Nằm dưới chân núi Thiên Cấm Sơn ngàn năm huyền bí, bao năm qua, chợ côn trùng ở cửa khẩu Tịnh Biên thuộc xã Xuân Tô (Tịnh Biên, An Giang) của người Khmer đã thu hút hàng chục ngàn lượt khách hàng năm. 

Từ những loài vật cực độc, có thể mất mạng nếu bị chúng cắn phải như bọ cạp, nhện hùm, rắn rít cho tới những con vật mà mới thoáng nhìn qua, nhiều người đã lạnh cả sống lưng vì sự gớm ghiếc như ngô công (hay còn gọi là rết), mối chúa, bổ củi… đều được bày bán la liệt ở đây. Và kỳ lạ hơn nữa, đa phần những người bắt, bán côn trùng ở đây đều là người Khmer sinh sống trong vùng Tịnh Biên, Tri Tôn hoặc phía bên kia biên giới Campuchia nữa.

Khu chợ kỳ lạ

Bắt đầu từ ngã ba Nhà Bàng của huyện Tịnh Biên, chúng tôi ngược thêm gần chục cây số nữa để lên chợ côn trùng biên giới nơi đây. Những ngày đầu xuân này, khách du lịch từ Cần Thơ, Tân An hay Sài Gòn… xuống đây rất đông vì nơi này là cửa khẩu biên giới với nước bạn Campuchia, vừa là một phần của tuyến du lịch hành hương về núi Cấm danh tiếng. Bước vào chợ, ngoài những khu đồ vải vóc, sản phẩm dệt đặc trưng của người Khmer địa phương là khu chợ côn trùng với những loài cực độc được bày bán với mỗi con đều có thể đoạt mạng người trong giây lát nếu bị chúng cắn phải.

Theo chị Chau Ty, một người Khmer ở thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn, An Giang), người buôn bán côn trùng lâu năm ở đây thì năm nào cũng vậy, cứ dịp đầu xuân là khách về đây mua hàng tăng hơn bình thường mấy lần bởi họ tiện đường về núi Cấm nên ghé qua. Đa phần là khách đi du lịch, từ trên Sài Gòn xuống, mua một vài ký bò cạp, nhện độc, rết độc về để Tết... đãi bạn bè ăn chơi.

Nhiều loài côn trùng độc khác nhau được bày bán ở chợ.

Thấy chúng tôi tròn mắt ra chiều không hiểu bởi ăn những loài côn trùng cực độc ấy khác nào... tự tử thì chị Chau Ty cười, giải thích luôn: “Mặc dù những loài côn trùng này lúc sống thì rất độc. Bình thường, một con chó hoặc mèo nếu bị nó cắn phải sẽ ốm lử khử mấy ngày rồi lăn đùng ra chết. Riêng người, nếu không may bị chúng cắn mà không cấp cứu tức thì cũng có thể nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, đó là lúc sống chứ khi chúng đã chết thì lại rất... bổ. Mà kỳ lạ là chúng chỉ bổ cho đàn ông thôi chứ phụ nữ thì chỉ thấy được công dụng qua…năng suất hoạt động của chồng mà thôi. Vì thế, côn trùng thường được ngâm rượu, được chiên giòn hay…nướng muối ớt phục vụ phái mày râu bởi công dụng chính của chúng là tăng cường sinh lý, duy trì bản lĩnh đàn ông”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá của côn trùng ở Tịnh Biên dịp đầu xuân này vào khoảng 10.000 - 15.000 đồng/con bọ cạp, 20.000 - 25.000 đồng/con ngô công. Riêng nhện độc (hay gọi là nhện hùm, nhện đen) thì có giá khoảng 30.000 đồng/con. Còn mối chúa to cỡ ngón chân cái người lớn, dài nửa gang tay là loài côn trùng quý hiếm, lâu lâu mới bắt được nên giá khá cao, phải từ 500.000 đồng/con trở lên. Theo giải thích của chị Chau Ty, do hiện nay mới đầu năm, không phải mùa côn trùng sinh sản nên những loại này rất hiếm, có khi phải vào sâu trong rừng ở Thiên Cấm Sơn mới có thể bắt được. Ngoài những loài côn trùng còn sống, ở chợ còn bán rất nhiều loại côn trùng đã được chế biến, trong đó chủ yếu là ngâm rượu làm thuốc bổ, chữa nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt về vấn đề xương khớp và ngoài da.

Theo anh Tuấn (37 tuổi, chủ một doanh nghiệp sản xuất bao bì ở Hóc Môn, TP.HCM) thì năm mới, anh cùng gia đình đi tham quan ở núi Bà (một ngọn núi của Thiên Cấm Sơn), tiện đường nên ghé qua chợ côn trùng tìm mua vài chai rượu ngâm nhện độc về giấu đầu giường làm “bửu bối” với mong muốn làm vui lòng vợ. Theo anh Tuấn, những loài nhện độc này khi ngâm với rượu thì có rất nhiều công dụng. Ngoài việc tăng cường sinh lực đàn ông, nó còn có thể giúp xoa bóp ở những vết thương kín hay chữa các bệnh mất ngủ, nhức đầu, thừa mỡ... Vì thế, ngoài việc mua về cho bản thân, anh còn mua thêm cả mấy lọ ngâm mối chúa và ngâm rắn nữa để mang về tặng bạn bè và biếu bố vợ.

