Các nhà kinh doanh Việt Nam hay bị bệnh của lòng tham và sự hoang tưởng, sĩ diện hão. Nhiều người còn đầu tư, làm ăn theo đám đông, bầy đàn...

Hơn 40 năm lăn lộn trên thương trường quốc tế, Tiến sỹ Alan Phan với cái nhìn thẳng thắn, đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện làm giàu, cũng như đạo đức trong kinh doanh hiện nay.

Lòng tham và sự hoang tưởng

Năm 2012 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam rơi vào thua lỗ nặng nề. Nhiều đại gia Việt làm ăn chụp giật, tài sản ảo cũng đã lộ rõ nguyên hình. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Tiến sỹ Alan Phan

Tôi không ngạc nhiên về hiện tượng này, bởi không riêng gì các nhà kinh doanh Việt Nam mà phần lớn trên thế giới cũng hay bị bệnh của lòng tham và sự hoang tưởng.

Con người thường có hoang tưởng khi thành công trong một vài lĩnh vực là có thể thành công trong nhiều lĩnh vực khác, hay khi có chút tiền trong tay thì thường họ nghĩ mình phải làm ăn lớn, phải đầu tư nhiều thứ.

Ngoài ra, còn do tư duy làm ăn chụp giật, manh mún. Nhưng cũng không trách được vì trong một cơ chế như hiện nay, phần lớn dựa trên quan hệ thay vì mồ hôi nước mắt của sáng tạo của sự nỗ lực.

Có thể chỉ từ một vài quan hệ có thể đem đến cả triệu USD nên người ta dám lao vào lĩnh vực trái ngành, không phải thế mạnh của mình. Nhiều người còn đầu tư, làm ăn theo đám đông, bầy đàn.

Chẳng hạn, khi thấy vài người kiếm được tiền trong chứng khoán thì nhà nhà lên sàn chơi. Nhưng khi chứng khoán đi xuống, lại thấy nhiều người kiếm bộn từ địa ốc thì lại ào ào đổ vào bất động sản. Nhưng cũng vì nhanh nên cũng dễ bề tan rã.

Những đám cưới với siêu xe đình đám


Vậy ông nghĩ gì về những kiểu thể hiện đẳng cấp, sự xa hoa của đại gia Việt với những kiểu chơi ngông như sắm siêu xe, mua các CLB bóng đá, hay tổ chức đám cưới cho con hàng chục tỷ đồng?

Khi tôi còn trẻ mới có chút tiền nên cũng hay thích khoe, nó bắt đầu từ tiềm thức về một quá khứ thua kém. Ở xứ Mỹ và các nước châu Âu, thực tình ai muốn khoe cứ việc khoe và vẫn có những người giàu khoe của.

Nhưng vì xã hội quá nhiều người giàu có nên bỏ ra 1-2 triệu USD để tổ chức tiệc cưới hay sắm siêu xe thì người Mỹ cũng không quan tâm. Ngược lại, những tỷ phú Mỹ sống tằn tiện thì lại được ca ngợi.

Chẳng hạn, như ông Warren Buffett, người giàu có nổi tiếng của thế giới hiện có tới 39 tỷ USD nhưng vẫn đi chiếc xe mua 15 năm trước với giá 18.000 USD. Và nếu đem ông Warren Buffet đứng cạnh các đại gia Việt chơi siêu xe như báo chí hay đưa tin thì họ sẽ khóc ngay.

Nói chung câu chuyện thể hiện thì mỗi người mỗi kiểu, nhưng phần lớn thường gặp phải một vấn đề là sĩ diện. Bởi đã là đại gia thực sự thì họ không còn nghĩ đến tiền nữa mà họ quan tâm đến những sở thích của mình chứ không phải kiểu chơi ngông.

Tôi cho rằng, những kiểu khoe giàu quá mức hay tiêu xài quá mức của các đại gia sẽ gây phản cảm. Họ cũng nên kín đáo hơn trong tiêu xài của mình.


