Ngày 21/01/2013, Obama đã nhậm chức nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai cùng những kỳ vọng về sự thay đổi mà ông sẽ mang lại giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua những thách thức trong thời gian tới.

Những dấu hiệu tích cực

Bước vào nhiệm kỳ 2, ông Obanma chấp nhận thực tế rằng nước Mỹ đang bị chia rẽ nhưng quyết tâm vượt lên và tiếp tục theo đuổi các chính sách kinh tế, xã hội còn dang dở của mình.

Trong khi có rất nhiều lo ngại về tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2013, cũng có những lý do để tin tưởng rằng Tổng thống Obama sẽ giúp kinh tế phục hồi.

Trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ đầu tiên, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 1.84 triệu việc làm, tương đương với mức của năm 2011. Tỷ lệ thất nghiệp trong cuối năm 2012 ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm ông Obama lên nắm quyền, một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động Mỹ đang có những bước tiến vững chắc.

Đến đầu năm 2013, viễn cảnh rơi vào vực thẳm tài khóa và suy thoái của kinh tế Mỹ đã tạm thời được gỡ bỏ khi hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đạt được thỏa thuận về việc tăng mức trần nợ công.

Bất chấp những tranh cãi chính trị về vách đá tài chính và trần nợ công, thị trường tài chính Mỹ đã có những tín hiệu vui khi đạt tăng trưởng 12%, theo đánh giá của S&P 500, cho thấy sự thành công trong công tác điều hành chính phủ và củng cố niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường tài chính Mỹ.



Một triển vọng khác đó là cuộc cách mạng dầu khí có thể làm thay đổi nền kinh tế Mỹ khi nước này đã chính thức phát triển thương mại khí đá phiến.

Theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Mỹ có thể vượt qua Ả-rập Xê-út để trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu thế giới trước năm 2017. Điều này sẽ giúp Mỹ tự túc về năng lượng, bớt lệ thuộc vào nguồn dầu mỏ tại khu vực Trung Đông nhiều bất ổn.

Sự phát triển này sẽ không chỉ làm thay đổi cơ cấu cung cấp năng lượng Mỹ mà còn ảnh hưởng tới vai trò kinh tế và địa chính trị của Mỹ trong việc điều chỉnh nhu cầu năng lượng toàn cầu. Tới nay, giá dầu cao là một trong những nguyên nhân chính của các vấn đề tài chính Mỹ.

Đó là lý do tại sao chính quyền Mỹ các đời tổng thống đều luôn xem việc đảm bảo sự ổn định của nguồn cung năng lượng là một trong lợi ích quốc gia cốt lõi của Mỹ.

Thế giới trông đợi gì?

Thể chế thương mại lớn nhất toàn cầu là WTO đang tồn tại nhiều bất cập và các nước đang trông đợi những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ lên tiếng cải tổ. Chương trình nghị sự trong WTO cũng đã trở nên lạc hậu so với yêu cầu thực tế khi đã quá tập trung vào việc giảm thuế quan, vấn đề trợ cấp.

Một mối quan tâm khác của phần còn lại của thế giới đó chính là việc Tổng thống Obama sẽ giải quyết thế nào quan hệ Mỹ - Trung và sức khỏe của hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới.

Thông qua Đối thoại chiến lược, Mỹ tập trung xây dựng quan hệ đối tác hợp tác kinh tế với Trung Quốc, giảm các cọ xát thương mại liên quan tới vấn đề sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, cạnh tranh bất bình đẳng hay các hoạt động phi thị trường được nhà nước hỗ trợ. Quan điểm của Mỹ tới nay vẫn là hoan nghênh một Trung Quốc hùng mạnh, thịnh vượng và trở thành một đối tác có trách nhiệm đối với kinh tế toàn cầu.

Thời gian tới Mỹ sẽ tập trung nguồn lực vào Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Từ góc độ của Mỹ, TPP sẽ giúp hạ các rào cản, nâng cao tiêu chuẩn và định hình tăng trưởng dài hạn cho toàn khu vực. TPP giúp Mỹ tiếp cận tốt hơn các thị trường đang phát triển của châu Á, giúp thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ, tạo việc làm.

Các hiệp định khu vực (FTA) có thể không phải là yếu tố mới song Mỹ sẽ xem xét đàm phán FTA với EU trong năm 2013.

Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản, Hàn Quốc tiếp tục là hai đồng minh và đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ. Đây đều là những đối tác lớn của Mỹ trong WTO. Mỹ và Nhật Bản đã có những cam kết mạnh mẽ về việc phát triển năng lượng sạch, sử dụng an toàn năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima và tăng cường đầu tư song phương, đảm bảo sự vận hành của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hợp tác Mỹ-Hàn được đánh dấu bằng Hiệp định thương mại tự do (KORUS) có hiệu lực từ tháng 3/2012, nhờ đó, xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp của Mỹ sang Hàn Quốc đã tăng đáng kể. Sự thành công của KORUS giúp Mỹ hạ thấp rào cản thuế quan, tạo cơ hội đầu tư và thúc đẩy tự do thương mại trong toàn khu vực.

Thời gian qua, Mỹ đã can dự vào kinh tế khu vực bằng cách tham gia sâu hơn vào các tổ chức như ASEAN, APEC, thúc đẩy hệ thống thương mại , đầu tư tự do nhằm gỡ bỏ hàng rào thuế quan, mở rộng thương mại và tăng cường đầu tư vào khu vực, củng cố các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Xu hướng này sẽ tiếp tục được TT Obama theo đuổi và thực hiện trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.

AV