Doanh nhân khát khao pháp trị để làm ăn. Bậc tôn trưởng mong chính sách đối
ngoại lấy các giá trị phổ quát làm động lực. Giới nghiên cứu lo “thời tiết nóng
lạnh” trong bang giao. Trước tất cả là đòi hỏi chính khách phải có tầm nhìn thời
đại và đầu óc nhạy bén, lấy lợi ích dân tộc làm tối thượng.
Từ doanh nhân đến bậc tôn trưởng…
Đó là chủ một doanh nghiệp nhỏ, có cái tên độc đáo: Hịnh. Vâng, Hịnh quê ở Sơn Tây, gần vùng “bò xanh bò vàng” có cửa hàng bán phụ tùng ô tô ngay giữa Hà Nội. Hịnh xưng cháu với tôi, cũng phải thôi khi so tuổi tác. Nếu gặp ngày thường chắc chẳng có ấn tượng gì, nhưng hôm ấy sau buổi giao lưu với “Liên hiệp Trí tuệ trẻ Việt Nam”, chúng tôi ngồi lại. Hịnh kêu mấy đêm nay mất ngủ. Hỏi lý do Hịnh trả lời “Cháu trằn trọc vì chẳng nhẽ doanh nhân Việt cứ “lay lắt” hết ngày dài lại đêm thâu như thế này mãi. Phải tìm ra một sinh lộ mới chứ, chẳng nhẽ cứ cam chịu “vắt mũi bỏ miệng” suốt đời?”.
Nhìn thẳng vào khuôn mặt của nhà doanh nghiệp lực lưỡng này, tôi trả lời “chất vấn” của người thanh niên trạc tuổi con mình mà lòng đầy suy tư. Câu chuyện xoay quanh vấn đề căn nguyên của phát triển. Hịnh hoài nghi trường phái địa lý của Jeffrey Sachs, thừa nhận vai trò của hội nhập do David Dollar chủ xướng nhưng nhà doanh nhân trẻ lại đau đầu với trường phái thể chế, gắn với Daron Acemoglu. “Cháu nghĩ thể chế như hệ thống, khi đã bị lỗi, thậm chí hỏng, chú lắp các con chip tốt vào cũng chẳng ăn thua. Cháu thấy ông ấy đúng (Acemoglu)! Mà thể chế phải bắt nguồn từ văn hóa chú ạ”. Hịnh nói chắc như đinh đóng cột, làm như chính cậu ta là người thuyết trình.
Hỏi chuyện doanh nhân trẻ, tôi ngạc nhiên khi biết rằng, con người đĩnh đạc, đàng hoàng ấy đã có lúc mất phương hướng. Trong gần ba năm làm công ăn lương (Hịnh nói toẹt là đi làm thuê để học nghề), ông chủ tương lai nhận thấy vai trò doanh nhân ta bấy giờ khá mập mờ và vai trò thị trường thậm chí còn mập mờ hơn. Hịnh bi quan tự hỏi, hình như người Việt mình không biết phát triển đất nước. Chàng cựu sinh viên Bách Khoa tìm đọc khá nhiều sách, từ Tây đến ta. Và rồi Hịnh rất tâm đắc với Nam Hải dị nhân liệt truyện của cụ Phan Kế Bính. Theo Hịnh, đây là cuốn đáng tham khảo về sự nghiệp các bậc hào kiệt cao nhân ở ta. Khi biết nước Nam mình không thiếu anh tài, Hịnh xắn tay áo mở doanh nghiệp, hoạt động gần được năm năm…
Trước tết Quý Tỵ, đến vấn an tôn trưởng (Venerable elder) Nguyễn Mạnh Cầm tại tư gia, lại gặp một ngạc nhiên khác khi nguyên phó Thủ tướng đã bước sang tuổi 85 mà vẫn say sưa về vai trò ngoại giao trong phát triển. Theo ông, “ngoại giao kinh tế” mới là nói đúng chuẩn của thế giới, còn “kinh tế đối ngoại” là cách nói của Việt Nam và vài nước. Thời hội nhập, khó tách kinh tế đối ngoại và đối ngoại ra riêng biệt. Ở một số nước như Úc, New Zealand, Hàn Quốc…ngoại giao và thương mại là một bộ chung, đủ nói lên thực chất của quan niệm “ngoại giao kinh tế”. Trả lời câu hỏi ở Việt nam ai có công đầu về ngoại giao kinh tế, ông Cầm nhắc đến cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cố phó Thủ tướng Nguyễn Cơ Thạch.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm - vị lãnh đạo coi trọng vai trò ngoại giao trong phát triển kinh tế. |