Tiền không mua được sự kính trọng

Ở nhiều nước có các đại gia truyền đời, các tập đoàn truyền qua nhiều thế hệ. Càng đời sau họ lại giàu và đạt được nhiều thành tựu hơn đời trước. Vậy theo ông, để hình thành những đại gia giàu bền vững cần phải như thế nào?

Những cuộc phỏng vấn các đại gia Việt trên báo chí cho thấy nhiều người có một mộng ước là làm tỷ phú đô la. Theo bảng ước tính của tạp chí Forbes, chỉ có tất cả 1.080 tỷ phú đô la trên thế giới.

Do đó, nếu được ghi danh vào bảng phong thần này, thì các đại gia Việt có thể tự nhủ là đã thỏa mãn tự ái và hoài bão của vợ con, gia đình mình. Nhiều doanh gia Việt đã hãnh diện nhận đủ thứ giải thưởng ở nước nhà, nhưng dường như chưa ông bà nào lên được bảng vàng của Forbes hay Fortune.

Thực ra, ở nước ngoài có nhiều cô cậu trẻ đã có thể sở hữu một tài sản kếch xù, đa phần là thừa hưởng từ gia đình nhưng cũng có những đứa trẻ đã tự mình trở thành triệu phú ngay từ khi rất nhỏ. Đặc biệt là họ để con cái tự do hơn về tư duy, về cách học hỏi.

Thành ra đứa trẻ nào cảm thấy thích thú trong việc kiếm tiền, nó có thể kinh doanh rất sớm và nó được hình thành trên nền tảng lớn, trên một đạo đức xã hội lâu bền.

Tôi vẫn thường nêu ra một bản nghiên cứu của Harvard năm 1998 cho thấy đạo đức và kỷ cương đóng góp về lâu dài một niềm tin tốt đẹp từ khách hàng, từ nhân viên, từ đối tác, từ nhà đầu tư, từ cộng đồng.

Thiếu đạo đức và kỷ cương quản trị, doanh nghiệp biến thành một công ty của cơ hội, của chụp giật, của đầu cơ… Mọi thành công sẽ tạm bợ.

Được biết ông đã có nhiều hoạt động liên quan đến giới trẻ ở Việt Nam. Những lần gặp gỡ giới trẻ, ông muốn truyền thụ cái gì cho họ, nhất là các bạn trẻ muốn khởi nghiệp kinh doanh?

Mỗi lần tiếp xúc với giới trẻ, tôi luôn muốn đem đến cho họ một tư duy mới, một tư duy cởi mở, chấp nhận những suy nghĩ khác người, chấp nhận những thay đổi trên bối cảnh kinh tế toàn cầu để họ có thể tiến bước, bắt kịp những người trẻ trên thế giới.

Với những bạn kém may mắn đang tranh đấu vất vả để tìm sự nghiệp hay cơ hội kinh doanh, hãy tin vào con người thực và định mệnh của mình. Phải kiên trì, biết đứng dậy và tiếp tục đi tới khi vấp ngã. Không ai có thể từ chối mãi một con người có ý chí.

Tôi cũng thường nói với các bạn trẻ rằng nhiều thứ có thể giải quyết được bằng tiền. Người ta dùng tiền có thể mua địa vị, quyền chức nhưng không thể mua được sự kính trọng. Họ có thể mua lâu đài, tòa nhà sang trọng, nhưng không có nghĩa có tiền sẽ cho được mái ấm của gia đình, của trí tuệ.

Tiến sĩ Alan Phan là doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại Mỹ và Trung Quốc. Ông là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ (1987) - Công ty Hartcourt đạt trị giá 670 triệu đôla vào năm 1999. Ông là tác giả của 9 cuốn sách tiếng Anh và tiếng Việt về kinh tế tài chính của các nền kinh tế mới nổi.

(Theo Tiền phong)