Với quan niệm cần ăn uống phù hợp để cơ thể thanh tịnh trong tháng đầu năm, nhiều người đã tìm đến thực phẩm chay khiến thị trường này thêm nhộn nhịp.


Tại các cửa hàng bán thực phẩm chay ở TPHCM như khu vực gần chùa chiền, trên các tuyến đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp)..., lượng khách trong thời gian này tăng vọt.

Mặn có gì, chay có đó

Đến siêu thị Pháp Hoa chuyên bán thực phẩm chay gần chùa Phổ Quang (quận Tân Bình), chúng tôi nhận thấy hàng hóa bày trên các quầy, kệ ít hơn ngày thường, một số loại thậm chí không có. Nhân viên bán hàng cho biết: “Đồ ăn chay tạm thời hết hàng vì đầu năm, nhiều người đi chùa ghé mua, siêu thị chưa kịp lấy về bổ sung”. Theo nhân viên siêu thị, lượng hàng bán ra trong những ngày sau Tết vừa qua tăng 20%-35% so với ngày thường.

Gian hàng bán thực phẩm chay tại các hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Maximark,... những ngày qua cũng rất thu hút khách hàng. Giới kinh doanh thực phẩm cho biết hầu như món gì ăn mặn có thì chay cũng có, từ bò, heo, gà đến hải sản... Rất nhiều món chay được làm rất giống với đồ thật từ hình thức đến hương vị nên được nhiều khách ưa chuộng.

Thực phẩm chay Trung Quốc bán đầy chợ Bình Tây - TPHCM

Món chay giá bán đắt không thua gì món mặn. Chủ các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này cho biết những ngày qua, một số sản phẩm đã tăng giá do hút hàng, như: vịt hầm măng đóng hộp tăng từ 9.500 đồng lên 15.000 đồng/hộp, ham gà hoặc ham thịt tăng từ 38.000 đồng lên 45.000 đồng/gói 0,5 kg...

Lo hàng Trung Quốc

Thực phẩm chay chủ yếu làm từ rau củ quả. Tuy nhiên, để bảo đảm độ dai, bảo quản được lâu và có mùi giống với các loại thực phẩm mặn, các nhà sản xuất, chế biến phải cho hóa chất, phụ gia và chất chống ẩm mốc vào nhiều món… Hiện nay, nhiều công ty, cơ sở trong nước có tên tuổi đã chế biến, sản xuất hàng loạt mặt hàng thực phẩm chay để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, theo giới kinh doanh, hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc cũng chiếm số lượng không nhỏ.

Dạo qua các chợ lớn ở TPHCM như Bình Tây (quận 6), An Đông (quận 5) và nhiều tuyến đường thuộc khu vực quận 5, chúng tôi thấy thực phẩm chay được bày bán rất phổ biến trong tháng đầu năm. Tại các khu vực này, nhiều sản phẩm chay không được bảo quản hoặc không có nhãn mác, không ghi hạn sử dụng và nguồn gốc sản xuất được đổ bán xá.

Nhiều sản phẩm dùng để chế biến thực phẩm chay như xá xíu, tàu hũ ky, mì căn, nhất là các loại nấm, được đóng thành bao chất đầy trước các sạp, không ghi nơi sản xuất. Một số loại được nhập từ Trung Quốc dù có ghi thông tin bằng tiếng Việt nhưng với nội dung rất sơ sài. Khi chúng tôi thắc mắc về thành phần và hạn sử dụng, một chủ sạp tại chợ Bình Tây thản nhiên: “Những loại này do tư nhân làm nên không đóng gói, chúng tôi chỉ bán theo yêu cầu của khách”.

Tại khu vực chợ Bình Tây, chúng tôi cũng thấy nhiều chủ sạp sau khi lấy hàng ra khỏi hộp các-tông có in chữ Trung Quốc đã bỏ vỏ hộp khác, cho lên quầy, kệ lẫn với các sản phẩm Việt Nam đã được bày sẵn.

Lựa chọn thực phẩm an toàn

Một tiến sĩ trong ngành hóa chất, thực phẩm cho biết hầu hết các loại thực phẩm chay đều phải dùng chất tạo mùi tổng hợp. Tuy nhiên, dùng loại tinh chất thì giá rất đắt nên nhiều khả năng, người sản xuất, chế biến sẽ sử dụng loại có tạp chất không tốt cho sức khỏe, thậm chí nguy hiểm nếu không được kiểm soát liều lượng. Vì vậy, người tiêu dùng nên chú ý chọn lựa thực phẩm chay sao cho an toàn.

(Theo NLĐ)