Nhiều nhà trong làng khi đào móng làm nhà đã “bắt” được chĩnh bạc, thậm chí cả đồng đen. Thêm vào đó, câu ca vẫn được người dân truyền tai nhau về sự giàu có của làng “Cốm làng Thạc, bạc làng Si” càng khiến người ta tin rằng, ở khu Nhân Đào, Thị trấn Nam Sách, Hải Dương, nằm dưới sâu trong tầng đất kia là cả một kho báu chưa được khai quật.


Làng địa chủ

Chẳng phải ngẫu nhiên, khu Nhân Đào trước đây được người ta gắn cho cái tên “làng địa chủ”, bởi làng có số địa chủ gộp lại nhiều nhất huyện, lớn nhất nhì tỉnh Hải Dương.

Cụ Nguyễn Văn Thuyết có 95 tuổi đời với 63 năm tuổi Đảng, cụ hiểu hơn ai hết về lịch sử của làng. Dù thời gian có làm cho các bước chân của cụ chậm đi, mái tóc bạc trắng và cả những ký ức bị rơi rớt lại trong trí nhớ thì chuyện làng có tới 9 địa chủ, có ngôi nhà xây từ thời Pháp thuộc to nhất huyện, “to hơn nhiều nhà giàu ngoài Hà Nội thời bấy giờ” là cụ vẫn còn nhớ rõ lắm.

Cụ Thuyết cho hay, khu Nhân Đào là gộp lại của hai làng Nhân Lý và Đào Thôn. Ngày trước làng Nhân Lý có bãi si mọc rậm rạp. Con sông chảy quanh làng có bến tấp nập thuyền bè qua lại cũng được gọi luôn là sông Si, bến Si. Và tên làng Si nôm na cũng từ đó.

“Chẳng biết có phải phong thủy của làng tốt không mà làng có nhiều địa chủ nhất huyện, có khi là nhất tỉnh. Hầu hết ruộng đất đều tập trung vào 9 nhà này. Riêng mấy địa chủ lớn như Nghị Dong, Tổng Tuyên, Cán Đản thì ruộng trải ra khắp các xã trong tỉnh, đến nỗi vào mùa gặt, người ta gồng gánh thóc về nhà địa chủ chẳng khác nào đi nộp thuế cho nhà nước. Nhà nào cũng có nhà ngói, gỗ lim 5 gian, thậm chí có nhà làm tới 2 – 3 cái như thế”, cụ Thuyết nhớ lại.

Thực hư chiếc quan tài bằng vàng

Cụ Thuyết từng đi chăn trâu ở đợ cho nhà Nghị Dong – đại chủ lớn nhất làng từ khi lên 9, 10 tuổi. Cụ không khỏi xuýt xoa khi nhớ lại: “Nhà ông ấy có một nhà Tây ở giữa hoàn toàn theo kiến trúc Pháp, xây từ năm 1927, hai bên là nhà gỗ lim 5 gian lợp ngói dày đến mức dẫm lên cũng không vỡ. Còn ngôi nhà Tây hai tầng thì vật liệu được chuyển từ Pháp sang, có tầng hầm dùng để chứa thóc lúa. Nhà có bể đục bằng đá liền khối chứa 2m3 nước”.

Cũng theo cụ Thuyết, sau khi cách mạng thành công, đặc biệt là trước gia đoạn cải cách ruộng đất vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước, nhà này cũng như những nhà địa chủ khác đã “tán của” bằng cách chôn bạc dưới nền nhà. “Riêng nhà Nghị Dong, người ta vẫn đồn rằng, ông này đi xem tướng, thầy phán rằng chết sẽ không có quan tài chôn. Nghĩ mình giàu có mà lại không sắm được nổi cái quan tài, Nghị Dong liền cho đúc chiếc quan tài bằng vàng cất giấu trong nhà”.

Khu dân cư Nhân Đào ngày càng khang trang (Ảnh: Báo Hải Dương)

Sự giàu có của làng còn được biết đến qua câu ca người ta vẫn truyền tai nhau “Cốm làng Thạc, bạc làng Si”. Một phần nguyên nhân được cụ Thuyết giải thích là do trước đây, bến sông của làng là nơi buôn bán tấp nập. Thuyền bè chở gốm từ làng Chu Đậu xuống Hải Dương, sang Hải Phòng đều qua bến sông này. Công việc làm ăn buôn bán thuận lợi nên cuộc sống của dân làng cũng khấm khá. Cũng ngày tôi còn nhỏ, mỗi khi có gió nồm về, nhà các địa chủ phải đong từng thúng bạc ra sân phơi cho khỏi xỉn màu”.

