Năm cũ qua đi, nhiều DN tiêu điều với nợ nần thua lỗ. Năm mới đến, các đại gia buộc phải tính kế để thoát phá sản và lo trả món nợ ngàn tỷ. 

2000 tỷ chỉ còn 75 tỷ

Hoạt động trong lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam nhưng không ít doanh nghiệp lớn có tên tuổi trong lĩnh vực nông thủy sản thua lỗ triền miên, nợ ngập đầu. có nguy cơ phá sản.

Tập đoàn Thái Hòa của chủ tịch Nguyễn Văn An là một doanh nghiệp cà phê hàng đầu tại Việt Nam với tài sản có lúc lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, doanh thu hơn 3.300 tỷ đồng. Nhưng giờ đây giá cổ phiếu THV chỉ còn khoảng hơn 1.000 đồng và vốn hóa thị trường chưa bằng một DN nhỏ và vừa, vỏn vẹn khoảng 75 tỷ đồng.

Sóng gió đến với Thái Hòa bắt đầu từ cuối năm 2011 nhưng thực sự bộc lộ trong năm 2012 và DN rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán nhiều khoản nợ ngân hàng trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Cơ hội trả nợ của ông chủ doanh nghiệp cà phê càng trở nên khó khăn khi mà DN liên tiếp thua lỗ. Năm 2011 Thái Hòa âm hơn 210 tỷ đồng. Bốn quý gần nhất (tính tới hết quý III/2012), THV đều lỗ với mức âm vốn từ 77 cho tới 154 tỷ đồng.

Tính đến hết quý III/2012, lỗ chưa phân phối của THV lên tới 523,7 tỷ đồng, gần chạm đến ngưỡng 577,5 tỷ đồng vốn điều lệ và đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.


Điều đáng ngại nhất đối với Thái Hòa chính là gánh nặng nợ lên tới gần 2.000 tỷ đồng.

Không chỉ Thái Hòa, một loạt các DN trong lĩnh vực nông thủy sản khác cũng đã gặp rất nhiều khó khăn thậm chí phải phá sản như Bianfishco, Thủy sản Phương Nam, Thủy sản Đông Nam…

Tại Bianfishco, bà chủ danh tiếng Diệu Hiền năm trước đã để khoản nợ lên đến 1.800 tỷ đồng với hoạt động kinh doanh thua lỗ liên miên. DN sau đó được SHB tham gia là cổ đông lớn và rót vốn khởi động lại sản xuất.

Thủy sản Phương Nam - từng lọt vào top 10 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tiêu biểu của cả nước - cũng để lại món nợ 1.600 tỷ đồng. Gần nhất, trong những ngày cuối cùng năm 2012, một đại gia thủy sản khác là Đông Nam cũng đã vỡ nợ cả trăm tỷ đồng.

Trong trường hợp HAG của Hoàng Anh Gia Lai dù vẫn đang hoạt mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực cao su, mía đường, thủy điện, BĐS… nhưng khối nợ hàng chục nghìn tỷ đồng có lẽ cũng khiến nhiều cổ đông, ngân hàng lo lắng.

Theo một số đánh giá, năm 2013, HAGL sẽ bắt đầu thu những đồng tiền đầu tiên từ cao su nhưng không nhiều và doanh nghiệp này vẫn đang cần rất nhiều tiền cho kế hoạch trồng 51.000ha loại cây công nghiệp này.

Cầu trả hết nợ

Với Tập đoàn Thái Hòa, trong hơn một năm qua đã làm việc với tất cả các NH để gia hạn cho các khoản nợ, đàm phán vay thêm vốn trong những tháng đầu năm 2013.

Với nỗ lực cắt giảm hàng loạt các chi phí và gia hạn các khoản vay, sức ép tài chính trong ngắn hạn của THV được dự báo giảm nhiều so với thời gian trước. Nhiều khả năng chỉ khoảng cuối tháng 2/2013, Thái Hòa sẽ công bố báo cáo quý IV phản ánh điều này.


Theo vị chủ tịch đã dùng phần lớn tài sản riêng hỗ trợ cho THV, DN đang được sự ủng hộ của rất nhiều tổ chức tín dụng cũng như nhiều đối tác. Bên cạnh đó, việc phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá để huy động vốn của THV nhiều khả năng sẽ thành công.

Hơn thế, do hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp , nhiều khả năng Thái Hòa cũng sẽ nằm trong diện ưu tiên hỗ trợ của Nhà nước. Việc phục hồi, có thể nói, khó thể diễn ra nhanh chóng nhưng THV đã qua giai đoạn khó khăn nhất và năm nay phải lo trang trải nợ nần.

Trường hợp Bianfishco cũng đã có những tín hiệu khá tốt. Cho đến nay, Bianfishco đã dàn xếp ổn thỏa với các chủ nợ lớn và trả hết tiền nợ cá cho người dân. DN đã thu mua cá nguyên liệu trở lại để chế biến xuất khẩu. Nhiều khả năng, Bianfishco sẽ khôi phục thành công các thị trường xuất khẩu cũ.

Thủy sản Phương Nam cũng đã bắt đầu tái cơ cấu theo cách tự thỏa thuận giữa cổ đông với các chủ nợ để tái cơ cấu mà không cần phải qua tòa án hoặc sự can dự của bên thứ ba.

Trong trường hợp Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức gần đây hồ hởi loan báo thông tin nhà máy mía đường ở Lào đã đi vào hoạt động. Theo tính toán, nếu thuận lợi, nhà máy mía đường 7.000 tấn mía/ngày và Trung tâm nhiệt điện 30 MW sẽ mang lại cho HAGL một nguồn doanh thu khá lớn, ước tới cả 1.000 tỷ đồng trong năm 2013. Đây có thể coi là dòng tiền quan trọng giúp HAGL tập trung vốn cho dự án trọng điểm 51.000ha cao su.

Trong nước, bầu Đức tiếp tục kế hoạch rút dần khỏi BĐS với động thái hạ giá nhiều dự án và gần nhất hồi giữa tháng 1/2013 là thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL Land. Tuy nhiên, ở ngoài nước, ông chủ HAGL cũng đang gấp rút “đánh nhanh” dự án cao ốc phức hợp 300 triệu USD tại Thành phố Yangon, Myanmar.

Theo tính toán của bầu Đức, tiền sau đó sẽ được dồn lực cho phát triển cây cao su - một loại cây công nghiệp có thể khai thác trong vòng 25 năm với sản phẩm mủ cao su đã được đại gia săm lốp Michelin đề nghị bao tiêu toàn bộ.
Với đa số các DN đang oằn vai vì nợ nần, nguy cơ phá sản không phải không có. Tuy nhiên, hầu hết các đại gia đã nhận thức được nguy cơ này. Thua lỗ nợ nần trong các năm vừa qua là kết quả bi đát nhưng có lẽ lại là bài học giúp các đại gia tự sốc lại mình, tính kế cho một sự phát triển lâu dài.

Mạnh Hà