Một trong những đóng góp lớn nhất của hai vị lãnh đạo ấy là sự bứt phá. Ông Cầm kể lại, ông Thạch là một trong những người đầu tiên đề ra chủ trương “đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế”, còn ông Sáu Dân là người nêu ý tưởng “vươn ra thế giới bên ngoài để phát triển”. Ông Sáu Dân là một trong những vị lãnh đạo ở ta đã hướng chính sách quốc gia đi theo những giá trị phổ quát: Kinh tế thị trường, xã hội công dân, nhà nước pháp quyền. Ông từng gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thay đổi căn bản diễn ra trên thế giới, giải thoát ngoại giao khỏi tư duy ý thức hệ cứng nhắc. Đó chính là tiền đề của nhận thức chính sách đối ngoại không chỉ kéo dài của chính sách đối nội, cả hai cần được nhìn nhận trong chiến lược khôn sáng.
Từ học giả đến chính khách
Trong số hàng ngàn học giả từ trong cả nước và 36 quốc gia đổ về Hà Nội luận đàm về hội nhập và phát triển của Việt Nam, có nhiều con người tỏa sáng. Một trong những học giả đó là GS Vladimir N.Kolotov. Vị giáo sư ấy đã cảnh báo tình huống cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ bắt đầu “cuộc chơi địa- chính trị”, và thực tế là Việt Nam đang ở thế trên đe, dưới búa. Giờ đây, các vấn đề của Việt Nam, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong sự cạnh tranh ác liệt giữa các cường quốc. Yếu tố Việt Nam có thể thúc đẩy hoặc ngăn chặn “cuộc Nam tiến” của Trung Quốc. Từng đóng vai trò như một “bộ cảm biến” trong việc xác định thế cân bằng tại khu vực, để phát triển, Việt Nam chủ động tham gia cả hai cuộc marathon về tự do hóa mậu dịch: sớm có mặt trong đàm phán TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và tham gia tích cực vào RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực).
Lang thang trên “mạng”, gặp buổi nói chuyện của thứ trưởng ngoại giao Mỹ Robert D. Hormats với cộng đồng doanh nghiệp Hong Kong. Ông này chuyên trách về tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường. Ở cương vị này, Hormats đi Trung Quốc “như đi chợ”, mấy năm lại đây mà đi lại tới mười lần và trong chính tháng qua đã “lượn” sáu vòng ở châu Á- Thái Bình Dương, qua 12 thành phố và bảy quốc gia, trong đó có sang cả Việt Nam. “Các quan hệ kinh tế và thương mại song phương và đa phương của Mỹ trong hai khu vực là trụ cột của nỗ lực tái cân bằng chính sách của Mỹ sang châu Á”, ông Hormats tuyên bố như vậy.
Qua bài diễn thuyết của ông, với Obama-2 biết đâu sẽ là cơ hội cho Việt Nam. Chiến lược Á Tâm bắt đầu cách đây 4 năm phản ánh bản chất đang thay đổi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu và vai trò to lớn mà châu Á đang nắm giữ trong các chuyển dịch gây sốc với một vài quốc gia. Tất cả đại sứ Mỹ, đặc biệt tại châu Á và ưu tiên hơn ở ASEAN, từ nay luôn phải tâm niệm một chữ “NEI” (sáng kiến xuất khẩu quốc gia) do tổng thống khởi xướng.
(Theo SGTT)