Nhiều ruộng rau chỗ nào cũng ngập đến mắt cá chân, có nơi phân heo nổi lềnh bềnh, rau cần, cải xoong “bò” trên ô nhiễm để sống. Tất cả số rau này đều được đem ra tiêu thụ tại Hà Nội.
"Người đẹp vì lụa, rau tốt nhờ phân"
Ở xã Nguyệt Đức (Thuân Thành, Bắc Ninh) có rất nhiều gia đình trồng rau đem bán. Để giảm thiểu chi phí chăm sóc, hầu hết họ sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn, đó là phân lợn, phân gà và thậm chí cả… phân người.
Theo giới thiệu của người dân trong xã, PV tìm đến nhà bà Hảo. Trong vai người muốn thu mua rau đem ra Hà Nội bán, PV được bà Hảo tiếp đón một cách niềm nở và không ngần ngại đưa PV đến một trong số những ruộng rau bà canh tác.
Nơi bà Hảo trồng rau là con mương nhỏ ngay sát nghĩa địa của thôn. Một dòng nước đen kịt, hôi thối bao vây vạt rau bên dưới. Những luống rau được uống “dinh dưỡng” trở nên xanh mượt, phổng phao, mập mạp. Chỉ tay vào chỗ tốt tươi nhất, bà Hảo chia sẻ kinh nghiệm: “Rau cần mà có nước tiểu, phân heo thì tốt phải biết. Cô thấy không, chỗ nào gần “dinh dưỡng” nhất là tốt lút cả lên, hai ba hôm phải cắt một lần”.
Thấy chúng tôi nhăn mặt, bịt mũi, bà Hảo giọng hồn nhiên: “Nhìn thì nhớp vậy thôi chứ rau hái lên tươi ngon lắm, chả việc gì phải sợ. Rau nhà tôi được các mối chở rau ra Hà Nội bán rất thích, sáng nào tôi cũng phải dậy từ 5-6h sáng cắt rau để kịp giao cho họ. Ruộng rau này gia đình tôi đã canh tác cả chục năm nay rồi”. Theo hướng tay chỉ của bà Mật, đúng là so với một số thửa phía trên không được “uống” nước tiểu, phân heo hàng ngày thì thân nhỏ, lá vàng, cằn cỗi hơn.
Tuy nhiên khi được hỏi “gia đình bà có hái rau dưới ruộng ngập nước đen này ăn không?”, bà Hảo cười trừ: “Thực tình là chúng tôi trồng để bán chứ chưa khi nào ăn. Rau ăn được trồng ngay trong vườn của nhà rồi. Không chỉ riêng nhà tôi, những nhà xung quanh đây đều trồng để bán, phần đông họ tự chuyên chở ra các chợ trên Hà Nội bán, số còn lại thì đem bán ở các chợ nhỏ lẻ trong thôn, xã.”.
Phân và chất thải của lợn được anh Tưởng dẫn trực tiếp ra ruộng bằng những rãnh nhỏ |
Người trồng không bao giờ ăn
Tạm biệt bà Hảo, PV đi vòng qua khu rau cần, rau cải xoong rộng mênh mông của gia đình anh Tưởng. Ruộng rau nhà anh ở ngay cạnh chuồng nuôi lợn nên phân và nước thải trong quá trình nuôi lợn được dẫn trực tiếp ra ruộng bằng những cái rãnh nhỏ.
PV được anh Tưởng nhiệt tình dẫn đi coi hết ruộng này đến thửa khác. Vừa dẫn chúng tôi đi, anh Tưởng “nổ” ngút trời: “Ở đây đất đai màu mỡ, lại được tưới phân liên tục nên rau cứ gọi là ngon-bổ-rẻ. Nhà tôi đất đai không nhiều, chủ yếu thuê lại ruộng của họ để trồng nên rau xanh không khi nào thiếu để giao cho lái buôn đem ra Hà Nội. Trồng rau lãi hơn trồng lúa nhiều lần…”.
Quan sát ruộng rau nhà anh Tưởng, PV thấy chỗ nào cũng ngập đến mắt cá chân, có nơi phân heo nổi lềnh bềnh, rau cần, cải xoong “bò” trên ô nhiễm để sống. Theo anh Tưởng thì cứ cắt kiểu cuốn chiếu, khoảng một vài tuần khi quay lại chỗ cũ, xoay vòng như thế mà rau lớn nhanh như thổi, luôn có bán cho các lái buôn.
Khi chúng tôi đề cập: “Rau trồng nơi nước bẩn thế này bán cho người ta ăn có bị đau bụng, ngộ độc không?”. Anh Tưởng trợn mắt: “Đau là đau thế nào, tôi trồng rau bán gần cả chục năm nay có ai kêu than gì đâu. Cứ cho vào nước rửa là sạch tuốt, chả chết ai mà sợ. Ở mấy nơi người ta còn phun cả thuốc kích thích, nhà tôi làm ăn lương thiện, phân thải từ những con lợn khỏe mạnh thì có sao. Nhiều nhà còn không xây nhà vệ sinh tự hoại để “gom” phân lại có cái bón cho rau, khoai tây, khoai lang . Làm ăn nhỏ lẻ như chúng tôi mà đi mua phân bên ngoài về bón cho rau thì còn gì lãi lời nữa”.
Nói là vậy nhưng khi hỏi một người dân sống gần cạnh nhà anh Tưởng thì họ lắc đầu, nhăn mặt: “Anh ta nói vậy thôi chứ có khi nào cho con xuống hái về ăn đâu. Ở đây nhà nào cũng trồng rau để bán, nhưng để gia đình sử dụng thì trồng riêng ra ở một thửa khác, không tưới nước thải ô nhiễm hay phun thuốc gì cả”.
(Theo VietQ)