/1942, ông vào Nam theo chân đoàn mộ phu cho các đồn điền cao su  ở Phú Riềng. Được giác ngộ cách mạng, ông tham gia đơn vị tự vệ Quyết tử 950, tiền thân của Bộ đội đặc công và biệt động Sài Gòn sau này.

 

Nhờ vốn kinh nghiệm những ngày làm thợ trang trí nội thất, lại khéo tay, ông Năm Lai được tham gia tốp thợ sửa chữa ngai vàng cho Hoàng gia Campuchia, được vua cha của ông Hoàng Sihanuk khen ngợi. Ngoài tiền thưởng hậu hĩnh, mỗi người thợ còn được cấp một chứng chỉ có quyền nhập cảnh Campuchia bất cứ lúc nào mà không cần xin phép. 

Đây cũng chính là một “tấm bùa hộ mệnh” trong quãng đời hoạt động bí mật của ông. Nhờ chứng chỉ này, ông đã được nhận làm trang trí nội thất, có thể tự do ra vào Dinh Độc Lập,và đây cũng là con đường để ông vươn lên thành nhà thầu khoán. Một vỏ bọc cho hoạt động trong nội thành.

 
Năm Lai cùng chiếc xe EC_ 6045

 Năm 1966, tổ chức giao Năm Lai chuẩn bị cơ sở cất giấu vũ khí cho lực lượng biệt động thành. Ông mua 3 căn nhà nay là số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, TP Hồ Chí Minh và 2 chiếc xe: Citroen biển số NCE-345 và xe bán tải Hino mang biển số EC-6045. Hình ảnh nhà thầu khoán thường xuyên lái xe có dán giấy in dấu phủ đầu rồng đã thuận lợi cho ông ông vận chuyển xi măng, gạch, cát, sắt bí mật xây hầm. Năm 1967 căn hầm rộng 30m2, sâu 2,5m được ngụy trang kín đáo hoàn thành, cuối năm đó ông nhiều lần dùng xe biển số EC-6045 chở 2,5 tấn vũ khí gồm súng, thuốc nổ, đạn về giấu trong hầm nhà..

Trong cuộc tấn công Mậu Thân 1968, 19 chiến sĩ biệt động có mặt tại nhà 287/70 nhận vũ khí sẵn sàng xuất phát. Đội trưởng Tô Hoài Thanh (Ba Thanh) phân công Năm Lai ở lại tiếp tế vũ khí cho các mũi tấn công khác nhưng Năm Lai kiên quyết đề nghị được tham gia vì ông mới thạo đường đi lối lại trong dinh. 1 giờ 30 phút ngày 3-1-1968, Năm Lai lái chiếc xe EC-6045 chở Ba Thanh dẫn đầu đoàn xe theo đường Trần Quý Cáp rẽ ra đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng Tám) rồi theo đường Nguyễn Du áp sát cổng sau Dinh Độc Lập, sau loạt súng AK tiêu diệt tốp lính gác, một chiến sĩ lao vào cổng đặt khối thuốc nổ. Khối thuốc không nổ, các chiến sĩ của ta tiếp tục vượt rào tấn công vào dinh. Lúc này địch trong dinh bắn ra dữ dội, Ba Thanh bị trúng đạn, trước phút hy sinh, Ba Thanh yêu cầu các đồng chí tiếp tục chiến đấu, giữ vững trận địa còn Năm Lai phải trở về ngay để tiếp tế vũ khí, Năm Lai trở về nhà nhưng từ xa đã thấy tốp lính bao vây kín, cùng lúc trên trời một chiếc trực thăng quần đảo và đạn bắn xối xả vào ngôi nhà 287/70. Biết cơ sở đã bị lộ, ông chạy ra chợ Bến Thành nấp vào hầm than sau đó về nhà ở 720 Võ Di Nguy (nay là Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp), sau đó ông ra miền Trung hoạt động.

 
Trần Văn Lai (giữa) cùng các đồng đội

Sau khi biết Năm Lai chính là chiến sĩ biệt động Sài Gòn, người tổ chức vận chuyển vũ khí đánh vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, địch chúng truy nã ráo riết, đồng thời còn treo giải thưởng 2 triệu đồng cho ai chỉ hoặc bắt được Năm Lai giao cho nhà chức trách.Mãi đến năm 1972, Năm Lai bị bắt tại Quảng Ngãi nhưng trên giấy căn cước lại mang tên người khác, hơn nữa lúc này ông “giả điên”, bọn chúng chẳng khai thác được gì đành phải thả. Còn 2 chiếc ô tô của ông, sau cuộc tổng tấn công vào Dinh Độc Lập bị chính quyền Sài Gòn phát hiện, tịch thu. Sau năm 1975, được sự giúp đỡ của Cục Vận tải đường bộ, Tổng cục Giao thông vận tải miền Nam, gia đình ông tìm lại được chiếc Hino EC-6045, chiếc xe mà ông đã mua với giá gần 300 cây vàng, một số tiền cực lớn trong thời điểm bấy giờ, đây cũng chính là chiếc xe ông Năm Lai dùng nhiều nhất vì máy tốt, chạy êm, ít gây tiếng ồn, có thiết kế thùng phía sau kín đáo, thuận tiện trong việc chở người và vũ khí một cách bí mật. 

Khi Bảo tàng Binh chủng Đặc công đề nghị xin làm hiện vật trưng bày, ông đã đích thân lái chiếc xe vượt 1.700 cây số từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội tặng cho đơn vị.

Cuộc đời Năm Lai cùng đồng đội và chiến công của họ đã trở thành nguyên mẫu cho bộ phim “Biệt động Sài Gòn” nổi tiếng. Căn nhà 287/70 trở thành Di tích lịch sử quốc gia nơi đây luôn là địa chỉ đỏ để giáo dục thế hệ trẻ và khách tham quan. 

Hiện thời, hầm ngầm của ngôi nhà đã được tu bổ, nhưng vẫn giữ được nguyên trạng như lúc ban đầu. Dưới hầm trưng bày nhiều súng, đạn, quân trang… đã được ông Năm Lai lúc sinh thời mang về đây cất giấu. Còn tại tầng trệt, trưng bày một số hình ảnh lưu niệm của đội biệt động thành, tư liệu, báo chí Sài Gòn viết về trận đánh Dinh Độc Lập vào Tết Mậu Thân… Nơi được xem là trang trọng nhất trong căn nhà đó là trên tầng lửng. Nơi đây dùng để thờ phụng các liệt sĩ của Đội 5 biệt động thành. 

Tuy vậy, đến nay vẫn không ai biết rõ số tài sản mà “tỷ phú thầu khoán” Trần Văn Lai ủng hộ cách mạng, bởi sinh thời ông không bao giờ nhắc đến. Còn vợ ông cũng chỉ biết rằng 6 căn nhà, 3 căn biệt thự lớn, 2 xe ô tô hiệu Peugoet và Hino Pickup,  3 xe gắn máy và 800 lượng vàng là số trực tiếp được huy động phục vụ cho công tác của lực lượng biệt động nội thành. Bà cũng nói rằng, mãi về sau này bà mới biết trong ngôi nhà của mình có cả một hầm chứa vũ khí.

Thanh Lê