Những thay đổi về tiêu chí phân loại và xử lý nợ xấu mới có thể khiến nợ xấu các ngân hàng tăng lên đột biến.



Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/9/2012, tỷ lệ nợ xấu chiếm 8,82% tổng dư nợ toàn hệ thống. Nếu tính tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng hiện nay vào khoảng 2,8 triệu tỷ đồng thì nợ xấu vào khoảng 280.000 tỷ đồng

Nợ xấu lớn hơn công bố?

Nhiều chuyên gia cho rằng trên thực tế số nợ xấu còn lớn hơn bởi nó vẫn đang được che giấu. Theo nguyên tắc, những khoản nợ xấu đã được trích lập dự phòng rủi ro sẽ đưa ra ngoại bảng kế toán và tất nhiên số nợ xấu này sẽ không thể hiện trên sổ sách nữa, nhưng thực chất số nợ xấu này vẫn còn.

Năm 2012 vừa qua, NHNN cho phép các TCTD giảm lãi suất các khoản vay, gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ cho các DN nên một khoản nợ xấu coi như đã được xử lý.

Chẳng hạn, khi cơ cấu nợ cho khách hàng, nợ lãi có thể được nhập vào nợ gốc và điều này sẽ làm tăng thêm dư nợ vay của các tổ chức tín dụng, nhưng thực tế, dòng tiền lại chưa hề quay về.

Các TCTD cũng có thể "làm đẹp" sổ sách bằng nhiều cách. Một trong những biện pháp phổ biến nhất chính là việc hỗ trợ giải ngân các khoản vay mới cho các khách hàng để trả nợ cũ hoặc giải ngân cho các dự án đã được hoàn thành để khách hàng trả nợ cũ. Khi đó, khách hàng không bị chuyển nhóm nợ.

Việc giải ngân lòng vòng giữa các khách hàng có mối quan hệ liên minh với nhau cũng là một cách để giúp các khách hàng này có dòng tiền để trả nợ và giảm nợ xấu. Nếu một khách hàng trong liên minh có nguy cơ bị nợ quá hạn hoặc nghiêm trọng hơn là bị nợ xấu, để giải quyết vấn đề này, nhiều tổ chức tín dụng có thể cho một DN khác hoặc cá nhân khác trong liên minh vay để giúp khách hàng này dùng tiền vay trên trả nợ.

Bằng cách này, tuy dư nợ của các tổ chức tín dụng, với liên minh khách hàng trên thực tế không thay đổi, nhưng nợ vẫn được đảm bảo đủ tiêu chuẩn và không phải trích dự phòng...


Nợ xấu trong thời gian tới được nhận định sẽ còn cao hơn bởi theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng mới ban hành thì rất nhiều khoản không bị coi là nợ xấu hiện nay sẽ được xếp vào nợ xấu.

Cụ thể, nhiều khoản nợ trước đây được coi là an toàn, như nợ được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức tín dụng, hoặc công ty con của tổ chức tín dụng, hoặc tiền vay được sử dụng để góp vốn vào một tổ chức tín dụng khác; nợ cấp cho công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng; nợ đang thu hồi theo kết luận thanh tra… nay bị xếp vào nợ xấu nhóm 3. Còn các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ 2; nợ phải thu hồi theo kết luận thanh tra, nhưng đã quá thời hạn thu hồi đến 60 ngày mà vẫn chưa thu hồi được... bị xếp vào nợ xấu nhóm 4. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai; nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên, kể cả chưa bị quá hạn, hoặc đã quá hạn… đều bị xếp vào nhóm nợ có nguy cơ mất vốn.

Việc đưa ra tiêu chuẩn mới về phân loại nợ xấu để tiến tới thông lệ quốc tế như vậy sẽ làm cho tỷ lệ nợ xấu tăng lên là điều khó tránh khỏi.

Xử lý nợ xấu, còn mất nhiều năm

Việc xử lý nợ xấu hiện nay vẫn được cho là hết sức khó khăn. Theo các chuyên gia, về nguyên tắc để xử lý nợ xấu có 2 cách là tăng dư nợ tín dụng mới lên, như vậy sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu xuống, nhưng hiện nay tăng trưởng tín dụng rất thấp, không thể đẩy mạnh được vì vậy khó làm giảm nợ xấu bằng cách này.

Tiếp theo là giảm quy mô nợ xấu. Tuy nhiên trong số nợ xấu thì nợ xấu do bất động sản gây ra chiếm tỷ lệ khá lớn, muốn giảm thì phải giảm tồn kho bất động sản, nhưng thị trường bất động sản đến nay khá trầm lắng vì vậy việc giải quyết nợ xấu theo hướng này cũng hết sức chậm chạp.

Việc thành lập công ty mua bán nợ theo các chuyên gia cũng chỉ giúp chuyển nợ từ chủ sở hữu này sang chủ sở hữu khác, còn nợ xấu vẫn tồn tại trong nền kinh tế.

Không những thế, cho đến nay việc xác định nợ xấu là bao nhiêu cũng còn chưa rõ ràng, lý do là vì nhiều ngân hàng, DN không minh bạch tài chính, nên cơ quan quản lý không thể xác định quy mô và chất lượng nợ xấu.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, cho rằng muốn giảm nợ xấu thì phải đánh giá được nợ xấu đang ở đâu. Tôi cho rằng chưa thể xử lý được nợ xấu bởi chúng ta chưa đánh giá được nợ xấu là bao nhiêu và nguyên nhân nào, từ đó có giải pháp xử lý hiệu quả.

Trả lời chất vấn về vấn đề nợ xấu, tại phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc ngày 21/8/2012, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, khi thanh tra 9 tổ chức trong đề án tái cơ cấu, Ngân hàng Nhà nước phát hiện có tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu lên tới 30%, 60%, thậm chí 1 số tổ chức còn lỗ đến mức âm vốn điều lệ.

Trong một diễn đàn kinh tế mới đây, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cho biết, thực tế nợ xấu của ngân hàng phức tạp hơn rất nhiều. Chúng tôi tính toán sơ bộ thì có ngân hàng nợ xấu lên tới 40% mà không ai biết gì, cũng không ai cảnh báo cho họ. Nhiều ngân hàng có nợ xấu lớn nhưng nguồn trích lập dự phòng rủi ro ít, do đó, việc xử lý nợ xấu không hề dễ. việc quản trị rủi ro của nhiều ngân hàng đã bị buông lỏng, không theo quy chuẩn.

Theo số liệu của ngân hàng Nhà nước, tổng lợi nhuận trước thuế của các tổ chức tín dụng trong năm 2012 là 28.600 tỷ đồng, giảm 50% so với 2011. Trong khi đó số tiền trích lập dự phòng rủi ro đã dành để xử lý nợ xấu là 39.000 tỷ đồng. Như vậy số tiền dùng để xử lý nợ xấu cao hơn gấp khoảng 1,3 lần so với lợi nhuận của ngân hàng.

Trần Thủy