Đào móng nhà “bắt” được chĩnh bạc

Sau cải cách ruộng đất, nhà của địa chủ được chia cho các hộ dân. Có khi, một căn nhà có tới 4-5 hộ cùng chung sống. Rồi sau này, dần dần người dân tách ra, dựng nhà khác. Trong quá trình dựng nhà mới, nhiều nhà đã đào được bạc, vàng, thậm chí cả đồng đen.

Ông Nguyễn Văn Đoài, 82 tuổi, nguyên Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Thanh Lâm, huyện Nam Sách người làng Nhân Lý bấm đốt ngón tay: “Nhà bà Đà đào được hũ bạc đầu tiên, nghe đâu trong đó có cả vàng. Người ta vẫn bảo nhà ông bà Chung – Thân đào được đồng đen. Nhà bà Thoại ở trên nền nhà Nghị Dong trước đây, tôi chỉ cho chỗ từng là lối lên cầu thang vì nghi là dưới đó có thể giấu của. Một thời gian ngắn sau đó thì nhà ấy giàu lên, làm được nhà to nên tin rằng bà ấy trúng của”.

Thế nhưng rành rẽ nhất có lẽ vẫn là nhà ông Đặng Huy Tá, người có thâm niên mấy chục năm làm nghề tháo dỡ nhà. Ông kể, khoảng những năm 1996 – 1997, ông cùng đội phá khu nhà cũ trong trường cấp 2 của xã vốn trên nền đất nhà Nghị Dong. Khi hót đất đổ đi từ mặt nền xuống hố khoảng 60 phân thì phát hiện có hũ bạc chứa khoảng 400 đồng bạc hoa xòe, có tượng Nữ thần Tự do, niên hạn 1901 – 1909. Thỉnh thoảng có đồng bạc từ năm 1886. Số bạc ấy được chia cho đám thợ, mỗi người vài đồng về… đánh cảm.

Nhưng đào được nhiều nhất là khi phá nhà cho gia đình ông bà Chung – Thân. Cả thảy đào được 4 lọ, đo chiều ngang lọ là 12cm, chiều dài 18cm. Lúc đổ bạc ra phải dùng thúng khênh lễ mễ mới hết. Nhà ông Thắng thì đào được một lọ bạc. Nhà ông Hải đào được chum bạc cỡ 1.000đ. “Thế nhưng, hồi đào được bạc ấy thì đồng bạc không mấy có giá, người ta còn ban phát. Vậy mà vẫn có nhà đang nghèo khó làm được nhà to. Thế nên, dân làng đồn đoán là trong hũ đó có cả vàng”, ông Tá phỏng đoán.

Câu chuyện lại một lần nữa khiến người dân trong thị trấn xôn xao khi hồi tháng 2 vừa qua, trong lúc thi công công trình Trung tâm Chính trị huyện (trên nền nhà Nghị Dong trước đây), người ta đào được chum nghi là “có vàng bạc”.

Sau các vụ “trúng bạc” đó, nhiều nhà trong làng cũng tiến hành đào bới những mong được đổi đời. Thế nhưng “tôi cũng chưa nghe thêm ai trúng cả. Có dạo, thấy nhóm thợ từ nơi khác mang theo cả máy dò kim loại nhưng cũng chẳng phát hiện được gì”, ông Nguyễn Văn Trọng, Trưởng khu Nhân Đào cho hay.

Chuyện là khi làm nhà, người ta đào được bạc là có thật. Còn việc đào được chum là do trước đây, khu này là bãi sông. Thuyền bè chở gốm Chu Đậu qua lại đây bị lật, hoặc bị vỡ nên người ta ném xuống dòng sông. Lâu dần bãi sông được người dân bồi đắp, tu bổ, dựng nhà trên đó khi đào được chum cũng là đương nhiên – ông Phạm Công Hiệu (Chủ tịch Thị trấn Nam Sách).

(Theo KHĐS)