Càng độc lại càng... bán chạy

Theo những người buôn bán côn trùng ở chợ Tịnh Biên thì hiện nay, ngoài nguồn cung côn trùng ở núi Cấm, những thợ săn côn trùng chủ yếu là người Khmer còn phải lặn lội sang tận bên vùng Tà-keo, Sam-rong (Campuchia) để săn hàng nên chi phí của nó tăng cao. Thế nhưng, những du khách mua hàng sẽ không bao giờ phải thất vọng vì “tiền nào của ấy” bởi bây giờ đã là cuối mùa, những con côn trùng nào còn sống sót được thường thuộc loại “cố cựu” rất to, có độc tính cực mạnh.

Theo anh Chau Cóc (một người Khmer ở Cô Tô, huyện Tri Tôn), một người chuyên làm nghề săn bắt côn trùng thì bình thường, mỗi ngày anh có thể bắt được vài ba chục con côn trùng như mối chúa, nhện đen, ngô công lẫn trong những lớp lá mục, những cành củi khô hay những vách đá ẩm ướt ở bên núi Dài, núi Phú Cường hay núi Bà (đều thuộc vùng núi Cấm) nhưng gần đây, trời hanh khô, rất khó kiếm bởi chúng thường vùi mình sâu hơn.

Có hôm anh cùng nhóm bạn phải sang phía bên kia biên giới Campuchia để bắt côn trùng vì bên đó, người dân ít săn bắt những loại này nên chúng vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, ở đó đường xa, đi lại vất vả nên mỗi chuyến có khi phải mất đến 2-3 ngày mới về. Ngoài ra, anh Chau Cóc còn cho biết, ở chợ Tịnh Biên này, nhiều gia đình người Khmer hoạt động theo chu trình khép kín với chồng con đi bắt còn vợ ở chợ bán hàng.

Bổ củi được bày bán la liệt.

Bọ cạp cực độc.

Mặc dù theo những người bán côn trùng ở đây, tất cả chúng đều có rất nhiều công dụng nhưng trao đổi với chúng tôi, lương y Nguyễn Thiện Chung - Chủ tịch Hội Đông y Tịnh Biên thì công dụng của bọ cạp và ngô công độc khi ngâm rượu đã được lưu truyền trong dân gian từ xưa và điều đó là hoàn toàn có thật, nhưng chỉ là có tác dụng tiêu đau, giảm sưng tấy và lưu thông máu ở mao mạch ngoài da mà thôi. Tuy nhiên, công dụng “tăng cường sinh lực phái mạnh” như những bà bán hàng ngoài chợ côn trùng quảng cáo thì chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể nào. Riêng những loài như mối chúa, nhện đen, bổ củi…thì vẫn được những người dân Khmer địa phương sử dụng trong bữa ăn hàng ngày nhưng công dụng thế nào thì chưa có tài liệu khoa học nào đề cập tới.

Hơn nữa, khách hàng khi mua côn trùng ở đây phải chú ý, tất cả những công dụng (nếu có) của chúng chỉ còn khi đó là côn trùng sống, được ngâm trong những loại rượu đảm bảo chất lượng chứ nếu côn trùng chết hay rượu rởm thì hoàn toàn có thể phản tác dụng nếu lạm dụng. Ngoài ra, ông Lê Thành Công - kiểm lâm của Hạt kiểm lâm Tịnh Biên cũng cho hay, việc săn bắt côn trùng ồ ạt của người dân địa phương trong vài năm qua ở đây có thể dẫn tới việc mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường rừng ở khu vực núi Cấm này. Vì thế, kiểm lâm đang xúc tiến phương án cấm người dân săn bắt côn trùng. Tuy nhiên, đây lại là sinh kế của nhiều hộ gia đình, nhất là các gia đình người Khmer nghèo nên các cán bộ cần lên phương án kỹ trước khi đưa ra lệnh cấm.

Có lẽ cũng như rất nhiều du khách khác khi mới lần đầu tới chợ côn trùng này, chúng tôi đã không khỏi hãi hùng khi nhìn thấy những con vật vô cùng độc mà nhiều người nói cần phải tránh xa như thế. Tuy nhiên, sau khi trấn tĩnh lại, có lẽ cũng như những thực khách kia, chúng tôi sẽ ngồi xuống, nhâm nhi một vài con bọ cạp độc được chiên giòn khá ngon mắt để nhớ một lần đã đến với khu chợ vùng biên độc đáo của đồng bào người Khmer nơi đây.

(Theo SK&ĐS)